Quyền lợi người tiêu dùng phải được bảo vệ

Thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng của thương mại điện tử cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể các khiếu nại trong lĩnh vực này. Vì vậy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là điều quan trọng trong khi phát triển thương mại điện tử.

Thương mại điện tử Việt Nam đứng trong Top 10 thế giới

Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, sau 10 năm phát triển, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 16-30%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

Tăng trưởng mạnh mẽ nên thương mại điện tử đã khẳng định là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trước đây khái niệm "thương mại điện tử" còn khá xa lạ với người tiêu dùng, doanh nghiệp nhưng sau 10 năm phát triển, thương mại điện tử Việt Nam đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường gồm dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát…

Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. “Thương mại Điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong Top 10 trên toàn thế giới, dự báo tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới” - ông Hải khẳng định.

Đánh giá lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, mô hình này đã giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh, từ chỗ chỉ coi thương mại điện tử là một lựa chọn, nhưng nay đã coi đây là yếu tố giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Các cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp cũng vì vậy mà tăng cường ứng dụng bán hàng trên thương mại điện tử, mạng xã hội.

Tuy vậy, trước xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới đang được mở rộng, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh công nghệ mới để tiếp cận với người tiêu dùng toàn cầu, ở Mỹ, châu Âu…

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữa hàng nhập lậu và rao bán trên không gian mạng. Ảnh: Hoài Nam

Ngoài ra doanh nghiệp hạ tầng cần chung tay với cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ từng bước ứng dụng thương mại điện tử để giúp cả xã hội đều có thể sử dụng lợi thế của loại hình kinh doanh này nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Quyền lợi người tiêu dùng cần được bảo vệ

Thực tế cho thấy, thương mại điện tử phát triển đã hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, người tiêu dùng thêm cơ hội tiếp cận sản phẩm. Nhưng bên cạnh nhiều tiện ích đã xuất hiện nhiều vấn đề về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến.

Chị Nguyễn Quỳnh ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) phản ánh, mới đây đã mua váy trên sàn giao dịch điện tử. Xem qua mạng, rất ưng màu sắc, mẫu mã nên tôi đã quyết định đặt mua với giá 500.000 đồng. Thế nhưng khi nhận hàng, tôi rất thất vọng bởi không giống sản phẩm đã chọn mua trên mạng nên gọi lại nơi bán để đổi. Bất ngờ, số máy của tôi đã bị người bán chặn, không cho giao dịch.

Người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hoài Nam

Số liệu từ cơ quan chức năng cho thấy, trung bình mỗi năm số lượng người mua sắm trực tuyến đạt 50-60 triệu người, giá trị khoảng 6,1 - 6,6 triệu đồng/người. Bên cạnh hàng có chất lượng thì có cả hàng kém chất lượng. Theo công bố của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), người tiêu dùng cũng gặp nhiều trở ngại khi mua sắm trực tuyến, như chất lượng kém so với quảng cáo (42%), vận chuyển và giao nhận kém (25%), dịch vụ chăm sóc khách hàng kém (22%)…

Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh & Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Cao Xuân Quảng cho biết, trung bình mỗi năm, đơn vị xử lý từ 500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch online. Những phản ánh vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng tập trung vào hiện tượng giao hàng hỏng hóc, vỡ nát, không đúng với đơn đặt hàng, không đúng với quảng cáo cũng như vấn nạn hàng gian, hàng giả…

Trong khi đó Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho biết, trung bình mỗi tháng, hội nhận được 50-60 phản ánh, khiếu nại của khách hàng liên quan đến mua phải hàng kém chất lượng trên không gian mạng.

Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữa hàng nhập lậu và rao bán trên không gian mạng. Ảnh: Hoài Nam

Để xảy ra tình trạng này, là do pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ, chưa theo kịp với tình hình thực tiễn với sự phát triển của thương mại điện tử. Cùng với đó, những thủ tục khiếu nại, khởi kiện đơn vị bán hàng kém chất lượng còn rườm rà nên hầu hết người tiêu dùng đều âm thầm chịu đựng mà không lên tiếng.

Thông tin về những hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia Nguyễn Quỳnh Anh thông tin, Quốc hội vừa thông qua sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có hiệu lực vào đầu năm 2024. Trong đó quy định rõ về tính minh bạch của thông tin sản phẩm phải dễ hiểu, không gây nhầm lẫn, yêu cầu các doanh nghiệp phải tự tuân thủ việc đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng thông qua sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội như Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc thanh kiểm tra trên môi trường mạng, hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết hàng thật, hàng giả, giải đáp kịp thời thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng. "Tuy nhiên để hạn chế thấp nhất các rủi ro, nhất là khi mua hàng trên không gian mạng, người tiêu dùng phải tìm mua hàng hóa ở các cửa hàng có địa chỉ uy tín, các đại lý phân phối hàng chính hãng, phải có hóa đơn và giữ lại hóa đơn để phòng những sự cố đáng tiếc xảy ra." - ông Linh khuyến cáo.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quyen-loi-nguoi-tieu-dung-phai-duoc-bao-ve.html