'Quyền lực đen' của doanh nghiệp?

Thay vì đàm phán, thay vì tìm cách cho 'vẹn cả đôi đường' thì côn đồ, lưu manh lại được huy động để đe dọa người dân vì dám chặn xe chở cát của doanh nghiệp.

Câu chuyện về một nhóm phụ nữ bị khép vào tội gây rối trật tự công cộng và bị tuyên án tù lên đến 30 tháng do chặn xe cát ở Tây Ninh vừa kết thúc thì những hạt cát lại tiếp tục gieo rắc oan nghiệt ở nhiều địa phương khác.

Trước việc hàng trăm xe tải chở đất, cát của các doanh nghiệp phục vụ các công trình, mỏ cát… liên tục chạy qua lại gây tình cảnh bụi bặm mịt mù, phá hoại đường sá và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, hàng chục hộ dân ở xóm Chợ Mới, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã bày tỏ bức xúc và dùng nhiều cây cối, dù và hàng chục người đứng thành hàng rào không cho xe tải chở cát, đất lưu thông. Chỉ có các xe buýt, xe ô tô, xe máy… không liên quan, người dân mới mở hàng rào cho qua.

Quốc lộ 24B đoạn qua xã Tịnh Hà là tuyến đường huyết mạch nối thành phố Quảng Ngãi với huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi. Nhiều người dân đã dùng cây gỗ để dựng rào chắn các phương tiện giao thông trọng tải lớn đi qua đoạn đường trên vì xe tải chở cát gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Vậy nhưng, thay vì đàm phán, thay vì tìm cách cho “vẹn cả đôi đường” thì côn đồ, lưu manh lại được huy động để đe dọa người dân.

Hẳn Chính quyền Quảng Ngãi đã quên chuyện người dân thôn An Phú – Xã Tịnh An – TP Quảng Ngãi và một số nơi trên địa bàn tỉnh đã nhiều lần tập trung để phản ánh việc khai thác cát của một số doanh nghiệp khai thác cát do lo ngại đất sản xuất người dân sạt lở và ảnh hưởng đến môi trường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục đưa ra thông điệp mạnh mẽ thời gian qua: “Không được thu hút đầu tư bằng mọi giá, phải chú trọng tiêu chí môi trường. Kiên quyết không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường”.

Bên cạnh đó là những lời cảnh báo của cách chuyên gia môi trường khiến cho những người có trách nhiệm không thể không lưu tâm: “Cứ đà này Việt Nam sẽ sớm vượt Trung Quốc, nhưng đó lại là mức vượt về… ô nhiễm môi trường chứ không phải về kinh tế”.

Nghiêm trọng hơn, câu chuyện xã hội đen đe dọa đánh người dân vì họ chặn xe cát ở Quảng Ngãi, làm cho người viết càng trăn trở hơn về phát ngôn “Chính quyền là của tao, xã hội đen cũng là của tao” của một vị chủ doanh nghiệp tại Sóc Trăng. Từ đây, chúng ta càng thấy rõ được sự “quyền lực đen” của một số doanh nghiệp đang ngày một hiện hữu.

Họ thao túng được những nhóm lưu manh, côn đồ, xã hội đen. Họ chi phối được chính quyền, tác động hướng lái được đến những người làm công tác lãnh đạo. Nghĩa là ở đây, không ít doanh nghiệp đang “chơi” nhiều mặt, cả trong sáng lẫn trong tối. Và hiển nhiên, nếu vụ việc nào không giải quyết được bằng những thứ “trong sáng” thì đã có những kẻ “trong tối” sẵn sàng ra mặt.

Ở đây, dù với lý do gì đi chăng nữa thì trong chuyện này, chính quyền cũng có sai lầm của mình, không thể “ham” một cam kết đầu tư lớn, mà quên đi vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng không thể không tính tới một cách toàn diện các khía cạnh kinh tế của một dự án đầu tư.

Phải chăng, chính quyền ở đây một phần cũng là “của doanh nghiệp” như lời vị chủ doanh nghiệp ở Soc Trăng đã tuyên bố nên họ mới lặng im đến khó hiểu, bất chấp cuộc sống của người dân ngày càng bị ảnh hưởng tiêu cực? Sự yếu kém trong quản lý chính quyền khiến cho người dân hoài nghi đã có “lợi ích nhóm”?. Và sự hoài nghi này là có cơ sở bởi không có lý gì hàng trăm xe tải xe ben vô tư “cày nát” cả một cung đường, gây “nhốn nháo” cả một vùng quê mà không bị xử lý, nhắc nhở.

Thừa nhận, bất cứ địa phương nào cũng quý doanh nghiệp, yêu doanh nghiệp, vì doanh nghiệp là chủ thể đóng góp rất lớn vào nguồn kinh phí của địa phương, thúc đẩy sự phát triển chung của, địa phương của cộng đồng. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chúng ta phải giữ chân doanh nghiệp bằng mọi giá.

Doanh nghiệp có thể tạo nguồn thu cho địa phương trong một vài năm nhưng không thể địa cùng địa phương mãi mãi. Chỉ có người dân, những người trực tiếp sinh sống, ăn ở tại địa phương mới là chủ thể chân chính xây dựng quê hương.

Thành thử, với sự xuất hiện của đám người “lạ mặt” được xem là xã hội đen để dọa nạt, cảnh báo người dân phản ánh chuyện ô nhiễm của việc khai khác, vận chuyển cát sỏi, càng khiến cho dư luận thêm bất bình về cái gọi là “quyền lực đen” của doanh nghiệp.

Đừng để sự việc đáng tiếc gì xảy ra với người dân. Đừng biến những hạt cát vốn dĩ là tài nguyên, mang nguồn lợi cho địa phương thành những hạt cát oan nghiệt với chính cuộc sống của con dân mình.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/quyen-luc-den-cua-doanh-nghiep-129273.html