'Quyền lực mềm' không biên giới

Không phải vô cớ mà nhiều nước thời gian qua đã đầu tư đáng kể nguồn lực để tích lũy và gia tăng 'quyền lực mềm'. Họ muốn tăng cường ảnh hưởng toàn cầu thông qua truyền thông, văn hóa, giới cố vấn, học giả và nhiều lĩnh vực khác. Cái họ thu được, nếu có, là thứ quyền lực không biên giới, khác hẳn với 'quyền lực cứng' vốn ưa chuộng sức mạnh quân sự và còn nhiều hạn chế.

Nhìn lại, có thể thấy Nga đã sử dụng sức mạnh quân sự khá thường xuyên trong thập kỷ qua, chẳng hạn như tại Gruzia, Ukraine và Syria. Tuy nhiên, các máy bay chiến đấu và xe tăng của Nga không phải là thứ khiến cho ảnh hưởng toàn cầu của Nga tăng lên.

Tương tự, Trung Quốc cũng phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và dọc đường biên giới tranh chấp của họ với Ấn Độ. Song cũng như Nga, các hình thức gây ảnh hưởng khác được Trung Quốc sử dụng nhiều hơn hẳn trong thập kỷ qua, như chiến lược truyền thông, con bài văn hóa...

Rõ ràng, trong thế giới hiện đại, để thu phục được con tim và khối óc của đối tác, chiến thuật “quyền lực mềm” thường phát huy hiệu quả. Và các nhà lý luận thừa nhận Nga và Trung Quốc đang gây được nhiều ảnh hưởng ra bên ngoài các đường biên giới hơn bất cứ thời điểm nào trước đây, và họ có xu hướng thúc đẩy “quyền lực mềm” hơn là “quyền lực cứng”.

Việc mở rộng quyền lực và ảnh hưởng thông qua các nguồn đầu tư đang là một trong những con át chủ bài của Trung Quốc. Ở góc độ nào đó, Nga đang bị “bó tay” với những lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, với những chiến trường còn ngổn ngang bao năm ròng, và cả mối quan hệ ngoại giao với phương Tây đang trong cơn khủng hoảng. Chỉ Trung Quốc là vẫn đang trên đà thừa thắng.

Tại châu Á, trong ASEAN, sang châu Phi tới châu Âu, nơi nào cũng có bóng dáng của đầu tư Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, ẩm thực Trung Quốc, trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc. “Quyền lực mềm” của Trung Quốc đang lan tỏa.

Vành đai và Con đường - dự án chính sách đối ngoại trị giá nghìn tỷ USD mang dấu ấn riêng của Trung Quốc đôi khi bị đả kích là một khái niệm mờ nhạt và gần như không đem lại kết quả gì trên thực tiễn. Tuy nhiên, tại các hải cảng đông đúc từ Singapore tới Biển Bắc, các công ty nhà nước Trung Quốc đang biến ý tưởng này thành hiện thực với một loạt thương vụ mua lại, làm thay đổi bản đồ thương mại và ảnh hưởng chính trị toàn cầu.

Bộ đôi “ông lớn” Cosco Shipping Ports và China Merchants Port Holdings vẫn tiếp tục mua lại các cảng hàng hóa ở Ấn Độ Dương, biển Địa Trung Hải và vành đai Đại Tây Dương. Mới đây, doanh nghiệp vận tải biển Cosco đã hoàn tất việc tiếp quản hải cảng ở Zeebrugge, cảng lớn thứ hai của Bỉ, đánh dấu “đầu cầu” đầu tiên của doanh nghiệp Trung Quốc này tại vùng Tây Bắc châu Âu.

Thỏa thuận được ký kết sau một loạt thương vụ mua lại khác ở Tây Ban Nha, Italia và Hy Lạp chỉ trong vài năm qua. Các công ty nhà nước Trung Quốc từng một thời chỉ hoạt động tại thị trường trong nước, giờ đây kiểm soát khoảng 1/10 công suất tất cả các cảng châu Âu.

Các thương vụ này là một trong các biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy kế hoạch tham vọng của Bắc Kinh đó là kết nối Trung Quốc với châu Âu bằng đường biển, đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu. Theo giới phân tích, về cơ bản, đa số các thỏa thuận này có động cơ địa chính trị đằng sau. Và mục tiêu căn bản ở đây dường như là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhân tố nước ngoài, đồng thời gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới.

Gần 3 thập kỷ trước, Mỹ nổi lên từ Chiến tranh Lạnh với tư cách một bá chủ toàn cầu và thuật ngữ quyền lực mềm được sinh ra. “Quyền lực mềm” là thuật ngữ do nhà chính trị học người Mỹ Joseph S.Nye đưa ra và được hiểu là “năng lực gây ảnh hưởng đến bên ngoài bằng sức hút và sự tín nhiệm”.

Ảnh hưởng gia tăng đó đang khiến nhiều nước tại châu Âu nghi ngại. Với việc đầu tư của Trung Quốc tăng vọt, các nhà lãnh đạo châu Âu ngày một lo ngại rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đang lợi dụng sức mạnh kinh tế để phục vụ mục đích chính trị.

Lấy ví dụ, kể từ khi Cosco bỏ 1 tỷ USD để mua lại và hiện đại hóa cảng Piraeus của Hy Lạp, Bắc Kinh có thể dựa vào sự hỗ trợ của Hy Lạp để dập tắt những chỉ trích của Liên minh châu Âu (EU) về hành vi của Trung Quốc trong các vấn đề như nhân quyền và Biển Đông. Giờ đây, trong bối cảnh các công ty nhà nước Trung Quốc đang tiến về Địa Trung Hải - tương tự các nỗ lực đầu tư của họ ở Trung và Đông Âu - các lo ngại như vậy càng lên cao.

Song, tốc độ mở rộng của Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế châu Âu không chỉ bao gồm các hải cảng mà còn trong các lĩnh vực như năng lượng và công nghệ cao, đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu ngày một “đau đầu”. Trong khi đó, các thỏa thuận mua lại các hải cảng và các dự án cơ sở hạ tầng khác trong dự án Vành đai và Con đường ở Trung và Đông Âu đang đe dọa chia rẽ các thành viên của EU về mặt chính trị, trong bối cảnh tổ chức này đang lung lay.

Giới phân tích khẳng định, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Địa Trung Hải và Trung Âu sẽ tác động đến lập trường của họ về Trung Quốc và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc tại các quốc gia này sẽ gia tăng. Theo đó, Trung Quốc có thể chi phối nhiều vấn đề, kể cả sự đoàn kết của các tổ chức này.

Thực tế liệu có đi theo chiều hướng như vậy không? Chưa biết, nhưng “quyền lực mềm” của Trung Quốc đang mở rộng, đó là điều chắc chắn.

Hồng Ngọc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/quyen-luc-mem-khong-bien-gioi/