Quyền lực trung gian– giấc mơ có thật của Tocqueville

Ngày 29/10, cuộc thảo luận “Dân chủ và những quyền lực trung gian” diễn ra tại British university Vietnam, 193 Bà Triệu đã thu hút đông đảo sự chú ý của những người trẻ quan tâm đến chính trị thế giới. Rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra xoay quanh việc soạn thảo luật về hội và quyền tự do báo chí.

Từ giấc mơ về nền dân trị Mỹ

Trong suốt một khoảng thời gian dài vì tồn đọng những định kiến từ quá khứ mà nhiều người cho rằng “giấc mơ Mỹ” chỉ là “danh hão” mà các nhà tài phiệt Hoa Kỳ nghĩ ra nhằm tôn vinh bản thân và phủ nhận các nền văn minh khác. Tuy nhiên cho tới bây giờ, thực tế đã chứng minh “giấc mơ Mỹ” không phải là điều trên mây, nó đã trở thành niềm ao ước của toàn thể dân chúng trên thế giới.

Trong cuốn sách “Nền dân trị Mỹ” của Alixis De Tocqueville, tác giả nhấn mạnh nền dân trị là hình thức duy nhất khả hữu của thời hiện đại. Ông cho rằng, dân trị là một hình thức xã hội phổ biến, được biểu hiện ở quyền làm chủ hoàn toàn của quần chúng nhân dân và mọi người sống trong thể chế tự do đều có quyền bình đẳng và cơ hội công bằng với những người khác. Dựa vào lịch sử di dân và lịch sử văn hóa của người Hoa Kỳ, tác giả cho rằng, người Mỹ đã đạt được tới sự hưng thịnh của xã hội dân trị, cũng như đi sâu và phân tích những mặt tốt xấu của nền chính trị này.

Theo Tocqueville, một xã hội đảm bảo được tính công bằng là một xã hội cho phép con người có quyền được tham gia làm chủ trên tất cả các lĩnh vực Kinh tế - chính trị - xã hội, ông cũng cho rằng, một quốc gia mà người dân mong muốn nhà nước cung cấp sự ổn định cho mình thì đó chính là một quốc gia thất bại.

Đến quyền lực của báo chí

Bàn về nền “dân trị” trong báo chí ở Hoa Kỳ, tác giả cho rằng, tại Mỹ, báo chí chính là công cụ để đưa các vụ việc của công chức ra ánh sáng, từ đó, đặt công chức dưới sức ép của dư luận, buộc họ phải minh bạch trong quá trình làm việc. Bằng việc kết nối đảng phái, kết nối xã hội, báo chí có sức mạnh tạo nên kênh thông tin khổng lồ giúp cơ quan lập pháp truyền bá tư tưởng. Để nhấn mạnh quyền lực của báo chí, ông còn cho rằng: Nếu tất cả báo chí đều nói theo một hướng, niềm tin của mọi người sẽ ngả theo hướng đó, chính vì thế báo chí trở thành một phương tiện dẫn dắt xã hội hiệu quả mà không cần phải dùng đến bất kì biện pháp cưỡng chế nào.

Theo tác giả, để báo chí tự do cũng chính là biện pháp làm giảm quyền lực của báo chí. Lý giải cho vấn đề này, ông cho rằng, sự tự do trong báo chí sẽ đem đến cả áp lực cạnh tranh. Vì báo chí chiếm số lượng lớn trong nền kinh tế - xã hội mà các nhà tư bản sẽ không đầu tư vào lĩnh vực này vì lợi nhuận thấp, đó chính là lý do tạo nên một nền báo chí Hoa Kỳ tự do và không bị thao túng bởi bất cứ một tổ chức hay cá nhân độc tài nào.

Trong khuôn khổ của cuộc thảo luận “Dân chủ và những quyền lực trung gian”, bên lề cuốn sách “Nền dân trị Mỹ”, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, điều phối chương trình đặt câu hỏi cho diễn giả Lê Quang Bình: “Làm thế nào để báo chí Việt Nam nhận thức được giới hạn của quyền tự do báo chí? Tự do thế nào là tốt, thế nào là xấu đặt trong bối cảnh nền báo chí Việt Nam đang phải đối mặt với sự xuống cấp bởi rất nhiều yếu tố tiêu cực đến từ việc tự “lá cải hóa?” Ông Bình cho rằng, mỗi cá nhân đều có sự tự chủ trong việc tiếp nhận thông tin . Bằng cách này hay cách khác, báo chí bắt buộc phải có sự tự chủ vì khi tự chủ, độc giả mới có thể nắm được toàn bộ thông tin và đưa ra quyết định lựa chọn. Khẳng định yếu tố 2 mặt trong vấn đề tự do báo chí, ông vẫn cho rằng, nếu được lựa chọn một nền báo chí tự do với một nền báo chí bị kiểm duyệt, nhiều người sẽ vẫn chọn một nền báo chí tự do hơn.

Rất nhiều người trẻ quan tâm đến chính trị đã tham gia phản biện và đóng góp ý kiến. Trong đó có ý kiến cho rằng, người Việt Nam trong suốt thời gian dài không được tiếp xúc với những thông tin đa chiều, đầy đủ chính vì thế người Việt luôn trong trạng thái thờ ơ với chính trị - xã hội và chỉ hưng phấn với những thông tin “xôi thịt” và “lá cải”. Ví như chính tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đã có lần nói: “chúng ta không biết những điều cần biết (ví dụ tài sản của các quan chức cấp cao), nhưng lại biết những điều chúng ta không cần biết (ví dụ phát ngôn cách đây 4 năm của tân hoa hậu)”.

Nền tảng của xã hội dân trị ở đâu?

Tác giả cuốn sách “Nền dân trị Mỹ” cho rằng, tính hội đoàn của Hoa Kỳ cực mạnh, khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra, công dân Mỹ sẽ tự tổ chức, lập hội để xử lý việc đó mà không phụ thuộc quá nhiều vào chính phủ. Việc tổ chức lập hội đoàn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quyền làm chủ của mỗi người dân Mỹ. Theo đó, việc thành lập nhóm liên quan đến thiểu số có thể bảo vệ quyền bình đẳng của những người thiểu số đó với đám đông, nhóm đại diện cho chính trị và dân sự là điều kiện nâng cao quyền tự do cá nhân và giảm đi quyền lực của nhà nước. Tương tự, nhóm liên quan đến ý tưởng sẽ giúp tập hợp những người chung ý tưởng, cùng tham gia thảo luận, phản biện, góp ý, để tạo nên một xã hội phát triển và đề cao quyền con người.

Quyền tự do hiệp hội và tự do hội họp luôn luôn song hành với nhau, tạo nên thứ quyền lực trung gian gắn kết cá nhân với cộng đồng.

Ở Việt Nam, quyền hiệp hội đã được đưa vào dự thảo luật, tuy nhiên, quyền hội họp vẫn “bặt vô âm tín”. Việc nhà nước không khuyến khích người dân lập hội sẽ tạo nên sự thụ động tâm lý lệ thuộc rất lớn. Chính vì thế, khi một chính sách tệ ra đời, họ sẽ có xu hướng đổ lỗi hơn là góp phần sửa đổi.

Tuy nhiên, việc hội họp có phải lúc nào cũng là biện pháp khả quan nhất. Rất nhiều sự kiện gần đây đã cho thấy mặt đối lập của hình thức dân chủ này, tiêu biểu như Brexit ở Anh hay nền hòa bình ở Colombia rơi vào bế tắc bởi những lá phiếu của số đông. Vậy đâu là biện pháp khắc phục những tổn hại mà đám đông trong nền dân chủ có thể mang lại? Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và diễn giả Lê Quang Bình đều cho rằng, muốn tương lai của đất nước không bị hủy hoại bởi chính xã hội dân trị, mỗi quốc gia cần phải có các biện pháp nhằm cân bằng những rủi ro đến từ chính các quyết định của đa số. Điển hình trong số đó là việc thành lập 2 đảng đối lập, nhằm tạo thế cân bằng giữa đảng này với đảng khác,sau khi trưng cầu ý dân phải được Quốc hội thông qua hay nguyên tắc quá bán sẽ phải thay đổi cần một tỉ lệ cao hơn đối với các quyết định quan trọng.

Ông Lê Quang Bình cũng cho rằng, trong các cuộc trưng cầu dân ý, người dân bị “dắt mũi” bởi các chính trị gia vì thế mỗi thông tin được đưa ra cần phải được kiểm chứng chặt chẽ để lý trí lên tiếng. Hình thức dân chủ thảo luận cũng được đưa ra để giải quyết tình trạng này. Dân chủ thảo luận tạo môi trường bình đẳng, không bị áp chế và mỗi người dân đều được cung cấp đầy đủ thông tin.

Kết thúc buổi hội thảo, diễn giả Lê Quang Bình cho rằng, để đạt đến được một xã hội dân trị, các quốc gia phải trải qua rất nhiều khó khăn. Trong đó, việc minh bạch báo chí và tự do hội họp chính là nền tảng để thực hành dân chủ và xây dựng xã hội dân trị trong tương lai.

Phạm Trang

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/quyen-luc-trung-gian%e2%80%93-giac-mo-co-cua-tocqueville