Quyền trưng dụng trong Luật CAND được hiểu là...huy động?

Huy động điện thoại thì chỉ để gọi chứ sao lại vô xem những thông tin riêng tư làm gì?

Trưng dụng và huy động khác nhau về trình tự, thẩm quyền

Xoay quanh câu chuyện về Thông tư 01/2016 do Bộ Công an ban hành, trao đổi với PLTPHCM, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: "Quyền trưng dụng của CSGT theo Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, có hiệu lực từ ngày 15/2 căn cứ vào Luật Công an nhân dân (CAND) năm 2014.

Luật TMTDTS 2008 bãi bỏ quyền trưng dụng của công an theo Luật CAND năm 2005 và thay bằng quyền huy động. Năm 2014, Luật CAND mới quy định công an có hai quyền trưng dụng và huy động tài sản. Điều này cho thấy Luật CAND 2014 có sự phát triển và không mâu thuẫn với Luật TMTDTS.

“Quyền trưng dụng” trong Luật CAND năm 2005 được hiểu là quyền huy động xe để truy đuổi tội phạm hoặc đưa người gặp nạn đi cấp cứu. Đó không phải là việc trưng dụng tài sản theo Luật TMTDTS.

Trưng dụng ở đây được hiểu là Nhà nước mượn tài sản của người dân trong thời gian nhất định, thông qua quyết định hành chính và quy trình chặt chẽ. Có thể hiểu nôm na là trưng dụng ngày xưa và trưng dụng bây giờ là khác nhau".

Lo ngại CSGT lạm quyền trưng dụng tài sản

Theo ông Quân, nhiều người vẫn hiểu trưng dụng theo nghĩa trước đây nên cho rằng mâu thuẫn với Luật TMTDTS. Nếu là trưng dụng tài sản thì CSGT chỉ được thực thi khi có quyết định bằng văn bản của bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh, xảy ra trong các trường hợp vì an ninh quốc gia.

Như vậy, Thông tư 01 chỉ nhắc lại quyền này, còn các quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, nguyên tắc thực hiện trưng dụng đã được quy định tại Luật TMTDTS.

Phân biệt rõ giữa trưng dụng và huy động, ông Quân nói: "Trưng dụng và huy động có thể có hình thức giống nhau nhưng khác nhau về trình tự, thẩm quyền.

Huy động mang nhiều tính tự nguyện, không thể bắt buộc. Người có tài sản huy động có thể từ chối, tuy nhiên cũng có thể bị chế tài.

Trưng dụng thì chặt chẽ hơn, theo quyết định của bộ trưởng Bộ Công an hoặc chủ tịch UBND cấp tỉnh. Lúc này người có tài sản trưng dụng phải chấp hành, nếu không sẽ bị cưỡng chế và bị phạt hành chính hoặc hình sự.

Cả hai có điểm chung là nếu sử dụng tài sản gây thiệt hại thì Nhà nước sẽ bồi thường".

Người trưng dụng hoặc huy động phải có trách nhiệm bảo đảm quyền riêng tư

Trước trường hợp cụ thể, nếu một người đang đi trên đường bị CSGT huy động điện thoại di động, theo ông Quân, người dân có quyền yêu cầu CSGT đưa ra giấy tờ, viết giấy xác nhận.

Và chỉ có một số trường hợp cụ thể CSGT được quyền huy động, như khi đuổi bắt người phạm tội, người gây tai nạn nhưng bỏ chạy, chở người bị nạn đi cấp cứu, sử dụng phương tiện giải tỏa vật cản gây ùn tắc giao thông, giải phóng hiện trường tai nạn…CSGT có thể huy động xe hoặc điện thoại của người đi đường.

Mặt khác, trước băn khoăn của người dân về việc điện thoại còn chứa rất nhiều thông tin cá nhân và việc huy động làm mất mát, hư hỏng, ông Quân khẳng định: "Khi thực thi các quyền này, người trưng dụng hoặc huy động phải có trách nhiệm bảo vệ tài sản, bảo đảm quyền riêng tư, bí mật cá nhân… của người có tài sản.

Khi trưng dụng hay huy động nếu xảy ra hư hại thì đều phải bồi thường, về vật chất lẫn tinh thần. Trước tiên, hai bên sẽ thỏa thuận, nếu không đồng ý thì người dân có quyền kiện ra tòa.

Nếu hình ảnh hoặc thông tin bị mất thì tìm các biện pháp kỹ thuật để khôi phục nhưng không được thì phải thỏa thuận bồi thường, người dân không đồng ý thì khởi kiện".

Một vấn đề khác, trong trường hợp người dân dùng điện thoại để quay, chụp CSGT tiêu cực và CSGT lấy quyền huy động để thu giữ và xóa hình ảnh, theo ông Quân, trường hợp sử dụng tài sản huy động vào mục đích cá nhân hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì có thể bị phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

Trong khi đó, trao đổi với Infonet, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn luật sư TpHCM) khẳng định: "Trong hệ thống pháp luật hiện tại, tôi nghĩ quyền của CSGT khá đầy đủ, tăng thêm quyền này là không cần thiết hoặc chỉnh sửa thuật ngữ “trưng dụng” thành một tên gọi khác.

Theo đó, loại trừ áp dụng với đối tượng tài sản là các phương tiện thông tin liên lạc, như điện thoại…và chỉ được áp dụng trong các trường hợp thật cần thiết, nói rõ ra là các trường hợp nào".

Sơn Ca(Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/quyen-trung-dung-trong-luat-cand-duoc-hieu-lahuy-dong-3299558/