Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ngày càng được bảo đảm

Theo Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) giai đoạn 2002 đến tháng 9-2017, các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ngày càng được bảo đảm.

Theo Báo cáo thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) giai đoạn 2002 đến tháng 9-2017, các quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của người dân ngày càng được bảo đảm.

Theo đó, Hiến pháp quy định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nguyên tắc Hiến định này được cụ thể hóa tại nhiều luật do Quốc hội ban hành như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tiếp cận thông tin…

Theo Luật Báo chí, báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in truyền dẫn và phát sóng. Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm báo chí trước khi xuất bản. Nhà báo có nghĩa vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình.

Đối với các vụ án đang trong quá trình điều tra truy tố mà chưa được xét xử, các vụ việc tiêu cực hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Thực hiện quyền tự do báo chí, công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí.

Công dân có quyền tự do ngôn luận trên báo chí thông qua phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng pháp luật của nhà nước; góp ý kiến phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí.

Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát kiến nghị, phê bình; tin, bài và ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân. Trong trường hợp không đăng, phát, phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu trả lời; hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản, hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Báo cáo khẳng định, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân ngày càng được bảo đảm (ảnh: zing.vn)

Luật Báo chí nghiêm cấm mọi hành vi đe dọa uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Báo cáo cũng nêu, Bộ luật hình sự năm 2015 đã bổ sung một tội danh mới là Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân (Điều 167), để xử lý những người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin.

Luật Báo chí cũng quy định cụ thể, rõ ràng việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác của cơ quan báo chí Việt Nam với nước ngoài. Nội dung ưu tiên bao gồm các lĩnh vực giải trí, khoa học, giáo dục và thiếu nhi.

Hiện nay người dân Việt Nam được tiếp cận với 75 kênh truyền hình nước ngoài nhưng CNN, BBC… hoặc các hãng thông tấn và báo chí lớn của thế giới như Reuteur, BBC, VOA… thông qua mạng internet. Hiện có 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo và tạp chí nước ngoài in bằng nhiều thứ tiếng được phát hành rộng rãi tại Việt Nam.

Báo cáo khẳng định các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện về chủ trương, chính sách của Quốc hội; các cuộc tọa đàm, tranh luận, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội và người dân là thực tiễn diễn ra hàng ngày trong đời sống của người dân Việt Nam.

Báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của xã hội, là quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của nhà nước, đặc biệt về quyền con người. Nhiều cơ quan báo chí đã chủ động, tích cực trong việc phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, vi phạm quyền con người, quyền công dân và các biểu hiện tiêu cực khác.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/quyen-tu-do-bao-chi-tu-do-ngon-luan-cua-nguoi-dan-ngay-cang-duoc-bao-dam-119740.html