Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo

Ở nước ta, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người, quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp quy định và luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ban hành nhiều chính sách để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.

Hiến pháp năm 2013 ra đời đã có những quy định rất quan trọng về quyền con người nói chung và quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng. Điều 24 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản, được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm.

Hiến pháp cũng bổ sung nguyên tắc về việc hạn chế quyền con người trong các trường hợp nhất định phải do luật định, theo đó, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người, nên việc quy định hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo phải được quy định cụ thể và bằng luật.

Phật giáo với Hương sen xứ Nghệ. Ảnh: Internet

Phật giáo với Hương sen xứ Nghệ. Ảnh: Internet

Đồng thời, tại Hiến pháp cũng đã phân định thẩm quyền của Quốc hội, thẩm quyền của Chính phủ trong quyết định các chính sách tôn giáo, quản lý nhà nước về tôn giáo. Đây là các vấn đề đặt ra cần phải ban hành luật để cụ thể hóa đầy đủ nội dung, quy định và tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Điều 24 của Hiến pháp quy định:

“ 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Luật tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XI ngày 18/11/2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, thể chế Hiến pháp về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chùa cổ Am Diễn Minh (Diễn Châu). Ảnh: Tư liệu

Tại Điều 6 của Luật quy định như sau:

“Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người"

1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này”.

Nhà thờ Bắc Hồng được xây dựng khang trang từ sự đoàn kết, tương trợ lương giáo. Ảnh: Mai Giang

Điều 6 không chỉ quy định việc tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với đối tượng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn mở rộng các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho tổ chức, cá nhân.

- Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước Các quy định này đã mở rộng chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để Nhà nước có đủ cơ sở xác lập các cơ chế bảo đảm và tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mọi đối tượng được hưởng quyền và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Đồng thời tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ để Nhà nước xác lập các giới hạn của quyền và các nghĩa vụ cụ thể cho mọi đối tượng hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử của Nhà nước trong ghi nhận và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Là cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phản ánh được nguyện vọng của đại đa số nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nâng cao trách nhiệm và thể hiện rõ việc tổ chức thực thi cam kết của Nhà nước trong việc tôn trọng và thực hiện có hiệu quả các quyền được Công ước quốc tế ghi nhận bằng hoạt động lập pháp cũng như bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân trên thực tế.

- Mở rộng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của tổ chức, cá nhân:

+ Mở rộng phạm vi chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, trên cơ sở đó các tổ chức, cá nhân có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình. Vì quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được coi là một quyền tự thân, không do một tổ chức, một cá nhân hay một Nhà nước nào ban tặng và không ai được phép tước bỏ, ép buộc, xâm phạm và Nhà nước phải tôn trọng, bảo hộ quyền tự do ấy.

+ Thông qua việc giới hạn rõ ràng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của từng chủ thể, các chủ thể sẽ biết rõ phạm vi, mức độ thực hiện quyền của mình, các giới hạn của quyền để thực hiện đúng pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.

Toàn cảnh chùa Đại Tuệ. Ảnh: Tư liệu

+ Là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức, cá nhân đề nghị Nhà nước ghi nhận, bảo hộ quyền của mình và là cơ sở để khiếu nại, khởi kiện khi có các hành vi xâm hại tới quyền của tổ chức, cá nhân một cách bất hợp pháp.

+ Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo còn là quyền được tự do bày tỏ niềm tin, đức tin của mình; quyền hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp; quyền tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo.

+ Khẳng định các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với sự ra đời, tồn tại và phát triển của các tôn giáo, tránh được sự mặc cảm của các tổ chức tôn giáo do ra đời sau hoặc có số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ, cơ sở thờ tự ít. Quy định này một lần nữa nói lên chính sách tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước ta đối với các tổ chức tôn giáo là như nhau, cho dù tổ chức tôn giáo đó ra đời, được công nhận sớm hay muộn. Bên cạnh sự bảo đảm của Nhà nước đối với quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật, Nhà nước cũng luôn khuyến khích, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Nhà thờ Giáo xứ Đồng Lam xã Hùng Sơn. Ảnh: Thái Hiền

+ Quy định rõ hơn quyền của các đối tượng là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân theo quy định của pháp luật có liên quan. Đây là quy định rất tích cực cho các đối tượng này vì họ đang là đối tượng bị hạn chế một số quyền theo quy định của pháp luật, nhưng riêng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, họ được Nhà nước ghi nhận và được đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của cá nhân họ.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận sau khi họ chấp hành xong án phạt tù hoặc quản chế theo quy định của pháp luật thì được chủ trì lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo và quản lý tổ chức tôn giáo và để thực hiện được quyền chủ trì lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, giảng đạo phải được tổ chức tôn giáo đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đây là những quy định hoàn toàn mới, đảm bảo được quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, phù hợp với quy định về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người quy định tại Hiến pháp năm 2013 cũng như Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị.

Nhà thờ Giáo xứ Cồn Cả - Giáo Hạt Phủ Quỳ.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đối với người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo hoặc học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi. Luật tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những cải cách pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về một trong những quyền con người quan trọng, cơ bản hàng đầu, trong đó có việc cụ thể hóa các giới hạn của quyền tín ngưỡng, tôn giáo và nâng cao trách nhiệm bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Đây cũng là một trong những Luật có tác động sâu sắc tới sự ổn định và phát triển xã hội của đất nước, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, có nhiều biến động phức tạp cũng như sức ép về các vấn đề nhân quyền, dân chủ từ các tổ chức quốc tế, các quốc gia lớn trong hoạt động tôn giáo ở Việt Nam./.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Vân

( Vụ Pháp chế -Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/quyen-tu-do-tin-nguong-ton-giao-theo-quy-dinh-cua-luat-tin-nguong-ton-giao-218050.html