Quyền với thông tin

Có lẽ, mãi đến khi theo dõi báo chí tường thuật phiên tòa xét xử đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua mạng đang diễn ra, nhiều người mới biết bị cáo có một quyền là quyền được 'yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật'. Diễn tiến của việc này, theo báo Tuổi trẻ, như sau: Tại phiên xét xử sáng 12-11, chủ tọa phiên tòa đã hỏi các bị cáo về việc có đồng ý công bố bản án lên mạng hay không và bị cáo Phan Văn Vĩnh đã từ chối. Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa - cho biết chỉ cần một người trong vụ án không đồng ý thì bản án sẽ không được công bố lên mạng.

Lực lượng chức năng dẫn giải bị cáo Phan Văn Vĩnh vào tòa xét xử hôm 14-11. Ảnh: TTXVN

Giải thích sau đó về “quyền” này, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng triết lý của vấn đề nằm ở chỗ bản án có thể chứa đựng thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Tuy nhiên, các ý kiến lại không thống nhất về việc dù có như vậy thì chủ tọa phiên tòa cần quyết định như thế nào - công bố hay không công bố bản án lên mạng. Một số ý kiến cho rằng bị cáo có thể yêu cầu nhưng chủ tọa phải xem yêu cầu đó có hợp lý không, khái niệm “quyền” ở đây là quyền... yêu cầu chứ không phải là quyền đương nhiên.

Thật ra thì những việc này đều đã được quy định trong Nghị quyết 03 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử của tòa án và Công văn số 144/TANDTC-PC cũng trong năm 2017 về việc thực hiện Nghị quyết 03. Nghị quyết 03 có quy định không công bố bản án trong trường hợp bản án “có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa...”. Theo Công văn 144, “các bản án, quyết định của tòa án đã được mã hóa... thì các thông tin liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình đã được bảo đảm và việc công bố bản án, quyết định đó trên cổng thông tin điện tử không vi phạm quy định về bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình”. Việc mã hóa như thế nào thì đã được Nghị quyết 03 và Công văn 144 hướng dẫn tương đối cụ thể, nôm na là thay đổi tên, địa chỉ, một số thông tin của bị cáo theo kiểu viết tắt. Như vậy, có thể hiểu quyền của bị cáo trong trường hợp này chỉ giới hạn trong phạm vi... được mã hóa thông tin trong bản án trước khi nó được công bố.

Nhưng dù sao thì đó cũng là... quyền, và may mắn là bị cáo có thể biết được quyền này của mình thông qua thủ tục tố tụng chặt chẽ. Theo Công văn 144 nói trên, khi phổ biến quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, chủ tọa phiên tòa phải thông báo cho họ biết bản án, quyết định giải quyết vụ việc mà họ là người tham gia tố tụng thuộc diện được công bố trên cổng thông tin điện tử của tòa án và quyền của họ được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc sử dụng quyền được yêu cầu giữ bí mật một số thông tin có mâu thuẫn với quyền “tiếp cận thông tin” của người dân không. Quốc hội đã rất nỗ lực ban hành nguyên một “Luật Tiếp cận thông tin”. Theo đó, có 14 loại thông tin công dân được công khai tiếp cận từ ngày 1-7-2018. Các cơ quan có trách nhiệm đã công khai các thông tin đó tới đâu? Ai trong chúng ta biết tường tận mình được quyền tiếp cận loại thông tin nào? Biết mà không được đáp ứng thì phải làm sao? Một trong những loại thông tin phải công khai là “thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn”. Trên thực tế, các “điểm nóng” xã hội hiện nay tập trung trong lĩnh vực đất đai, nếu việc công khai thông tin liên quan được thực hiện tốt, tình hình có thể hạ nhiệt và ngược lại. Bài học rút ra không chỉ ở việc phải đảm bảo thực thi quyền của người dân mà còn ở hiệu quả quản lý nhà nước thông qua sự đảm bảo này.

Thiên Tường

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281634/quyen-voi-thong-tin.html