Quyền xuống biển

Bà Vân ngồi trên đống gạch đá của khu nhà bị đập bỏ ngóng về hướng biển. Chỉ chốc lát nữa thôi, ghe đánh cá của chồng bà sẽ cập bờ. Bà sẽ mang hải sản đánh bắt được ra chợ bán hoặc mang đến cho đại lý thu mua hải sản. Như nhiều hộ dân khác ở Nam Ô, gia đình bà theo nghề đánh bắt truyền thống có từ xa xưa. Và giờ vợ chồng bà có thể sẽ là lớp ngư dân cuối cùng sống dựa vào tấm lưới, chiếc ghe ở làng chài này.

Một phần làng giáp biển của Nam Ô đã bị giải tỏa. Ảnh: BẢO UYÊN

Con đường xuống biển của ngư dân Nam Ô đã không còn phẳng phiu, thênh thang như trước. Một hàng rào dài với thép và tôn được dựng lên, chia cắt ngôi làng với biển cả. Phía sau những tấm tôn là đống đổ nát, gạch vữa của một phần làng bị thành phố giải tỏa, lấy đất giao cho doanh nghiệp làm khu du lịch sinh thái. Làng chài cổ nằm giáp biển hàng trăm năm nay, mai kia sẽ úp mặt vào những khu nghỉ dưỡng, biệt thự.

Trong đống gạch đá hỗn độn đang nằm chờ chủ đầu tư dọn dẹp có mái nhà của bà Vân. Bà kể, ngày rời làng đến khu tái định cư, bà đã không hình dung được con đường xuống biển xa xăm đến vậy. Tầm ba giờ sáng, chồng bà phải vác ngư cụ cuốc bộ gần bốn ki lô mét, ven theo con đường Nguyễn Tất Thành mới đến được bến đậu thuyền của làng. Tới lúc doanh nghiệp dựng rào chặn lối xuống biển của dân thì con đường đưa cá tôm đến chợ của bà cũng vất vả không kém. Bà phải thuê xe ôm chở hàng từ bến đến phần đất chưa bị chặn, từ đó đi tiếp ra đường cái lớn.

“Ghe vừa cập bến, ế hay đắt hàng chưa biết, chỉ thấy là mất ngay 20.000 đồng xe thồ. Hôm nào nhiều cá phải đi mấy chuyến”, bà Vân tính.

Chừng đâu gần nửa năm, gia đình bà dắt díu nhau về lại làng cũ, ở với cha mẹ già.

Nỗi khổ của người dân ở hàng chục làng chài ven biển đã nhường đất cho địa phương phát triển kinh tế du lịch, liệu có khi nào được tính đến trên những bản quy hoạch khu nghỉ dưỡng tiện nghi, sang trọng?

“Ở lâu thì cũng quen với sinh hoạt chung cư thôi nhưng nghĩ coi, ai đời làm nghề biển mà biển một nơi, người một nẻo”, bà Vân phân trần. Nhà phải ở trong làng để xem con gió lên xuống mà biết đường ra khơi; chồng bà còn phải coi sóc ghe thuyền mùa biển động; rồi bà cũng cần có không gian mà trữ muối, làm nước mắm.

Nhưng không phải ai cũng may mắn còn nhà để về như gia đình bà Vân. Trong số những hộ giáp biển bị giải tỏa có nhiều người phải vào tận sâu hướng núi tìm chỗ tái định cư. Đó là những hộ không có sổ đỏ, nhận được số tiền đền bù ít ỏi, “không thấm vào đâu” giữa cơn sốt đất ở thành phố Đà Nẵng. Nơi ở mới của họ xa biển, xa làng. Hàng xóm của bà Vân, những ngư dân dọc ngang biển khơi một thời phải bán thuyền, bán lưới, chật vật tìm sinh kế mới ở cái tuổi gần nửa đời người.

Những người ở lại không biết bao giờ đến lượt nhà mình bị xếp vào diện quy hoạch du lịch. Lối ra biển đã được người dân tự tay xé rào mở ra, sau nhiều cuộc xung đột với doanh nghiệp. Nhưng họ biết, khi đống xà bần được dẹp đi, móng của những biệt thự mọc lên, lối đi sẽ bị chặn lại lần nữa. Biển cả trước nhà sẽ không còn là không gian chung của làng. Mối liên kết tinh thần giữa người dân với quê quán rồi sẽ bị đứt gãy. Những yếu tố văn hóa, quyền tiếp cận, thụ hưởng bãi biển của người dân đã không được tính đến trong quy hoạch phát triển kinh tế du lịch của chính quyền thành phố.

Dân làng tan tác. Lễ hội cầu ngư năm nay diễn ra trong không khí đìu hiu, vắng vẻ. Bữa ăn chung trên sân lăng Cá Ông sau phần khấn vái của bậc cao niên cũng chóng vánh kết thúc. Phần hội hát tuồng, trò chơi dân gian đã bị cắt đi. Đó là mùa lễ buồn nhất của Nam Ô trong suốt hàng trăm năm qua, như lời một vị cao niên nhận xét.

Lăng Cá Ông giờ đây nằm chơ vơ giữa đống đổ nát, cách đó không xa là rú cấm đang treo lơ lửng trong quy hoạch. Di tích lịch sử được xây từ thời vua Gia Long yên định cơ đồ đã may mắn được giữ lại. Nhưng những ý nghĩa văn hóa, thiêng liêng của nó có lẽ chỉ tồn tại khi có sự gắn kết với ngư dân nơi đây. Đó là khi lăng nằm giữa không gian làng, là khi ngư dân được gắn cuộc đời với biển cả, có niềm tin bậc tiền hiền, thần Nam Hải trong lăng sẽ phù hộ mình thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy ghe.

“Trải qua bao cuộc chiến, làng còn giữ được lăng. Chẳng lẽ sống giữa thời bình, chúng ta lại không níu giữ được chút ký ức cho con cháu mình”, Ông Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề nước mắm Nam Ô, cũng là một bậc cao niên trong làng chốt lại, sau khi kể cho tôi nghe những thăng trầm lịch sử của vùng đất này.

Nhưng mong ước ấy, có lẽ khó thành hiện thực, giống như thương hiệu nước mắm Nam Ô đang dần đuối sức. Phía sau một cuộc giải tỏa đất đai, đâu chỉ là sự dịch chuyển địa lý của dân cư. Dự án du lịch đã đẩy gần 100 hộ dân, tức hơn một nửa hội viên làng nghề nước mắm Nam Ô, bỏ nghề. Những hộ dân - những cơ sở sản xuất nước mắm Nam Ô dần chuyển đi nơi khác. Nơi ở mới, nhà cửa khang trang hơn nhưng nước mắm Nam Ô không còn cơ hội nhỏ giọt, bởi những ràng buộc về không gian và những thiết chế về môi trường.

Bà Vân đã không thể khiêng giỏ cá cơm còn tươi rói từ biển thẳng vào sân nhà để muối mắm. Bà không thể trữ những lu nước mắm trên tầng 6 ở khu chung cư nhà mình. Nước mắm Nam Ô dậy mùi thơm phức với người làng nhưng cũng có thể là vấn nạn môi trường ở cộng đồng dân cư mới.

Nhìn những mất mát đang trải ra, những ngư dân Nam Ô ở buổi lễ cầu ngư kết luận “đền bù bao nhiêu cũng không đủ”. Một ngư dân ở tuổi trung niên lớn tiếng khi nghe tôi đề cập đến cơ hội việc làm mà nhà đầu tư sẽ mang lại cho họ. Ông bảo, làng này chưa có tiến sĩ nhưng không thiếu cử nhân. Biển đã giúp ông nuôi hai đứa con vào đại học, giúp ông xây nhà, gây dựng cơ nghiệp, không giàu bằng ai nhưng tự do tự tại.

“Già, nhà quê như bọn tui thì vô khu nghỉ dưỡng làm được nghề gì? Lương công ty trả có bằng biển cho bọn tui cả đời không?”, ông hỏi ngược lại.

Nhưng người dân Nam Ô đâu chỉ gắn bó với biển cả bởi lợi ích kinh tế. Ông tiếp lời: “Giờ thì xuống tắm biển thoải mái, lúc nào cũng được, mai mốt có khu nghỉ dưỡng rồi, chỉ có người giàu mới vô được. Cảnh đẹp quê mình, ngay cạnh nhà mình mà mình phải trả tiền mới được hưởng, thấy kỳ ghê không”.

Nỗi niềm của dân Nam Ô cũng là những gì tôi được nghe khi đến xã ven biển Bình Châu - Quảng Ngãi mùa hè này. Một khu du lịch sinh thái sắp được triển khai trong sự ngơ ngác, hoang mang của dân làng. Họ lo sợ kế hoạch phát triển kinh tế kia trở thành tấm tôn chắn ngang miếng cơm, sinh hoạt của mình.

Bảo Uyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278104/quyen-xuong-bien-.html