Quyết định khám xét, tịch thu kim cương của tiệm vàng có đúng luật?

'Việc ra quyết định khám xét và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là chưa đúng pháp luật', luật sư Nguyễn Văn Quynh nhận định.

Liên quan đến vụ Công an TP Cần Thơ bắt quả tang, xử phạt anh Nguyễn Cà Rê (ngụ quận Ninh Kiều) về hành vi đổi 100 USD tại tiệm vàng Thảo Lực, sau đó tiệm kim hoàn cũng bị xử phạt 295 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu 100 USD, 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Ngày 12/10, ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, ký quyết định sung công quỹ số tài sản tịch thu của tiệm vàng Thảo Lực vào Kho bạc Nhà nước Cần Thơ.

Tại buổi họp báo chiều 24/10, nhiều phóng viên hỏi về việc có hay không tiệm vàng bị gài bẫy và công an khám xét tiệm kim hoàn, tịch thu tài sản trên có đúng quy định, trình tự pháp luật?

Thượng tá Trần Văn Dương,Trưởng phòng tham mưu, kiêm Người phát ngôn của Công an TP Cần Thơ khẳng định cơ quan chức năng đã thẩm định toàn bộ hồ sơ theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền đúng các quy định.

 Anh Cà Rê trao đổi vụ việc với báo chí. Ảnh: Nhật Tân.

Anh Cà Rê trao đổi vụ việc với báo chí. Ảnh: Nhật Tân.

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Quynh (Hãng luật Hưng Yên) cho rằng quyết định khám xét, xử phạt vi phạm hành chính trong vụ việc này có dấu hiệu trái luật.

Quyết định khám xét có trước 6 ngày?

Căn cứ theo diễn biến vụ việc, ngày 24/1 Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều ra quyết định số 14 về “khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính" đối với ông Lê Hồng Lực, với lý do “để tiến hành kiểm tra, phát hiện, thu giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính"

"Quyết định được ban hành trước ngày bắt quả tang hành vi vi phạm hành chính 6 ngày, kể từ ngày vi phạm 30/1 là không có căn cứ pháp luật", luật sư Quynh nêu.

Theo khoản 1, Điều 129, luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính: Chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: Minh Anh.

Tuy nhiên, theo luật sư Quynh, tại thời điểm nêu trên chưa có căn cứ hay biên bản vi phạm hành chính được lập đối với hành vi của ông Lê Hồng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry - tiệm vàng Thảo Lực) có hành vi vi phạm hành chính.

"Như vậy, đối với quyết định số 14 ngày 24/1, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều được ban hành trước 6 ngày đối với hành vi vi phạm quả tang của ông Lê Hồng Lực là không có căn cứ theo quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính", luật sư nhận định.

Lập biên bản xử phạt sau gần 8 tháng

Theo diễn biến sự việc, ngày 30/1, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Cần thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực đang mua 100 USD của anh Cà Rê với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Đến ngày 13/8 ông Lực bị lập biên bản hành chính số 56/BB-VPHC (sau gần 8 tháng) và tiếp đó ông Lực bị xử phạt hành chính như đã nêu trên.

Thượng tá Trần Văn Dương, Trưởng phòng tham mưu, kiêm Người phát ngôn Công an TP Cần Thơ, chủ trì buổi họp báo vào chiều 24/10. Ảnh: Minh Anh.

Luật sư Quynh phân tích theo quy định tại các Điều 3, 58, 61, 63, 66, luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính là: Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, lập biên bản vi phạm, ngăn chặn kịp thời; Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật. Căn cứ để ra quyết định xử phạt là hành vi vi phạm phải được lập biên bản vi phạm hành chính kịp thời bởi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ.

Căn cứ theo khoản 1, Điều 66 luật Xử lý vi phạm hành chính: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt hành chính trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc phức tạp cần phải xác minh, giải trình theo khoản 2, 3, Điều 61 thì thời hạn tối đa là 45 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm. Kể cả thời gian cần gia hạn theo khoản 1, Điều 66 luật Xử lý vi phạm hành chính, tổng thời gian không được quá 60 ngày, kể cả thời gian nhận được hồ sơ do cơ quan tố tụng hình sự chuyển đến.

"Ngày 30/1 xảy ra việc thu đổi ngoại tệ trái pháp luật, nhưng đến ngày 13/8 mới lập biên bản vi phạm là chậm trễ, không kịp thời. Thời hạn để ban hành quyết định xử phạt hành chính trong trường hợp này không thể tính từ ngày lập biên bản, mà phải được tính từ ngày xảy ra vi phạm (30/1). Do đó, việc ban hành quyết định xử phạt đã quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là không có căn cứ", luật sư Quynh phân tích.

Tiệm vàng Thảo Lực. Ảnh: M.Anh.

Từ những căn cứ và phân tích nêu trên, vị luật sư cho rằng hành vi ra quyết định số 14 ngày 24/1/2018 của Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ là chưa đúng pháp luật, vi phạm các quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong luật Xử lý vi phạm hành chính.

"Khoản 2, Điều 66, luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về trách nhiệm của người có thẩm quyền ra quyết định có lỗi để quá thời hạn mà không ra quyết định thì bị xử lý theo quy định pháp luật. Đối với trường hợp lập biên bản vi phạm, ra quyết định xử phạt quá hạn không tuân thủ về trình tự thủ tục, vi phạm về thời hạn thì quyết định hành chính trên phải được thu hồi, để đảm bảo đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", luật sư Quynh nêu quan điểm.

Ngày 23/10, Zing.vn đưa tin về việc anh Cà Rê mang tờ 100 USD đến tiệm vàng Thảo Lực tại phường Cái Khế đổi được 2,3 triệu đồng. Khi đổi tiền, anh Rê bị lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản, tạm giữ số tiền trên và sau đó bị phạt 90 triệu đồng.

Tiệm vàng Thảo Lực cũng bị xử phạt hành chính 180 triệu đồng về hành vi Mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ theo Nghị định của Chính phủ; 70 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 15 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định và 30 triệu đồng về hành vi sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Tổng mức phạt đối với cơ sở này là 295 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu 100 USD (2,3 triệu đồng) (2,3 triệu đồng), 20 viên kim cương (hột xoàn) và 19.910 viên hột đá nhân tạo có giá trị gần 550 triệu đồng.

Công an nói về việc phạt anh thợ điện Cà Rê 90 triệu khi đổi 100 USD Thượng tá Trần Văn Dương, Người phát ngôn Công an TP Cần Thơ, khẳng định đã thực hiện đúng các quy định và cho rằng không có chuyện gài bẫy tiệm vàng trong vụ đổi 100 USD.

Hoài Thanh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/quyet-dinh-kham-xet-tich-thu-kim-cuong-cua-tiem-vang-co-dung-luat-post887176.html