Quyết định lịch sử của COP27

Quyết định thành lập Quỹ 'Tổn thất và thiệt hại' nhằm giúp đỡ các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu là một trong những quyết định quan trọng nhất kể từ khi các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) bắt đầu cách đây gần 30 năm.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu đã làm nhiều người mất sinh kế. Ảnh: Reuters.

Đây là một sự xác nhận rõ ràng rằng, các quốc gia nghèo đang bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, sóng nhiệt và bão. Ở một mức độ nào đó, các quốc gia phát triển - góp phần nhiều vào biến đổi khí hậu - cần có trách nhiệm giúp đỡ. Trong khi các nhà lãnh đạo, các chuyên gia môi trường và các nhà hoạt động môi trường hoan nghênh kế hoạch thành lập quỹ trên, thì vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra, từ cách thức hoạt động của nó đến những hậu quả lâu dài.

Thành tựu lịch sử

Sau hơn hai tuần làm việc căng thẳng, có lúc tưởng như rơi vào bế tắc, các nhà đàm phán tham dự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) đã nhất trí thông qua thỏa thuận khí hậu của COP27 tại phiên bế mạc.

Dù nhiều ý kiến cho rằng, thỏa thuận Sharm El-Sheikh chưa đủ tham vọng về cắt giảm khí thải, song việc các bên thống nhất thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp tổn thất và thiệt hại mà các quốc gia dễ bị tổn thương phải gánh chịu do tác động của sự nóng lên toàn cầu, được đánh giá là "thành tựu lịch sử".

Ý tưởng thành lập Quỹ đã được hình thành từ đầu những năm 1990, do Liên minh các quốc đảo nhỏ kêu gọi. Và kể từ đó, ý tưởng này luôn là một phần của các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hàng năm của LHQ. Tuy nhiên, nó thường chỉ được đề cập bên lề các cuộc đàm phán, trong khi các quốc gia đang phát triển và các nhà hoạt động môi trường thúc đẩy ý tưởng này, thì nhiều quốc gia giàu có tìm cách né tránh. Lần đầu tiên, tại COP27, vấn đề này đã được đưa vào chương trình nghị sự và trở thành trung tâm của các cuộc thảo luận.

Thực tế, hậu quả của biến đổi khí hậu không chờ đợi, theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho thấy, có tới 3,6 tỷ người sống ở các khu vực rất dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, với số người ốm và tử vong do nắng nóng khắc nghiệt, dịch bệnh xuất hiện ở các khu vực mới, sự gia tăng của bệnh tả và gia tăng tiếp xúc với khói từ các đám cháy rừng.

Mực nước biển dâng cao không thể tránh khỏi sẽ phá hủy môi trường sống ven biển, làm mặn nước ngầm, gây lũ lụt và thiệt hại cơ sở hạ tầng, đe dọa an ninh lương thực. Số người sống ở các vùng đất trũng ven biển dự kiến sẽ tăng từ 896 triệu như hiện nay lên một tỷ vào năm 2050.

Sức khỏe tâm thần cũng ngày càng bị ảnh hưởng. Dự báo trong những thập kỷ tới, tình trạng sức khỏe kém và tử vong sớm sẽ gia tăng đáng kể, bệnh sốt xuất huyết sẽ lan rộng và gia tăng lo lắng, căng thẳng, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên.

Nguồn kinh phí

Tại COP27, các nước đang phát triển đồng loạt kêu gọi các nước giàu, vốn đã phát thải phần lớn lượng khí thải nhà kính trong nhiều thập niên qua, phải có trách nhiệm bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra cho nhóm nước đang phát triển và kém phát triển.

Nhóm nước này cũng hối thúc các nước phát triển không chỉ thực hiện đầy đủ cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm, được đưa ra tại COP15, để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn tăng mức hỗ trợ. Tuy không thể định lượng chính xác nguồn tài chính cần cho nỗ lực giảm thiểu và thích ứng của các quốc gia đang phát triển, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu cần thiết có thể lên tới hơn 4.000 tỷ USD mỗi năm.

COP 27 xác định, Quỹ ban đầu sẽ dựa vào nguồn đóng góp từ các nước phát triển, từ các nguồn công và tư khác nhau chẳng hạn như các tổ chức tài chính quốc tế lớn. Văn bản cuối cùng liên quan đến "xác định và mở rộng nguồn tài trợ" gợi ý rằng, các quốc gia đang phát triển nhưng gây ô nhiễm cao cũng nên đóng góp vào quỹ .

Thỏa thuận Sharm El-Sheikh cho thấy, Quỹ "Tổn thất và thiệt hại" sẽ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển dễ bị tổn thương bởi tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các quốc gia thu nhập trung bình nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa khí hậu cũng có khả năng nhận được hỗ trợ.

“Việc Quỹ ‘Tổn thất và thiệt hại” phù hợp như thế nào với các tổ chức, cơ quan thực hiện công tác nhân đạo, giúp người dân tái thiết, đối phó với khủng hoảng di cư và tị nạn, đối phó với an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, sẽ cần được tính toán cụ thể” – ông David Waskow, Giám đốc Khí hậu quốc tế của Viện Tài nguyên Thế giới cho biết. Những chi tiết này cũng sẽ được một ủy ban chuyển tiếp của LHQ - cơ quan xây dựng kế hoạch hoạt động của quỹ - xử lý trong năm tới.

Hiện tại, dù quyết định thành lập Quỹ được xem là một bước tiến lớn nhưng quá trình triển khai sẽ phụ thuộc vào tốc độ thành lập quỹ. Trong phiên bế mạc ngày 20/11, bà Lia Nicholson từ Antigua cho biết, "Quỹ Tổn thất và thiệt hại’ phải trở thành chiếc phao cứu sinh vào thời điểm chúng ta cần".

Thực tế thì lòng tin đang bị thử thách bởi những lời hứa đã bị phá vỡ trong quá khứ. Vào năm 2009, những quốc gia giàu có đã đồng ý cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp đỡ các nước đang phát triển chuyển đổi sang hệ thống năng lượng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay, sáng kiến đó chưa bao giờ được tài trợ đầy đủ.

Dự báo đến năm 2030, sự nóng lên toàn cầu sẽ gây thiệt hại kinh tế lên đến 2.400 tỷ đô la Mỹ, cao gấp 10 lần so với mức thiệt hại năm 1995. Bên cạnh đó, các đợt nắng nóng có thể làm giảm hơn 2% số giờ lao động trên toàn cầu, tương đương với 80 triệu công việc toàn thời gian.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quyet-dinh-lich-su-cua-cop27-5702762.html