Quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế không đúng luật?

Báo ĐS&PL nhận được đơn kêu cứu của vợ chồng ông Phạm Văn Trung – bà Trần Thanh Tâm về việc UBND huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) ra quyết định cưỡng chế nhà đất của gia đình không đúng các quy định của pháp luật.

Máy xúc được huy động đến cưỡng chế, kéo sập công trình.

Máy xúc được huy động đến cưỡng chế, kéo sập công trình.

“Cắt” quyền giải trình của tổ chức vi phạm

Theo đơn phản ánh của vợ chồng ông Trung, tháng 5/2018 vợ chồng ông tiến hành san nền trên mảnh đất thuộc tờ bản đồ số 64 tại thôn Nà Hỏ, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Ngày 19/8/2018, các ban ngành của huyện Cao Lộc và xã Thụy Hùng xuống kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng đất đai và vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Cả hai biên bản trên đều ghi tên chủ đất tại thời điểm đó là bà Hoàng Thị Bằng. Bà Bằng có mặt nhưng không ký biên bản.

Ngày 24/8/2018, UBND huyện Cao Lộc ra Quyết định 2800/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty TNHH MTV Tâm Trung với mức phạt 40 triệu đồng. Tiếp theo, chính quyền huyện này tiếp tục có Quyết định số 3934 cưỡng chế, buộc công ty Tâm Trung phải tháo dỡ công trình xây dựng nhà mái che, nhà vệ sinh và nhà tắm phụ trợ của công ty tại thôn Nà Hỏ, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Ông Trung cho rằng trước khi có quyết định xử phạt và cưỡng chế tháo dỡ, UBND huyện Cao Lộc đã không điều tra xác minh sự việc, cũng không cho vợ chồng ông và công ty Tâm Trung được giải trình về sự việc. Theo ông, công trình xây dựng nói trên không phải là tài sản của công ty Tâm Trung mà là nhà ở của vợ chồng ông.

Theo ông Trung, hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 30.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức, với cương vị là Giám đốc công ty Tâm Trung, ông Phạm Văn Trung có quyền giải trình trực tiếp hoặc bằng văn bản với người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (khoản 1, Điều 61, luật Xử lý vi phạm hành chính 2012). Chủ tịch UBND huyện có trách nhiệm xem xét ý kiến giải trình trước khi ra quyết định xử phạt.

Tuy nhiên, UBND huyện Cao Lộc đã không cho phép công ty Tâm Trung thực hiện quyền giải trình vì ngay trong ngày 24/8/2018 (ngày lập biên bản vi phạm hành chính), UBND huyện này đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2800/QĐ-XPVPHC đối với công ty Tâm Trung. Việc chính quyền huyện Cao Lộc tước đoạt quyền giải trình, cung cấp thông tin của Công ty đã xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và cá nhân ông Trung.

1 hành vi lập tới 3 biên bản?

Biên bản vi phạm hành chính số 405/BB-VPHC về lĩnh vực trật tự xây dựng đối với tổ chức vi phạm là công ty TNHH MTV Tâm Trung được lập vào hồi 15h và kết thúc vào hồi 16h ngày 24/8/2018. Cùng ngày, UBND xã Thụy Hùng có Tờ trình số 406/TTr-UBND gửi UBND huyện Cao Lộc xem xét ra quyết định xử phạt do mức phạt vượt quá thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã.

Ngay lập tức, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc ra Quyết định 2800/QĐ- XPVPHC. Như vậy, ngay sau khi kết thúc lập biên bản vi phạm hành chính 405, chính quyền xã đã hoàn thành việc xem xét, soạn, nộp và gửi tờ trình lên UBND huyện Cao Lộc và UBND huyện này cũng đã “thần tốc” ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty Tâm Trung!

Được biết, cùng một hành vi vi phạm hành chính nhưng UBND xã Thụy Hùng lại có tới 3 biên bản vi phạm hành chính và đối tượng vi phạm cũng khác nhau. Đó là biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự xây dựng số 386/BB-VPHC vào hồi 15h30 ngày 19/8/2018 về hành vi xây dựng công trình trên thửa đất 368, 369 tờ bản đồ số 64 mang tên ông Hà Văn Slit (đã chết); Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự xây dựng số 386/BB-VPHC vào hồi 15h30 ngày 19/8/2018 đối với ông Phạm Văn Trung về hành vi xây dựng công trình trên thửa đất 368, 369 tờ bản đồ số 64 mang tên ông Hà Văn Slit (đã chết); Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực trật tự xây dựng số 405/BB-VPHC vào hồi 16h ngày 24/8/2018 đối với công ty Tâm Trung về hành vi xây dựng công trình trên thửa đất 368, 369 tờ bản đồ số 64 mang tên ông Hà Văn Slit (đã chết).

Trao đổi với PV, vợ chồng ông Trung cho rằng Điều 6.3, Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Xử lý vi phạm hành chính nêu rõ một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị lập biên bản và ra quyết định xử phạt một lần. Vì sao trong vụ việc này, UBND xã Thụy Hùng lại lập tới 3 biên bản?

Tháng 11/2018, ông Trung làm thủ tục giải thể doanh nghiệp đối với công ty TNHH MTV Tâm Trung, thủ tục chấm dứt hoạt động và hoàn thành nghĩa vụ thuế đã được hoàn tất tại chi cục Thuế Cao Lộc. Chi cục Thuế cũng đã gửi thông báo cho ông Trung ngày 14/11/2018.

Tuy nhiên, ngày 28/12/2018, lực lượng cưỡng chế của huyện đến, đuổi toàn bộ số thợ đang tháo dỡ ra và kéo sập toàn bộ công trình (?). Ba chiếc máy xúc đã phá nát nền nhà, đè nát vật liệu xây dựng. Nghiêm trọng hơn, lực lượng cưỡng chế còn tịch thu giường tủ, bàn ghế chở về trụ sở xã!

N.P.V

Bài viết được đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 60

Bạn đang đọc bài viết Quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế không đúng luật? tại chuyên mục Pháp luật của báo Đời sống Pháp luật. Mọi thông tin góp ý phản hồi xin gửi về hòm thư dsplonline.toasoan@gmail.com hoặc Hotline: 090.436.3758

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/phap-luat/quyet-dinh-xu-phat-hanh-chinh-cuong-che-khong-dung-luat-a271819.html