Quyết liệt dập dịch tả lợn châu Phi và ngừa lây lan

Ngay sau khi phát hiện hai ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ở xã Quỳnh Mỹ (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) và ba xã phát sinh ổ dịch mới tại Hải Phòng là Lâm Động (huyện Thủy Nguyên), Đông Hưng và Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng), chính quyền các địa phương đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp dập dịch và ngừa lây lan.

Tất cả phương tiện qua chốt đều được phun khử trùng và đi qua thảm rơm trộn vôi bột. (Ảnh: THÀNH CHÂU)

Tất cả phương tiện qua chốt đều được phun khử trùng và đi qua thảm rơm trộn vôi bột. (Ảnh: THÀNH CHÂU)

Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ Lê Xuân Thanh: Ngay sau khi phát hiện ra hai ổ dịch tả lợn châu Phi ở xóm 7 và xóm 8 - đây là ổ dịch đầu tiên của tỉnh Nghệ An, địa phương đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên và ngành chuyên môn nhằm quyết không để dịch bùng phát lây lan. Bên cạnh việc tổ chức tiêu hủy toàn bộ ba con lợn nái và 31 con lợn con bị dương tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã chỉ đạo Ban thú y xã tiến hành phun tiêu độc khử trùng toàn bộ các hộ chăn nuôi lợn trong toàn xã. Yêu cầu các hộ dân tiếp giáp điểm dịch tiến hành rắc vôi bột, rải vỏ trấu lên nền chuồng chăn nuôi để đốt; chung quanh chuồng nuôi rộng chừng 30 m2 cũng được rắc vôi... Đồng thời, tiến hành kiểm soát chặt các hộ bán thịt lợn trên địa bàn, không cho chở thịt lợn ở nơi khác về bán tại địa phương; ngăn cấm các hộ bán thịt lợn rong vào địa bàn. Đi cùng với đó là công tác tuyên truyền tới từng thôn, xóm và tận hộ chăn nuôi.

Sau khi UBND huyện Quỳnh Lưu công bố dịch tả lợn tại địa bàn, Quỳnh Mỹ đã lập hai chốt kiểm dịch ở tuyến đường độc đạo vào khu vực vùng dịch; chỉ đạo hàng chục công an viên có mặt tại các chốt kiểm dịch để phun tiêu độc khử trùng, kiểm soát xe qua lại 24/24 giờ trong ngày nhất là tuyến Quốc lộ 48B đi qua địa bàn xã. Tại đây, các phương tiện đi qua đều phải phun hóa chất khử trùng và cho đi qua một thảm bằng rơm rạ có rắc vôi bột dài chừng 5m. Người đi bộ cũng phải đi qua thảm rơm rạ đó.

Nằm giáp vùng dịch và cũng có tuyến Quốc lộ 48B đi qua, khi biết tin xã Quỳnh Mỹ lân cận đã có dịch, các hộ chăn nuôi ở xã Ngọc Sơn đang tập trung cao độ cho công tác phòng ngừa. Gia đình ông Bùi Văn Hùng là hộ có tổng đàn lợn nhiều nhất xã với hơn 100 con. Ngày 14-3, sau khi huyện Quỳnh Lưu công bố dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại xã Quỳnh Mỹ, gia đình ông Hùng đã chủ động mua hai lít hóa chất cùng số lượng lớn vôi bột về phun tiêu độc khử trùng và rác vôi bột chung quanh chuồng trại, trước mắt, không cho người lạ vào nơi chăn nuôi và người trong nhà hạn chế đi vào vùng dịch. Cũng như gia đình ông Hùng, các hộ chăn nuôi ở đây đều ý thức sống còn đối với việc phòng ngừa lây lan, nhằm bảo vệ đàn lợn của mình trước nạn dịch tả lợn châu Phi.

Xã Ngọc Sơn cũng đã chủ động lập hai chốt tại vùng tiếp giáp ổ dịch xã Quỳnh Mỹ và xã Quỳnh Lâm. Ngoài ra, xã trích kinh phí mua 700 kg vôi bột và 20 lít hóa chất để triển khai phòng dịch. Xã đã huy động 20 cán bộ công an viên tổ chức trực gác tại hai điểm chốt để kiểm soát xe cộ lưu thông qua lại và phun tiêu độc khử trùng nhằm bảo vệ đàn lợn gần 1.000 con trong xã.

Để bảo vệ đàn lợn 42 nghìn con, trước thời điểm dịch xảy ra, huyện Quỳnh Lưu đã trích ngân sách hơn 500 triệu đồng để mua hóa chất, vôi bột và bảo hộ lao động để cấp phát cho các địa phương tiến hành tiêu độc, khử trùng.

Tính đến thời điểm này, tổng lượng hóa chất được phun tiêu độc khử trùng là 600 lít cùng hàng trăm tấn vôi; riêng tại xã Quỳnh Mỹ (vùng dịch) đang cấp thêm 36 lít để tiếp tục phun tại các hộ chăn nuôi. "Sau khi công bố dịch, huyện đã phối Công an huyện kiểm tra, kiểm soát các phương tiện chở động vật lưu thông qua tuyến Quốc lộ 1A, 48B và tỉnh lộ 537B. Chúng tôi sẽ tập trung quyết liệt trong kiểm soát, kiểm dịch và quyết tâm không để dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng", Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Lưu Đặng Ngọc Bình cho biết.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, trong ngày 17-3, trên địa bàn TP Hải Phòng, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại 18 hộ của 10 xã. Trong đó, ba xã phát sinh ổ dịch mới là Lâm Động (huyện Thủy Nguyên), Đông Hưng và Đoàn Lập (huyện Tiên Lãng) với số lợn tiêu hủy 98 con.

Như vậy, tính đến cuối giờ chiều 17-3, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 545 hộ, tại 134 thôn, 46 xã, phường thuộc sáu địa phương, gồm các huyện: Thủy Nguyên, Tiên Lãng, An Dương, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy và quận Dương Kinh. Số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 7.472 con, gồm: 840 lợn nái, 12 lợn đực giống, 4.304 lợn thịt và 2.316 lợn con.

Tại huyện Tiên Lãng, nơi phát sinh ổ dịch đầu tiên của Hải Phòng (ngày 26-2), nay đã nhanh chóng lan ra 12 xã, ở 34 hộ nuôi với 258 con lợn mắc dịch phải tiêu hủy có tổng trọng lượng hơn 11,3 tấn. Riêng trong ngày 17-3, dịch phát sinh mới tại bốn hộ nuôi thuộc ba xã: Tây Hưng, Đông Hưng, Đoàn Lập…

Tại huyện Thủy Nguyên - nơi dịch tả lợn châu Phi lan rộng nhất, đến ngày 17-3, dịch đã xảy ra tại 488 hộ, 95 thôn, 22 xã với tổng số lợn bắt buộc phải tiêu hủy 6.896 con. Riêng ngày 17-3, dịch phát sinh tại 12 hộ, thuộc bảy xã, trong đó có xã mới là Lâm Động.

Các điểm chăn nuôi được rắc vôi bột và hạn chế người ra vào… (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

Tại huyện Vĩnh Bảo, trong ngày 17-3, dịch cũng phát sinh mới tại hai hộ thuộc xã Thanh Lương, đưa số địa phương có lợn mắc dịch lên bảy xã với số lợn phải tiêu hủy là 211 con.

Tại các huyện An Dương, Kiến Thụy và quận Dương Kinh, dịch bệnh xảy ra lẻ tẻ ở một vài hộ và trong ngày 17-3 không phát sinh thêm tình trạng lợn ốm, chết, phải tiêu hủy do dịch.

Liên tục trong các ngày qua, kể cả ngày nghỉ, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đình Chuyến cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn các địa phương...

Các chốt kiểm dịch liên tục kiểm soát, phun hóa chất tiêu trùng, khử độc các phương tiện ra vào vùng có dịch. (Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng đã tiếp nhận, cung ứng 31 nghìn lít hóa chất tới các địa phương phục vụ công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương tổ chức triển khai, hướng dẫn phun hóa chất khử trùng tiêu độc, sử dụng vôi bột tiêu độc tại ổ dịch, vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm... theo quy định.

Hơn 205 tấn vôi bột đã được các địa phương huy động để sử dụng tiêu độc khu vực ổ dịch, vùng dịch… theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Năm chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời liên tục hoạt động kiểm soát các phương tiện vận chuyển lợn tại các đầu mối giao thông chính vào thành phố. Các xã vùng có dịch cũng lập các điểm kiểm soát, tổ chức phun thuốc tiêu độc, khử trùng các phương tiện ra khỏi vùng dịch… Riêng trong ngày 17-3, tại năm chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời đã kiểm soát được 10 xe vận chuyển lợn, các xe có giấy chứng nhận kiểm dịch, dừng đỗ tại chốt và thực hiện khử trùng tiêu độc theo quy định…

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tiếp tục lan rộng, TP Hải Phòng đang nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng khống chế dịch bệnh lây lan.

NGÔ QUANG DŨNG; THÀNH CHÂU - ĐÌNH PHƯỢNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39535002-quyet-liet-dap-dich-ta-lon-chau-phi-va-ngua-lay-lan.html