Quyết liệt giảm nợ bảo hiểm xã hội

Nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề gây nhức nhối nhất trong thời gian gần đây đối với toàn xã hội, đặc biệt là người lao động. Đây vừa là nỗi lo âu của những công nhân, vừa là sự cướp đoạt trắng trợn quyền lợi của người lao động trong thời gian dài. Để bảo vệ quyền lợi của người lao động, BHXH Việt Nam đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nợ đọng xuống mức thấp nhất.

Bảo đảm lơi ích hợp pháp cho người lao động là trách nhiệm và nghĩa vụ mà BHXH Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành (Ảnh: TL)

Bảo đảm lơi ích hợp pháp cho người lao động là trách nhiệm và nghĩa vụ mà BHXH Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thành (Ảnh: TL)

Cướp đoạt công sức của người lao động

Quyết định gắn bó lâu dài với một doanh nghiệp nào đó để được đảm bảo phúc lợi xã hội đầy đủ nhưng nhiều công nhân tại các các công ty, xí nghiệp tư nhân đang rơi vào cảnh điêu đứng khi bị nợ BHXH mà không có cách nào giải quyết hiệu quả để giành lại quyền lợi hợp pháp của mình.

Theo thông tin từ Ban Thu – BHXH Việt Nam, không ít doanh nghiệp hiện có số nợ bảo hiểm xã hội lên đến hàng chục tỷ đồng. Điển hình là Công ty Cổ phần LILAMA 3 (Mê Linh – Hà Nội) nợ 32,2 tỷ đồng; Cty TNHH Nam Phương (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) nợ 28,9 tỷ đồng; các Công ty cổ phần Mai Linh miền Nam, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu Chính Viễn Thông Sài Gòn (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) nợ 27,9 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 1 - Hà Nội, Công ty cổ phần Cầu 12, Cty trách nhiệm hữu hạn May mặc xuất khẩu VIT Garment, Chi nhánh Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên VINAXUKI – Nhà máy sản xuất ô tô số 1, Công ty cổ phần cơ khí xây dựng 121 - CIENCO1… có số nợ bảo hiểm xã hội từ 17 – 20 tỷ đồng.

Chị Trần Thị Sen, công nhân một xí nghiệp gỗ tại Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết: “Tôi đã làm được gần 10 năm nay với cam kết ban đầu của lãnh đạo xí nghiệp là sẽ được đóng BHXH đầy đủ nhưng 2 năm trở lại đây, tôi cùng nhiều người khác lại bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH. Sau nhiều lần thông qua công đoàn và gặp trực tiếp những người có trách nhiệm liên quan, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng nào từ phía xí nghiệp”.

Phó Trưởng ban Thu BHXH Việt Nam, Mai Đức Thắng cho biết, nguyên nhân của việc nợ BHXH là: Không ít doanh nghiệp dù hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn ổn định, vẫn có lợi nhuận, lương thưởng cho người lao động đầy đủ nhưng vẫn cố tình chây ỳ, nợ bảo hiểm xã hội do ý thức chấp hành pháp luật của các chủ sử dụng lao động cũng chưa tốt.

Bên cạnh đó, tiếng nói của công đoàn trong việc bảo vệ người lao động đóng bảo hiểm xã hội ở đa số doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thực sự đấu tranh vì quyền lợi của công nhân do chủ tịch công đoàn cơ sở hưởng lương trực tiếp từ doanh nghiệp nên ý thức đấu tranh không cao.

Nỗ lực tích cực từ BHXH Việt Nam

Để hạn chế tình trạng nợ, trốn đóng BHXH của nhiều doanh nghiệp, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực. Ngay từ đầu năm, BHXH Việt Nam có văn bản yêu cầu cán bộ chuyên quản thu ở địa phương bám sát doanh nghiệp, hàng ngày phải đôn đốc, định kỳ 15 ngày doanh nghiệp vẫn không nộp thì lập biên bản và qua 2 lần lập biên bản thì báo cáo giám đốc để thành lập đoàn thanh tra, xử phạt. Đồng thời, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố giao ban hàng tháng báo cáo tình hình thu và nợ, xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp với tình hình thực tế.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ ngay từ tháng đầu năm, thông báo đến BHXH các tỉnh, làm cơ sở để phấn đấu thực hiện với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội thấp hơn năm 2018. Thêm vào đó, công tác thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trên cơ sở thông tin từ phần mềm dữ liệu quản lý trên toàn quốc cũng được BHXH Việt Nam triệt để áp dụng. Với những doanh nghiệp nợ quá 3 tháng mà chưa được thanh tra, phần mềm này sẽ tiến hành cảnh báo. Các địa phương khi thấy có cảnh báo trên phần mềm, phải lập đoàn thanh tra để thanh tra, đôn đốc. Các đợt thanh tra phải có quyết định xử lý và gửi kết quả xử lý đến cơ quan chức năng như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Lao động – Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động.... cùng cấp nhằm báo cáo, làm căn cứ xử lý hình sự sau này.

Trường hợp nếu các biện pháp trên chưa thực sự mang lại hiệu quả, BHXH Việt Nam sẽ tiến hành công khai danh sách các doanh nghiệp nợ đọng trên phương tiện đại chúng. Với những doanh nghiệp đã bị lập biên bản nhưng vẫn cố tình trốn đóng, cơ quan này sẽ lập hồ sơ chuyển cơ quan công an điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự hoặc hướng dẫn người lao động tố giác hành vi vi phạm trong việc đóng với cơ quan công an để xử lý theo trình tự quy định của pháp luật. BHXH các tỉnh, thành phố hàng tháng phải báo cáo kết quả về đôn đốc thu và thu nợ với các doanh nghiệp để cấp ủy, chính quyền địa phương biết, có văn bản chỉ đạo.

Từ những biện pháp tích cực trên, BHXH Việt Nam đã nỗ lực để ngày càng hoàn thiện mình nhằm đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người lao động và quỹ phúc lợi chung của toàn xã hội.

Huyền Ngọc

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quyet-liet-giam-no-bao-hiem-xa-hoi-n14204.html