Quyết liệt hành động, giải quyết vấn đề cấp bách thực tiễn đang đòi hỏi

Đánh giá kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu khẳng định, việc tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ Hai tiếp tục thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự đổi mới, quyết liệt và quyết tâm hành động của Quốc hội luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, cùng đất nước trong giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đặt ra.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):
Các nội dung thông qua đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, chu đáo

Nguyên tắc quan trọng nhất trong kỳ họp bất thường của Quốc hội là chỉ xem xét các vấn đề cấp bách của đất nước. Và, Kỳ họp bất thường lần thứ Hai là một trong những kỳ họp như thế. Kỳ họp được tổ chức với sự đồng thuận, thống nhất cao, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, có tác động đến sự phát triển KT - XH của đất nước. Mọi nội dung trình tại Kỳ họp đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, chu đáo và khi thông qua cơ bản đều đạt tỷ lệ tán thành cao.

Trước khi biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Quốc hội đã cân nhắc rất thận trọng, kỹ lưỡng, tiếp tục giải trình, làm rõ những vấn đề có ý kiến khác nhau nhằm bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các quy định như vấn đề liên quan đến Hội đồng Y khoa quốc gia, thời hạn, giấy phép hành nghề, y tế dự phòng, y tế cơ sở… Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là đạo luật rất quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống, sức khỏe của người dân, cho nên mọi ý kiến đóng góp của đại biểu đều chú trọng làm sao tạo thuận lợi nhất cho người bệnh khi khám chữa bệnh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của ngành y tế mà Luật năm 2009 chưa bao phủ hết.

Đối với Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đến ngày 31.12.2024, Nghị quyết đã dành riêng một mục để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15. Việc tiếp tục chuyển tiếp các chính sách phòng, chống dịch Covid-19 đang thực hiện theo Nghị quyết 30 là hết sức cần thiết, giúp bảo đảm quyền lợi của người dân, giúp các đơn vị y tế thuận lợi hơn trong hoàn thành giải quyết các chế độ, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch.

ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh):
Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường đã trở thành "bình thường”

Việc Quốc hội tiến hành kỳ họp bất thường đã trở thành chuyện bình thường. Điều này tiếp tục khẳng định tinh thần trách nhiệm, đổi mới, quyết liệt, quyết tâm hành động của Quốc hội luôn sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ, cùng đất nước trong giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra, để đưa đất nước đạt được tốc độ phát triển và các mục tiêu khác mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, quyết định 5 nội dung lớn, quan trọng, trong đó có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, cũng là vấn đề vĩ mô, vừa mới lại vừa khó. Theo Nghị quyết của Quốc hội và các luật có liên quan đến quy hoạch, đến năm 2022 chúng ta phải hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia, thế nhưng trong quá trình lập quy hoạch này, vì những lý do, yếu tố ngoại cảnh làm chậm tiến độ, nên đến thời điểm này Chính phủ mới hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030. Như vậy, nội dung này là rất cấp bách và có ý nghĩa rất quan trọng đối với giai đoạn phát triển tới của đất nước, nhằm cụ thể hóa rõ hơn các quan điểm phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, về tổ chức không gian phát triển và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Một nội dung nữa cũng rất quan trọng được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp này là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây cũng là dự án luật rất quan trọng và cấp bách đối với ngành y tế, có tác động sâu sắc tới người dân, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cũng như công tác chăm lo sức khỏe cho người dân nói chung. Sau quá trình lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thời gian qua, dự luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp này đã cơ bản đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Việc Quốc hội xem xét thông qua Luật tại kỳ họp này cũng thể hiện sự thận trọng, kỹ lưỡng đối với nội dung quan trọng này nhằm bảo đảm chất lượng của hệ thống thể chế, pháp luật; đồng thời, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; cụ thể hóa Hiến pháp; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động khám, chữa bệnh; tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế.

Kỳ họp bất thường lần thứ Hai đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn và tạo tiền đề cho bước phát triển mới của đất nước.

ĐBQH Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông):
Quyết định nhiều vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

Để đạt được kết quả này, có thể thấy, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng, có tính xây dựng cho các nội dung của kỳ họp. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan đã nỗ lực tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của các vị đại biểu.

Công tác tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và phiên họp toàn thể bảo kịp thời, chính xác, từng bước được nâng cao, nhất là việc ghi lại nội dung bằng văn bản, tiếp tục xin ý kiến các đại biểu có ý kiến phát biểu tại hội trường ngày càng hoàn thiện, chất lượng, hiệu quả. Các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Tổng Thư ký Quốc hội đều có phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoặc xin ý kiến thông qua phần mềm trên Ipad, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm nguyên tắc hoạt động của Quốc hội.

Qua trao đổi với cử tri, tôi nhận thấy, việc Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, cũng như thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là những vấn đề đang được dư luận rất quan tâm.

Đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), có thể nói đây là thời điểm chín muồi để các nội dung của Luật được thông qua, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách, tạo thuận điều kiện lợi nhất, cũng như thể hiện sự quan tâm của Quốc hội với đội ngũ y bác sĩ; đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe người dân trong giai đoạn tới.

Hoàng Ngọc - Nhật An - Phương Thủy ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quyet-liet-hanh-dong-giai-quyet-van-de-cap-bach-thuc-tien-dang-doi-hoi-i313769/