Quyết liệt hơn trong ứng phó dịch

Trong năm ngày qua, số người mắc mới Covid-19 trong nước dao động từ 4.000 đến 6.000 ca/ngày và đến sáng 22/7 số người mắc tại nước ta đã vượt mốc 70 nghìn người. Hơn lúc nào hết, công tác ứng phó dịch cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, nhất là việc siết chặt hơn nữa kỷ cương, kỷ luật phòng, chống dịch để sớm kiểm soát được tình hình.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại khu vực cách ly phường Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại khu vực cách ly phường Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Duy trì phương châm “bốn tại chỗ”

Theo thống kê của Bộ Y tế, đợt dịch thứ tư này có 59 tỉnh, thành phố ghi nhận có người mắc Covid-19. Mặc dù đã có hàng chục địa phương sau 14 ngày không ghi nhận thêm các trường hợp thứ phát, nhưng dịch vẫn đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh ở các tỉnh, thành phố phía nam. Với mức độ nguy hiểm từ biến chủng Delta của vi-rút SARS-CoV-2 khiến cho dịch lây lan nhanh, thì các bộ, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần xác định công tác bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, coi công tác phòng, chống dịch là ưu tiên số một. Tập trung thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Điện của Thường trực Ban Bí thư và Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ đã đưa ra rất nhiều biện pháp quan trọng phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn cấp bách hiện nay mà các địa phương, đơn vị phải thực hiện ngay.

Thực tế tình hình dịch tại nước ta hiện nay đặt ra yêu cầu ứng phó với dịch cần được thực hiện linh hoạt và hợp lý. Chiến lược cũ chỉ phù hợp những địa phương xuất hiện ít ca bệnh hoặc những địa phương chưa có ca bệnh. Với những tỉnh, thành phố đã ghi nhận số ca bệnh lớn, ở nhiều nơi, như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…, chiến lược cần đặt trọng tâm vào công tác điều trị. Việc tổ chức phân luồng, chia tầng điều trị là hết sức quan trọng.

Thời gian tới, các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng; nhanh chóng ổn định tình hình, trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam. Tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc-xin”; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư. Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, từng địa phương cần phân vùng dịch tễ, khoanh gọn, cô lập các vùng đỏ, vùng cam (vùng nguy cơ rất cao, cao); đồng thời mở rộng vùng xanh (vùng an toàn).

Bám sát tình hình dịch tại địa bàn, các địa phương phát huy tinh thần “bốn tại chỗ” triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, không trông chờ sự hỗ trợ từ Trung ương. Hiện có 19 tỉnh, thành phố phía nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và một số địa phương áp dụng chỉ thị này quy mô nhỏ (quận, huyện, thành phố) hay một số địa phương xây dựng, áp dụng những quy định cụ thể khác. Giãn cách, cách ly phải linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, tuyệt đối không để “ngoài chặt, trong lỏng”; có sự giám sát chặt chẽ giãn cách giữa người với người, giữa gia đình với gia đình, tổ dân phố với tổ dân phố... Ngoài ra, các địa phương cần tận dụng thời gian giãn cách để cắt đứt nguồn lây của vi-rút; đẩy mạnh xét nghiệm để phát hiện ca bệnh, đưa họ ra khỏi địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố không tự ý đặt ra “giấy phép con” làm ách tắc, cản trở hàng hóa lưu thông và người thi hành công vụ. Quan tâm thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời những người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh.

Tăng năng lực điều trị

Trước diễn biến phức tạp giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đang có những điều chỉnh, thay đổi chiến thuật ứng phó với dịch. Tại cuộc họp với các lực lượng hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Tiền Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An chiều tối 21/7 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: song song với giảm số ca mắc, việc giảm tỷ lệ tử vong được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Bộ Y tế cùng bộ phận thường trực tại TP Hồ Chí Minh đã thống nhất cách phân loại các trường hợp nghi nhiễm; nhiễm; trường hợp bệnh nhân và bệnh nhân nặng. Việc hình thành các tầng điều trị sẽ giúp cho các cơ sở y tế tuyến trên không quá tải để điều trị người bệnh nặng tốt hơn.

Theo đó, trường hợp nghi nhiễm khi xét nghiệm bằng test nhanh cho kết quả dương tính nên được quản lý tại nhà hoặc vùng đệm - cơ sở cách ly tạm thời dựa vào cộng đồng do chính quyền địa phương thiết lập dựa vào cộng đồng. Khi xét nghiệm bằng PCR cho kết quả dương tính và nồng độ vi-rút ở mức độ thấp, đối tượng F0 sẽ được quản lý và theo dõi y tế tại nhà. Đối với trường hợp có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, người bệnh sẽ được chuyển vào cơ sở quản lý, chăm sóc người nhiễm Covid-19 ban đầu. Những trường hợp có triệu chứng tiến triển sẽ được theo dõi điều trị tại các bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương. Những trường hợp tiến triển nặng, nặng hoặc nguy kịch cần được đưa ngay đến các cơ sở điều trị có khu hồi sức tích cực hoặc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của TP Hồ Chí Minh.

Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành phố chuẩn bị phương án sẵn sàng thu dung, điều trị Covid-19 khi dịch bệnh lan rộng tại địa phương; thu dung, điều trị ban đầu cho nhóm bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại các địa điểm như khu ký túc xá, trường học, sân vận động...

Bộ Y tế đang xây dựng đề án về tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 nặng. Theo đó, các bệnh viện, địa phương đều cần phát triển cấp cứu, hồi sức tích cực để đáp ứng không chỉ tình hình dịch Covid-19 mà còn cho các bệnh lý không lây nhiễm khác. Do vậy, các địa phương cần chọn lựa các bệnh viện có năng lực chuyên môn “nhỉnh” hơn để huy động, là cánh tay nối dài của Bộ Y tế có khả năng đáp ứng hỗ trợ các địa phương khác. Trong điều kiện thực tế hiện nay, cần phát triển các trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực trên cơ sở sẵn có, chỉ sửa chữa nhỏ để đưa vào hoạt động kịp thời. Sẽ có năm trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện: Bạch Mai, Bệnh nhiệt đới T.Ư; đa khoa T.Ư Huế; Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP Hồ Chí Minh, mỗi trung tâm từ 500 đến 1.000 giường bệnh và gần 30 bệnh viện được giao nhiệm vụ thành lập trung tâm hồi sức tích cực của vùng, mỗi trung tâm có từ 50 đến 100 giường bệnh.

Kiểm tra người và phương tiện ra vào tại đường Ấp Bắc, cửa ngõ TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Ảnh: MINH TRÍ

MINH HOÀNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/quyet-liet-hon-trong-ung-pho-dich-656347/