Quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thành phố Hà Nội huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để khống chế dịch, tránh lây lan, ảnh hưởng ngành chăn nuôi trên địa bàn.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, ngày 13-3, thành phố có thêm huyện Quốc Oai xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Cụ thể, tại xã Yên Sơn và xã Phượng Cách có bốn hộ chăn nuôi phát hiện lợn ốm, có các triệu chứng lâm sàng của dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã lập đoàn kiểm tra xác minh nguyên nhân, triệu chứng bệnh và lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo UBND hai xã Yên Sơn và Phượng Cách phối hợp các cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy toàn bộ 244 con lợn của bốn hộ chăn nuôi có lợn ốm. Như vậy, tính tới thời điểm này, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có sáu quận, huyện phát hiện dịch tả lợn châu Phi, gồm: Long Biên, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh và Quốc Oai; tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 410 con. Đáng chú ý, các trường hợp lợn nhiễm bệnh đều thuộc các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đối với sáu quận, huyện đã xảy ra dịch tả lợn châu Phi, các lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn khu vực, theo dõi giám sát dịch bệnh và tiếp tục lấy mẫu kiểm tra các hộ chăn nuôi chung quanh. Các quận, huyện triển khai đồng bộ kịch bản đã được xây dựng, thực hiện giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi, lập chốt kiểm dịch động vật, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, tẩy uế, vệ sinh môi trường… để tránh dịch tả lợn châu Phi lây lan. Đối với thành phố, lực lượng liên ngành gồm công an, quản lý thị trường, thú y phối hợp chặt chẽ các quận, huyện thực hiện các hoạt động kiểm dịch vận chuyển lưu thông, nhất là tại các chợ đầu mối, cơ sở giết mổ. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về hành vi nhập lậu, nhập lợn không rõ nguồn gốc. Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên lấy mẫu kiểm tra tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, các lò mổ. Thực hiện tẩy uế môi trường, vệ sinh tiêu độc toàn thành phố, đợt 1 từ ngày 18 đến 28-2, đợt 2 từ ngày 15-3 đến 15-4.

Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tả lợn châu Phi lây lan mạnh là do nhu cầu tiêu dùng, vận chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán và mùa lễ hội tăng cao. Hoạt động thương mại, du lịch, tham quan tăng cao dẫn đến người và phương tiện vận chuyển lưu thông nhiều, rất dễ mang theo mầm bệnh. Thời tiết nóng, ẩm kéo dài tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Bên cạnh đó, số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao. Mật độ chăn nuôi lớn, nằm đan xen trong khu dân cư, các hộ chăn nuôi không thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh. Nhiều người tận dụng lượng thức ăn dư thừa từ các nhà hàng, khách sạn, hộ gia đình để nuôi lợn, nhưng không nấu chín. Một số người chăn nuôi vì lợi ích kinh tế trước mắt đã không kịp thời khai báo khi có dịch bệnh...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, từ tháng 8-2018, thành phố đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố đã có công điện khẩn yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Hoạt động chăn nuôi, vận chuyển lợn được kiểm soát. Đàn lợn được quản lý, giám sát chặt chẽ, nhất là đối với những trang trại, hộ chăn nuôi lớn. Các trường hợp lợn ốm, chết đều được phát hiện kịp thời và công khai, minh bạch thông tin. Sở đã đề xuất thành phố mức hỗ trợ lợn bị bệnh dịch phải tiêu hủy bằng 80% giá thị trường đối với lợn con và lợn thương phẩm; gấp từ 1,8 đến hai lần đối với lợn nái. Mức hỗ trợ thấp nhất là 38 nghìn đồng/kg.

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người, nhưng gây thiệt hại lớn đối với các hộ chăn nuôi. Để khống chế bệnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp cấp bách; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả không để lây lan diện rộng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống dịch. Từng hộ chăn nuôi, người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết, không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa, chưa nấu chín cho lợn ăn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/39542302-quyet-liet-ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi.html