Quyết liệt ngăn ngừa 'ma men' tham gia giao thông

Nhằm hạn chế tối đa tai nạn do nguyên nhân từ rượu bia, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bắc Giang đang quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn toàn tỉnh.

Một tháng xử lý 3.185 lái xe vi phạm

Để thói quen văn hóa "đã uống rượu bia, không lái xe" được bền vững, gần đây, Phòng CSGT và công an các huyện, TP đều triển khai nhiều tổ công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, thậm chí kiểm tra chéo địa bàn các huyện.

Mỗi ngày có nhiều ca tuần tra, kiểm soát; địa điểm kiểm tra thay đổi tùy theo tình hình thực tế. Thời gian kiểm tra không chỉ buổi tối mà cả ngày và đêm, từ 12 - 5 giờ, 19 - 23 giờ hằng ngày; ngày thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết... tăng cường lực lượng xử lý khép kín.

Lực lượng CSGT lập chốt kiểm soát nồng độ cồn tại đường tỉnh 293 đoạn qua thị trấn Tân An (Yên Dũng).

Không chỉ tập trung vào các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua địa bàn khu đông dân cư, các tuyến đường có nhiều nhà hàng, quán nhậu, khu vui chơi, giải trí, quán karaoke... mà cả các tuyến đường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cơ quan chức năng cũng bố trí lực lượng kiểm tra.

Một ngày giữa tuần, tại đường tỉnh 293 đoạn qua thị trấn Tân An (Yên Dũng), nhiều người đi đường tỏ ra khá bất ngờ khi thời tiết mưa rét, trời tối mà cán bộ Phòng CSGT vẫn lập chốt, có sự hỗ trợ của cảnh sát cơ động, soi đèn pin để kiểm tra nồng độ cồn.

Lúc 19 giờ 30 phút, lực lượng CSGT dừng xe mô tô BKS 98B1-847.xx do anh Ngọc Văn T (30 tuổi) ở thôn Hạ, xã Long Sơn (Sơn Động) điều khiển. Kiểm tra, anh T có kết quả đo ở mức 0,436 mg/l khí thở (vượt ngưỡng xử phạt cao nhất theo quy định). Anh T cho biết, đang trên đường từ nhà đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để chăm vợ sinh con, buổi trưa có uống rượu tại gia đình. Với lỗi này, anh T bị lập biên bản, mức phạt tiền từ 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng và tạm giữ xe.

Còn anh Nguyễn Trọng G (40 tuổi) là công nhân xây dựng quê ở huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) bị CSGT dừng xe kiểm tra lúc hơn 22 giờ, trong hơi thở nồng độ cồn khá cao. Anh bảo trời mưa rét, đội thợ rủ nhau ăn thịt chó và có uống rượu. Không nghĩ đêm lạnh thế này mà CSGT vẫn làm nên điều khiển xe máy về nhà trọ.

Đối với những lái xe sau khi kiểm tra không có nồng độ cồn, CSGT cảm ơn và mời tiếp tục đi.

Lái xe ô tô chấp hành quy định thổi nồng độ cồn.

Thống kê trong tháng 11/2023, Phòng CSGT và công an 10 huyện, TP đã huy động gần 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức 600 ca công tác để kiểm tra nồng độ cồn. Qua đó, xử lý 3.185 trường hợp lái xe vi phạm, trong đó có 215 ô tô, 2.961 mô tô, 9 phương tiện khác; tạm giữ 3.185 phương tiện; tước 1.925 giấy phép lái xe. So với tháng trước tăng 1.623 trường hợp vi phạm. Dự kiến số tiền xử phạt là 14,5 tỷ đồng; tăng 7,4 tỷ đồng.

Phân tích cho thấy vi phạm mức 1 (chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) có 1.856 trường hợp; vi phạm mức 2 (vượt quá 0,25 đến 0,4 miligam/1 lít khí thở) có 554 trường hợp; vi phạm mức 3 (vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) là 724 trường hợp. Đáng chú ý trong số này có 51 trường hợp không chấp hành quy định kiểm tra.

Làm thường xuyên và lâu dài

Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, việc xử lý chuyên đề về nồng độ cồn là liên tục, không có ngày nghỉ và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đại tá Thân Văn Duy, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn, Công an tỉnh chỉ đạo làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình các tuyến, địa bàn có nhiều nhà hàng, quán ăn, các điểm vui chơi, giải trí, quán karaoke...

Trên cơ sở đó, xác định quy luật, thời gian, tuyến đường, địa bàn, đối tượng, hành vi vi phạm để bố trí lực lượng kiểm tra, xử lý đạt hiệu quả cao nhất với tinh thần xử lý kiên quyết không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tạo hiệu ứng lan tỏa toàn xã hội.

Cùng đó huy động tối đa lực lượng cảnh sát khác phối hợp với lực lượng CSGT thành lập các tổ tuần tra đủ mạnh về lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, tổ chức làm thường xuyên, liên tục vào các giờ cao điểm. Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương nếu để tình trạng vi phạm về nồng độ cồn diễn ra mà không quyết liệt xử lý.

Bên cạnh xử lý, lực lượng công an còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rà soát, lập danh sách, tổ chức ký cam kết với từng chủ nhà hàng trong việc tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng chấp hành quy định của Luật Giao thông đường bộ; treo, dán các quy định, chế tài xử phạt các vi phạm về nồng độ cồn tại nơi dễ quan sát để khách hàng biết, thực hiện.

Lực lượng CSGT lập biên bản hai lái xe mô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất.

Tổ chức xác minh nhân thân, lý lịch để xác định các trường hợp vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên. Trên cơ sở đó, có văn bản thông báo tới các cơ quan, đơn vị nơi công tác, làm việc đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, ngành, đơn vị, địa phương.

Nhiều người dân cho rằng đã có quá nhiều vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu bia gây ra. Do đó, việc lực lượng CSGT tăng cường xử phạt vi phạm nồng độ cồn nhằm mục đích giảm vi phạm giao thông là rất cần thiết. Đây là quy định pháp luật phải được thực hiện nghiêm để nâng cao ý thức người dân, giảm tai nạn, thương vong.

Phòng CSGT lập chốt kiểm soát nồng độ cồn tại đường tỉnh 293 đoạn qua thị trấn Tân An (Yên Dũng).

Biết rằng, bia rượu từ lâu đã trở thành thói quen để ngoại giao, giải trí thậm chí là nét văn hóa của một số vùng miền nhất là dịp cuối năm, mùa cưới; việc bán rượu bia cũng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên, người dân cần tự ý thức được việc khi đã sử dụng rượu bia mà tự điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khả năng cao sẽ gây tai nạn. Từ đó, chủ động các phương án như đi xe ôm, gọi taxi, người nhà đón... để bảo đảm an toàn không chỉ cho mình mà còn cho người tham gia giao thông khác.

Bài, ảnh: Thu Phong

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/an-toan-giao-thong/415930/quyet-liet-ngan-ngua-ma-men-tham-gia-giao-thong.html