Quyết liệt phòng, chống Covid-19 trong doanh nghiệp

'Phải quản lý bảo đảm an toàn cả trong và ngoài doanh nghiệp (DN), đồng thời chủ động các phương án ứng phó, diễn tập xử lý tình huống dịch bệnh khẩn cấp'-Đó là chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh đối với các DN, cơ sở sản xuất đang hoạt động trong các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố, nhất là sau khi có các ca nhiễm Covid-19 xảy ra tại một số công ty thời gian gần đây.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 280.000 công nhân, người lao động đang làm việc tại hơn 1.330 DN thuộc 17 KCX, KCN. Với số lượng công nhân đông, sinh sống trên địa bàn rộng, các KCX, KCN thành phố luôn tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 nếu không có biện pháp phòng ngừa quyết liệt. Chỉ mấy ngày đầu tháng 6, thành phố đã xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 ở Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts Vietnam Inc (FAPV), thuộc KCX Tân Thuận (quận 7); Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Mỹ (huyện Hóc Môn) và Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân)... Như vậy, mục tiêu an toàn để sản xuất trong các KCX, KCN thành phố đang bị đe dọa. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: Các công ty, nhà máy, xí nghiệp trong KCX, KCN thường đông người, phần lớn hoạt động trong môi trường kín, diện tích bình quân tương đối hẹp, nhất là ở các dây chuyền sản xuất. Thành phần công nhân, người lao động đa dạng, có cả chuyên gia nước ngoài, phương tiện di chuyển bằng xe đưa đón và phương tiện cá nhân. Trong nội bộ DN vẫn còn tình trạng công nhân tụm lại khi rửa tay hay di chuyển đến nhà ăn; nói chuyện với nhau tại các dây chuyền sản xuất và khu vực nhà xe... Đây là những nguyên nhân dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 rất lớn trong KCN, KCX, đòi hỏi việc triển khai các biện pháp phòng dịch phải mạnh hơn, quyết liệt hơn.

Công nhân tại TP Hồ Chí Minh được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Không chỉ nguy cơ bên trong các DN mà ngoài giờ làm việc, khi công nhân tan ca cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, nguy cơ từ các chợ tự phát gần khu vực cổng các công ty, nhà máy... cũng rất đáng lo ngại. Tại đây, vào giờ tan tầm luôn đông nghẹt người mua sắm bất chấp quy định giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, việc công nhân ở trong các xóm trọ, khu trọ chật chội, đông đúc... cũng khó tránh khỏi rủi ro khi xảy ra nghi nhiễm. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch trong KCX, KCN càng thêm phức tạp.

Sản xuất an toàn, quyết liệt phòng, chống dịch

Trước yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép” và bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh, UBND thành phố đang ráo riết triển khai các biện pháp đồng bộ, cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, không để lây lan trong các DN. Theo đó, UBND thành phố tiếp tục ban hành kế hoạch phòng, chống lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, KCX, KCN trên địa bàn; yêu cầu đơn vị quản lý lao động và người sử dụng lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch; đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn và đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong DN; tổ chức diễn tập phương án phòng, chống dịch trong KCN... Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các KCX, KCN TP Hồ Chí Minh cho biết: "Không chỉ tuyên truyền nâng cao ý thức của công nhân, chúng tôi còn tăng cường kiểm tra các DN tuân thủ khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; hướng dẫn các cơ sở lao động xây dựng phương án ứng phó dịch bệnh theo từng cấp độ khác nhau; thành lập tổ an toàn Covid-19 trong DN; phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh lấy mẫu tầm soát diện rộng cho công nhân, người lao động trong KCX, KCN, khu lưu trú công nhân; đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động phòng, chống dịch tại các phân xưởng, dây chuyền sản xuất, tổ sản xuất trong từng công ty, xí nghiệp... với phương châm sản xuất phải bảo đảm an toàn. Ban Quản lý các KCX, KCN, các DN đã kích hoạt bộ chỉ số an toàn sản xuất, giảm số lượng lao động trong một khu vực xưởng, dây chuyền; tăng xe đưa đón công nhân; chia nhỏ từng bộ phận làm việc luân phiên để hạn chế số lượng người tiếp xúc; lập danh sách thông tin cơ bản của công nhân để tiện quản lý, truy vết khi cần thiết...

Từ thực tế tình hình dịch bệnh trên địa bàn, TP Hồ Chí Minh đã tính đến phương án vừa cách ly, vừa sản xuất như ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố giao Ban Quản lý các KCX, KCN chọn một số DN có đủ điều kiện để bố trí công nhân ở lại và làm việc ngay tại nhà máy, xí nghiệp để vừa cách ly phòng dịch, vừa duy trì sản xuất bình thường. “Phải coi việc chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay và phải hành động quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả; sản xuất phải an toàn, triệt để phòng ngừa dịch bệnh. Ban Quản lý các KCX, KCN chủ động rà soát, phối hợp vận động công nhân nghiêm chỉnh chấp hành khuyến cáo “5K”, tổ chức diễn tập xử lý các tình huống để kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong KCX, KCN và trên địa bàn”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Bài và ảnh: TRẦN THỦY - PHÚ KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-covid-19/quyet-liet-phong-chong-covid-19-trong-doanh-nghiep-662636