Quyết liệt sửa sai trong in ấn, sử dụng sách giáo khoa hiện hành

Tôi cho rằng, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ÐT) hiện nay đang lúng túng trong việc hướng dẫn, quy định sử dụng sách giáo khoa. Chỉ tính trong vài năm trở lại đây, số tiền mà mỗi gia đình phụ huynh, học sinh mua sách đã tiêu tốn cả nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, vì quy cách biên soạn, in ấn sách giáo khoa hiện hành, thì tất cả sách giáo khoa chỉ dùng một lần. Sự lãng phí này trước hết trách nhiệm thuộc về Bộ GD-ÐT trong chỉ đạo, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa và chương trình dạy học thay đổi liên tục, áp lực giảm tải, chỉnh đổi, bổ sung…

Ý kiến Cử tri

Ðể sửa sai về sử dụng sách giáo khoa hiện nay, các ngành chức năng không nên giao cho bất cứ một đơn vị nào độc quyền trong in ấn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa. Mặt khác, ngay từ bây giờ nhà trường, gia đình và xã hội phải dạy học sinh bài học về trân quý sách giáo khoa. Khi biết trân quý sách giáo khoa là biết quý trọng kiến thức, văn hóa, tránh hình thành cho các em tính cẩu thả, ích kỷ… Bộ trưởng GD-ÐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri. Khi Bộ GD-ÐT lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, thẳng thắn nhìn nhận yếu kém và trả lời các câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội là tín hiệu đáng mừng cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ðề nghị Bộ GD-ÐT sớm sửa sai và phải thật sự quyết tâm vì sự phát triển của cả dân tộc.

LÊ NGUYỄN QUỐC VIỆT

(Phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng)

Cần nghiên cứu việc sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp

Sáng 1-11, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội rất rõ ràng, cụ thể về việc sử dụng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp. Tôi cho rằng, lượng tro xỉ của nhà máy nhiệt điện là rất lớn, hiện nay đang được lưu trữ tại các bãi thải, mỗi bãi thải có diện tích từ vài héc-ta lên đến hàng trăm héc-ta. Ðể giảm ô nhiễm môi trường, các nhà máy nhiệt điện phải đầu tư số tiền lớn để xây dựng bãi thải. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có hai nhà máy nhiệt điện, nhiều nhà máy xi-măng, hằng ngày thải ra lượng tro xỉ lớn, vận chuyển ra bãi thải lưu trữ. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng đến nay mới chỉ có một mỏ đất được cấp phép khai thác làm vật liệu san lấp cho nên không thể đáp ứng nhu cầu, dẫn đến việc khai thác đất làm vật liệu san lấp trái phép diễn ra ở nhiều nơi. Do đó, khi tro xỉ đủ điều kiện làm vật liệu san lấp thì cần có biện pháp đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường tại những nơi sử dụng tro xỉ làm vật liệu san lấp.

HOÀNG ÐỨC HÀ

(Phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Tăng cường liên kết để phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long

Trả lời của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BÐKH) đã đáp ứng sự mong mỏi của cử tri. Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các chương trình hành động cụ thể và bố trí 12 nghìn tỷ đồng cho các chương trình, dự án này phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với BÐKH.

Tuy nhiên, tác động BÐKH lớn, diễn biến phức tạp, để Nghị quyết 120 nhanh chóng đi vào cuộc sống, Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể tích hợp vùng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, tài nguyên - môi trường, hạ tầng giao thông - thủy lợi… nhằm triển khai thực hiện các dự án liên vùng mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết vùng (đã thí điểm triển khai) trong phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, từng vùng cũng như phát huy cao nhất hiệu quả các công trình, dự án phát triển ÐBSCL thích ứng với BÐKH nhằm hạn chế tình trạng đầu tư công trình thiếu đồng bộ, lãng phí.

TRẦN VĂN THÀNH

(Khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ)

Ngăn chặn tình trạng "chạy luân chuyển"

Tôi rất tâm đắc với phần trả lời của Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân về giải pháp ngăn chặn tiêu cực trong công tác luân chuyển cán bộ. Ðó là việc chỉ thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Trước đây, từng xảy ra hiện tượng cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu ở Trung ương thì được điều về địa phương, hoặc kỷ luật ở địa phương, đơn vị này được "luân chuyển" sang địa phương, đơn vị khác. Tôi cho rằng, cần phải chấm dứt ngay những hiện tượng nêu trên, để bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ. Cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu thì cần có giải pháp rõ ràng, nếu cần có thể cho thôi giữ chức vụ. Cán bộ luân chuyển phải là những cán bộ trẻ, có năng lực, phẩm chất chính trị và đạo đức tốt. Theo tôi, điều này sẽ giúp khắc phục tư tưởng cục bộ địa phương, tạo cơ hội bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực quản lý của cán bộ trẻ. Ðáng chú ý, Bộ trưởng Nội vụ đưa ra giải pháp không kết hợp giữa luân chuyển cán bộ gắn với đề bạt cán bộ. Bởi đây có thể là nguồn phát sinh tình trạng "chạy luân chuyển"; đồng thời phân cấp rõ trách nhiệm cơ quan đề nghị luân chuyển, cơ quan quản lý cán bộ, cơ quan thẩm định hồ sơ luân chuyển cán bộ.

Tôi rất mong những giải pháp nêu trên sớm được thực hiện, góp phần ngăn chặn tình trạng "chạy luân chuyển" hiện nay.

NGÔ VĂN PHƯƠNG

(Phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội)

Cần đặc biệt quan tâm cơ cấu lại nông nghiệp ở Tây Nguyên

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược của cả nước về kinh tế và quốc phòng - an ninh, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất đai phong phú, khí hậu ôn hòa thuận lợi để phát triển các loại cây nông nghiệp, công nghiệp mũi nhọn. Trên thực tế, một số sản phẩm nông nghiệp của Tây Nguyên luôn dẫn đầu cả nước về số lượng, giá trị xuất khẩu, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, do lối canh tác truyền thống, sản xuất chạy theo thời giá, ồ ạt chuyển đổi cây trồng không tuân thủ quy hoạch dẫn đến tình trạng được mùa rớt giá, cây trồng chết hàng loạt khiến nông dân lâm cảnh nợ nần, trắng tay. Vì vậy, để cơ cấu lại nông nghiệp ở Tây Nguyên thành công, làm cho sản phẩm nông nghiệp ở Tây Nguyên đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành quan tâm hơn nữa việc hoạch định chính sách; ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, nhất là lĩnh vực ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo quản, chế biến sâu sau thu hoạch đối với sản phẩm nông nghiệp; tạo đà cho các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn của Tây Nguyên phát triển bền vững.

NGUYỄN THANH QUANG

(Tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Ðác Nông)

Chất lượng các công trình BOT còn hạn chế

Qua chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Giao thông vận tải, chúng tôi thấy rằng, không riêng cao tốc Ðà Nẵng - Quảng Ngãi, hiện nay chất lượng các dự án xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cũng nảy sinh nhiều bất cập cần sớm được xử lý. Thí dụ, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A, đoạn tỉnh Hà Tĩnh mặc dù mới đưa vào sử dụng chưa lâu, trong đó có những đoạn đường đang trong giai đoạn bảo hành nhưng đã xuất hiện nhiều hằn lún vệt bánh xe, dồn nhựa sống trâu và bong tróc lớp nhựa đường, gây mất an toàn trong quá trình lưu thông. Mặc dù dư luận và các cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng, song chủ đầu tư dự án vẫn chậm đưa ra các giải pháp khắc phục. Trong khi đó, để lưu thông trên các tuyến đường này, người dân vừa phải thực hiện nghĩa vụ đóng nộp phí đường bộ, vừa phải đóng phí qua các trạm BOT cho chủ đầu tư dự án. Ðề nghị Quốc hội, Chính phủ có thái độ kiên quyết đối với các chủ đầu tư thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình thi công, vận hành dự án này.

TRẦN NGUYÊN ÐẠT

(Phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh)

Lo lắng trước những bất cập của ngành giáo dục

Hiện nay, tình trạng thiếu trường, thiếu giáo viên vẫn còn diễn ra, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa; người dân chưa thật sự yên tâm với chất lượng chung của hệ thống giáo dục quốc dân; phụ huynh vẫn phải lo lắng cho con em trong việc học hành, thi cử… Trong thời gian tới, tôi mong muốn ngành giáo dục phải cầu thị, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục hiệu quả những tồn tại, hạn chế. Ngành giáo dục phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục - đào tạo, trong đó quan tâm chính sách đối với học sinh, sinh viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Mong muốn lớn nhất của người dân vẫn là con em mình được học chữ, học làm người trong môi trường lành mạnh và công bằng.

LÊ THỊ HƯƠNG

(600 Ðiện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38114702-quyet-liet-sua-sai-trong-in-an-su-dung-sach-giao-khoa-hien-hanh.html