Quyết liệt thanh tra, xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường

Theo kết quả mới được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Ninh Bình thống kê, trong 3 năm (2016, 2017, 2018), đã có nhiều vi phạm từ ô nhiễm môi trường (ONMT) đến ONMT nghiêm trọng được thanh tra, xử lý vi phạm theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Một nhà máy tại Ninh Bình có hoạt động xả khí thải ra môi trường. Ảnh: T.A

Hàng chục cuộc thanh tra về môi trường được triển khai

Năm 2016, Sở TN&MT Ninh Bình đã phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức thanh tra 24 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua thanh tra, đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 4 cơ sở tổng số tiền phạt là 270 triệu đồng. Đồng thời, tổ chức định kỳ kiểm tra, kiểm soát môi trường với 49 đơn vị.

Sau đó 1 năm, Sở chức năng này, cũng chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra 30 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua thanh tra, 15 cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 2,2 tỷ đồng. Sở TN&MT cũng tổ chức kiểm tra, kiêm soát môi trường định kỳ tại 34 đơn vị và trình UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 đơn vị số tiền 2 tỷ đồng.

Riêng năm 2018 (tính đến cuối tháng 10/2018), đã có 38 đơn vị trong lĩnh vực môi trường được kiểm tra, trong đó, có 3 đơn vị vi phạm đã bị xử phạt hơn 360 triệu đồng. Bên cạnh đó, Sở TN&MT Ninh Bình cũng phối hợp với Tổng cục Môi trường thanh tra 7 đơn vị trên địa bàn theo Quyết định 1415/QĐ-TCMT ngày 24/8/2018 của Tổng cục Môi trường.

Đối với cơ sở gây ONMT nghiêm trọng, theo rà soát của Ninh Bình có 8 cơ sở thuộc địa bàn tỉnh này trong diện phải xử lý. Thực tế tính đến quý II/2011 (tức là cách đây 7 năm) thì 8/8 đơn vị đã hoàn thành việc xử lý và được Bộ TN&MT, Sở TN&MT chứng nhận hoàn thành xử lý ô nhiễm môi trường.

Theo Quyết định 1788/QĐ-TTg (năm 2013) của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình có 2 cơ sở gây ONMT đến năm 2020 phải xử lý triệt để gồm: Bệnh viện Tâm thần tỉnh và bãi rác thung Quèn Khó. Đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải, công suất 150m3/ngày đêm, còn bãi rác thung Quèn Khó thì chưa có kinh phí để thực hiện.

Bên cạnh các giải pháp tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, công tác hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật thì việc quyết liệt, kiên trì thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra trong 3 năm qua đã giúp xử lý khá tốt các cơ sở gây ONMT và cơ sở gây ONMT nghiêm trọng.

Đề xuất các giải pháp để bảo vệ môi trường triệt để

Sở TN&MT Ninh Bình đề xuất tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường lưu vực sông của mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nguồn thải ra lưu vực sông.

Tăng cường vai trò, chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông, đảm bảo kinh phí để hoạt động có hiệu quả, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ của các ban ngành Trung ương và địa phương.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhóm dự án ưu tiên trong đề án tổng thể, tỉnh Ninh Bình cũng đề xuất cần tăng cường hợp tác, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông.

“Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy cần hỗ trợ Ninh Bình trong điều tra, quan trắc và thống nhất phân công trách nhiệm quan trắc môi trường. Chia sẻ thông tin quan trắc nhằm cảnh báo các nguy cơ, các sự cố môi trường xảy ra để các địa phương biết và đưa ra các biện pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để triển khai dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng: Dự án “Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác tại bãi rác thung Quèn Khó, thành phố Tam Điệp; xây dựng nhà máy xử lý nước thải thành phố Tam Điệp” và xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đô thị tập trung” - lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh.

Tràng An

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/quyet-liet-thanh-tra-xu-ly-vi-pham-ve-o-nhiem-moi-truong_t114c1059n141607