Quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội

Năm 2023, năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá giữa nhiệm kỳ kết quả thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, thành phố đã tăng tốc, quyết liệt trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Một góc đô thị thành phố Thủ Đức.

Nhiệm vụ này càng quan trọng, cấp thiết hơn khi kết quả nhiều chỉ tiêu kinh tế của thành phố giảm sút so với cùng kỳ, hiệu quả của đầu tư công vẫn chưa như kỳ vọng.

Vẫn còn nhiều mối lo

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội thành phố tháng 1/ 2023, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết: Kinh tế-xã hội thành phố đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 28%); doanh thu du lịch tăng 16,8% so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế đến thành phố đạt hơn 350 nghìn lượt, tăng 100% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ước đạt 911,2 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Thu hút đầu tư đạt khoảng 179,04 triệu USD, tăng 73,8% so với cùng kỳ, trong đó, có 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 86,86 triệu USD, tăng 127,8% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm 2022, số lao động được giải quyết việc làm tăng 0,04%; số chỗ việc làm mới tăng 0,07%. Trong lĩnh vực giao thông vận tải, khối lượng vận tải hành khách công cộng ước đạt 20 triệu lượt hành khách, tăng 2,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những điểm sáng, nhiều chỉ tiêu kinh tế trong tháng 1 của thành phố cũng giảm so với cùng kỳ. Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 1 ước thực hiện hơn 49.400 tỷ đồng, giảm 13,13%. Trong đó, thu nội địa 41.500 tỷ đồng, đạt 12,83% dự toán, giảm 7,32%; thu từ xuất nhập khẩu đạt gần 8.000 tỷ đồng, đạt 5,45% dự toán, giảm 34,48%. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp qua cửa khẩu cả nước trong tháng 1 ước đạt 3,6 tỷ USD, giảm 13% (tháng 1/2022 đạt 4,1 tỷ USD).

Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 4,3 tỷ USD, giảm 21% (tháng 1/2022 đạt 5,5 tỷ USD). Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký và bổ sung trong tháng 1/2023 là 37.509 tỷ đồng, giảm 51,74%. Nhiều đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ 30-40%...

Đối với giải ngân vốn đầu tư công tình hình cũng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Lê Thị Huỳnh Mai, giải ngân đầu tư công năm 2022 tính đến ngày cuối cùng của biên độ tài chính năm 2022 (31/1/2022) chỉ đạt hơn 25.500 tỷ đồng (68% so kế hoạch), trong khi kế hoạch Hội đồng nhân dân thành phố giao là 95%. Năm 2023, thành phố giao hơn 70.000 tỷ đồng (gấp đôi so với năm 2022) thì vấn đề giải ngân sẽ là một bài toán khó đối với cơ quan chức năng, nếu không có các giải pháp quyết liệt, sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị.

Tạo đà từ hành động quyết liệt

Theo Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi, những khó khăn của nền kinh tế từ quý IV/2022 vẫn đang tiếp tục diễn ra trong tháng đầu tiên của năm mới. Thành phố quyết liệt hành động thì những kết quả tích cực sẽ đến sớm, nếu không thực trạng này sẽ kéo dài tới hết quý II. Thành phố cần tăng tốc ngay để rút ngắn giai đoạn khó khăn, sớm đưa kinh tế-xã hội phục hồi trở lại. Một trong các vấn đề trọng tâm UBND thành phố sẽ phải quyết liệt là việc giải ngân vốn đầu tư công. Vấn đề này đã được Chính phủ, UBND thành phố yêu cầu các địa phương thực hiện rốt ráo để đạt được hiệu quả về đầu tư xã hội.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, năm 2023, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng việc thực hiện đầu tư công là một chỉ tiêu xếp loại thi đua. Tiêu chí này quan trọng, bởi vì đầu tư công giữ vai trò dẫn dắt đầu tư xã hội, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng để tạo đà cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cũng tính đến giải pháp đề xuất, tham mưu UBND thành phố ban hành các quy định cụ thể hướng đến trách nhiệm của từng đơn vị quản lý, từng chủ đầu tư. Trong đó, chú trọng trách nhiệm người đứng đầu trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ.

Để công tác này “chạy”, UBND thành phố chỉ đạo cụ thể, đối với các dự án đã được phân bổ vốn, đến cuối tháng 2 chủ đầu tư phải báo cáo lại kế hoạch triển khai, tiến độ thực hiện. Đến tháng 7/2023, nếu dự án vẫn còn dang dở hoặc không hiệu quả, thành phố sẽ điều vốn sang dự án khác. Thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai đầy đủ các nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình, dự báo và linh hoạt ứng phó. Song song với nhiệm vụ này, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cải cách hành chính, thu hút đầu tư, quan tâm các vấn đề văn hóa, an sinh xã hội.

Phát biểu chỉ đạo về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tháng 2 và các tháng sắp tới của thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm, thành phố phải nỗ lực, quyết liệt để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5-8%.

Muốn vậy, thành phố phải khởi động nhanh các hoạt động, đòi hỏi sự điều hành quyết tâm, quyết liệt và linh hoạt; tăng cường phân cấp, giao quyền; điều hành, siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả công vụ; thúc đẩy chuyển đổi số;... Đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị, các cấp, ngành quan tâm công tác dự báo, nắm chắc tình hình để chuẩn bị giải pháp ứng phó, không để bị động, bất ngờ trước những diễn biến của thị trường, xã hội. Đồng thời, triển khai nghiêm túc nghị quyết, chỉ thị; nhanh chóng đưa các hoạt động trở lại bình thường, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo không khí sôi nổi ngay trong những tháng đầu năm mới.

QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/quyet-liet-trien-khai-cac-giai-phap-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post738137.html