Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công

Ngày 25-6, Bộ Tài chính đánh giá, mặc dù với nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương và các chủ dự án, công tác giải ngân từ nguồn vốn đầu tư phát triển trong một số năm gần đây trong giai đoạn 2016-2020 đang có xu hướng đi xuống rõ rệt.

Đánh giá trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 tổ chức hôm nay.

Bộ Tài chính cho biết, nếu như năm 2017, tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài đạt 78,4% dự toán được giao thì năm 2018 giảm xuống chỉ còn 59% dự toán được giao. Đặc biệt trong năm 2019, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt ở mức 36,4% dự toán được giao.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động triển khai tích cực các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân cụ thể như: tích cực đôn đốc các cơ quan chủ quản, chủ dự án đẩy nhanh tiến độ phân khai, nhập TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) và giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài; xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công theo Nghị quyết số 96/NQ-CP ngày 12-6-2020 của Chính phủ; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân các Bộ, ngành có kế hoạch vốn lớn...

Sau rất nhiều nỗ lực phía Bộ Tài chính, tình hình có được cải thiện song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài còn rất thấp.

Theo báo cáo của các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính thì tổng số giải ngân từ đầu năm tới nay mới đạt 7.427 tỷ đồng tương ứng với 13,1% dự toán của năm 2020. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương vẫn đang tiếp tục giải ngân phần vốn của năm 2019 chuyển sang là 7.198 tỷ đồng.

Nguyên nhân cơ bản của việc giải ngân thấp vẫn xuất phát từ việc triển khai thực hiện dự án của các cơ quan chủ quản, các chủ dự án.

Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà chỉ rõ: mặc dù, vốn đầu tư đã được giao từ đầu năm nhưng cho đến nay vẫn còn một số Bộ, địa phương chưa phân khai và nhập TABMIS hết dự toán được giao, khối lượng triển khai các hoạt động còn thấp.

Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư (tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, cơ cấu vốn,...), điều chỉnh hiệp định vay nên chậm triển khai.

Bên cạnh đó, tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng có ảnh hưởng lớn đối với tiến độ triển khai các dự án vay ODA, vay ưu đãi có các yếu tố gắn với nước ngoài như nhập khẩu máy móc thiết bị, huy động chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài,...

Chính vì vậy, trong các tháng còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều, là thách thức cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương.

Nếu các Bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như các năm trước đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của giai đoạn trung hạn 2016-2020.

SÔNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/44985302-quyet-liet-trong-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html