Quyết liệt với các loại tội phạm gây bức xúc xã hội

Thảo luận tại hội trường về công tác phòng, chống tội phạm; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, cần tập trung đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội, xử lý nghiêm các loại tội phạm mới; đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm.

Xử lý nghiêm các loại tội phạm mới

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt để vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật. Về tổng thể, vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm 6,69%, trong đó tội phạm có tổ chức, tội hiếp dâm, tội phạm xâm phạm sở hữu cũng có chiều hướng giảm. Nhận định đây là "tín hiệu mừng", song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả này, một số loại tội phạm gia tăng khiến cử tri lo lắng, dư luận xã hội bức xúc.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2022, tội phạm giết người tăng 13,17%, tội phạm cho vay lãi nặng tăng 41,95%. Một số loại tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng, như các tội phạm về ma túy, cướp giật... Việc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để trục lợi đã xảy ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương, có quy mô, phạm vi lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có sự tham gia của một số người nguyên là cán bộ cấp cao. Vẫn xảy ra tình trạng tiếp tay, nhận hối lộ của một số cán bộ thuộc cơ quan bảo vệ pháp luật để "làm ngơ" cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, xảy ra trong thời gian dài. Tội phạm mua bán người qua biên giới Tây Nam đang diễn biến rất phức tạp. Một số vụ xâm hại trẻ em với hành vi dã man, có vụ việc chỉ khi xảy ra hậu quả chết người mới bị phát hiện. Trước thực trạng này, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và đáng báo động. Nêu thực tế này, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho rằng, đây là một trong những tội phạm rất nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại cho xã hội, làm băng hoại nền tảng đạo đức, mà còn gây ra tổn thương nặng nề về thể chất và tâm lý, rất khó khắc phục với nạn nhân. Vì thế, cần xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, là công cụ hữu hiệu nhất trong hoạt động bảo vệ quyền trẻ em. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện, tăng mạnh các chế tài hình sự đối với hành vi xâm hại trẻ em nhằm tạo ra "lá chắn" pháp lý vững chắc, bảo vệ trẻ em trước các hành vi xâm hại. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, có kế hoạch phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ tội phạm xâm hại trẻ em. Cấp ủy, chính quyền địa phương cũng cần bố trí đủ nguồn lực trong tuyên truyền và thực thi pháp luật về trẻ em, có kế hoạch phân công, giám sát tổ chức, cá nhân và các địa bàn có nguy cơ xâm hại cao để có những giải pháp bảo vệ trẻ em hiệu quả nhất.

5 chiêu “lách luật” phổ biến liên quan đến đấu thầu

Thời gian gần đây, bên cạnh những loại tội phạm nêu trên, còn phát sinh mới loại tội phạm liên quan đến các lĩnh vực đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, các vụ án tham nhũng tồn đọng chưa thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng… Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), thời gian qua, có những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tội, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.

"Cử tri và Nhân dân rất quan tâm đến việc xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật nổi cộm liên quan đến thị trường chứng khoán". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị, cần sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.

"Điểm danh" 5 chiêu "lách luật" phổ biến trong các vụ vi phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) thống kê: Lợi dụng các quy định về chia tách, gộp gói thầu để chia nhỏ gói thầu nhằm chỉ định thầu; cài cắm các điều khoản hướng thầu để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, vây thầu; tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu và tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.

Cho rằng hoạt động đấu thầu nếu không được quy định và quản lý chặt chẽ sẽ trở thành “mảnh đất” màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu rõ, thực tế thời gian qua đã có liên tiếp các vụ việc sai phạm trong đấu thầu bị khởi tố. Do đó, các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cần "hướng hoạt động vào mảng đấu thầu", nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu - đây được xem là "giải pháp của mọi giải pháp, rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng “đi đêm” trong đấu thầu", đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Pháp luật hiện hành trong từng công đoạn đấu thầu đã có một số quy định về công khai, nhưng chưa chặt chẽ, thậm chí còn những khoảng trống, kẽ hở dẫn đến việc có thể lách luật như trong thời gian vừa qua. Nêu rõ thực tế này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị, tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), bảo đảm thực hiện chặt chẽ “6 công khai” trong đấu thầu, gồm: điều kiện được dự thầu, danh sách và năng lực của nhà thầu, điều kiện được trúng thầu, quá trình chấm thầu, kết quả trúng thầu, kết quả giải quyết khiếu nại, kiến nghị của nhà thầu.

Đề cập đến tình trạng tội phạm về công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội, ĐBQH Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) nêu vấn đề, thực tế, việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản; cần có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua, bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng. “Mặc dù Bộ luật Hình sự đã có quy định nhưng tôi thấy chưa chặt chẽ, cơ chế chưa bảo đảm”, đại biểu Lý Văn Huấn thẳng thắn. Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, thời gian qua, các vụ vi phạm của tội phạm được phát hiện không ít, có những thông tin sát, đúng thực tế từ những người dân và cơ quan truyền thông. Đặt vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tố tụng cũng như trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho Nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, nhất là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội, trong bối cảnh số người vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, ma túy, xã hội đen đa số là tuổi thanh niên. Nên xây dựng mô hình Câu lạc bộ giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội thôn, xóm, bản, làng; kịp thời khen thưởng, biểu dương người tốt, việc tốt với nhiều phương thức đa dạng, phù hợp, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất.

Sáng nay, Quốc hội tiếp tục dành thời gian thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác tư pháp; phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng năm 2022. Mong rằng, nhiều tồn tại, hạn chế sẽ tiếp tục được làm rõ, các giải pháp khả thi tiếp tục được đề xuất, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống các loại tội phạm và vi phạm pháp luật.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/quyet-liet-voi-cac-loai-toi-pham-gay-buc-xuc-xa-hoi-i306824/