Quyết liệt với tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy

Nhiều năm qua, bên cạnh những kết quả, thành tựu lớn đạt được về kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đối mặt với tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Một vấn đề không mới nhưng vẫn luôn nóng trong nỗ lực quản lý, giám sát, xử lý và luôn nhận được sự quan tâm của người dân.

Nhiều năm qua, bên cạnh những kết quả, thành tựu lớn đạt được về kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đối mặt với tình hình phức tạp về tội phạm và tệ nạn ma túy. Một vấn đề không mới nhưng vẫn luôn nóng trong nỗ lực quản lý, giám sát, xử lý và luôn nhận được sự quan tâm của người dân.

Nhiều hệ lụy khôn lường

TP Hồ Chí Minh được xác định là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, có tốc độ đô thị hóa nhanh, đầu mối quan trọng trên nhiều lĩnh vực của vùng cũng như cả nước. Bên cạnh những thuận lợi trong quá trình hội nhập kinh tế và mở rộng giao lưu quốc tế, nhiều năm qua, ma túy trở thành một vấn nạn của chính quyền và người dân thành phố. Tệ nạn này theo từng năm tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều hệ lụy khôn lường về mặt xã hội. Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm số lượng ma túy tổng hợp bị tịch thu tăng bình quân hơn 105%, riêng trong năm 2019, các đơn vị chức năng phối hợp bắt giữ số lượng ma túy lên đến hàng tấn, một con số chưa từng xuất hiện trong các đợt truy quét, bắt giữ trước đây. Đáng nói hơn, để thực hiện hành vi phi pháp này, thay vì “bỏ của chạy lấy người” như trước đây, các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy luôn mang theo vũ khí “nóng” để chống trả quyết liệt khi bị lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ.

Một nhức nhối mới mà TP Hồ Chí Minh đang đối mặt là địa phương này trở thành nơi trung chuyển của các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy sang địa bàn thứ ba. Công an thành phố cũng xác định, tội phạm ma túy đang là nguồn cơn của nhiều loại tội phạm khác, gây nhiều hệ lụy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá và bắt giữ các vụ vận chuyển, buôn bán ma túy với số lượng rất lớn chưa từng có từ trước tới nay. Đơn cử như: cuối tháng 3-2019, tại khu vực vòng xoay An Sương, quận 12, Tổ công tác 363 Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện và bắt giữ đối tượng Chen Tsen Wei (quốc tịch Đài Loan - Trung Quốc) khi đang vận chuyển 895 bánh hê-rô-in. Tương tự, vào tháng 5-2019, Bộ Công an phối hợp nhiều đơn vị chức năng khác phát hiện và bắt giữ một kho hàng tại xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) chứa nửa tấn ketamin dạng sệt mầu nâu (trị giá gần 500 tỷ đồng). Nhiều người dân thốt lên rằng: qua các vụ buôn bán ma túy bị triệt phá thấy vừa mừng vừa lo. Mừng vì số lượng ma túy lớn đã không lọt ra xã hội nhưng lo vì ma túy vẫn luôn là một hiểm họa chực chờ bất cứ ai trong xã hội. Đáng báo động hơn, gần đây, qua các trang mạng xã hội, hiện tượng các đối tượng tổ chức nghiên cứu công thức sản xuất ma túy các loại ngày càng phổ biến. Đối tượng sử dụng ma túy cũng ngày càng trẻ hóa, sử dụng nhiều loại ma túy cùng lúc, nhất là ma túy tổng hợp. Những vụ án mạng đau lòng đã xảy ra như vụ một thanh niên 26 tuổi ở huyện Hóc Môn sau khi sử dụng ma túy đã dùng hung khí giết hại bốn người, trong đó có ba người là ruột thịt. Mới đây, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng đã kết án tử hình bị cáo Trương Tín, 30 tuổi, ngụ quận Bình Tân, về tội “giết người”. Nạn nhân trong vụ án là bà ngoại, mẹ và dì ruột. Những lời khai của Trương Tín tại tòa khiến nhiều người uất nghẹn, đau lòng khi Tín cho biết, nguyên nhân của thảm kịch là do bị cáo sử dụng ma túy, gây ảo giác nên khi thấy người thân trong nhà Tín nghĩ là rô-bốt muốn hại mình nên đã lấy dao gây án;...

Tháo gỡ những bất cập

Nhận định về tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố thời gian tới, Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn cho biết: Vấn nạn này có khả năng tiếp tục diễn biến phức tạp. Những vấn đề gồm số lượng người nghiện đến hàng chục nghìn người; tình trạng mua bán, tàng trữ các loại ma túy ngày càng tinh vi, manh động; 70% số người nghiện đang điều trị có tuổi đời từ 18 đến 35; TP Hồ Chí Minh tiếp tục là địa bàn tiêu thụ, trung chuyển lớn của các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy trong thời gian tới là thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng. Thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố còn xuất hiện loại ma túy mới có tên Bromazepam với bao bì đóng gói là “nước xoài” được rao bán trên mạng. Một hình thức buôn bán rất khó kiểm soát và chế tài hình sự.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, đối với vấn đề giải quyết ma túy, đến nay, đơn vị đã thực hiện chuyển hóa được 6/9 tuyến, 16/30 địa bàn, 26/35 tụ điểm, 86/100 điểm phức tạp về ma túy. Thời gian qua, các đơn vị tập trung giải quyết các vấn đề lớn đối với người nghiện. Đây là vấn đề nan giải khi số người nghiện ngày càng trẻ hóa. Trong quá trình giải quyết, các đơn vị gặp nhiều khó khăn do vướng quy định như: người nghiện sử dụng chất kích thích như: bóng cười, tem lưỡi, nấm độc, shisa... nhưng các loại chất này chưa cập nhật vào danh mục quy định của luật. Thực tế này cho thấy rất dễ bỏ sót các đối tượng đang sử dụng chất kích thích có chứa ma túy. Ngoài ra, để hoàn thiện hồ sơ một đối tượng đưa đi cai nghiện bắt buộc cũng tốn rất nhiều thời gian khi phải xác định được tình trạng nghiện của đối tượng, thời gian tạm giữ để chờ kết quả. Ðể xác định, các cơ quan chức năng phải giữ đối tượng trong thời gian hai đến ba ngày trong tình trạng cách ly nhưng hiện quy định chỉ được phép tối đa không quá 12 giờ.

Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, mô hình cai nghiện ma túy tại cộng đồng, gia đình cho thấy những bất cập khi số người tái nghiện ngày một tăng. Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng đề xuất phương án cai nghiện tập trung, nhất là người nghiện dưới 18 tuổi. Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định, đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy phải đủ 18 tuổi trở lên nhưng Điều 29 Luật Phòng chống ma túy, lại quy định, người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Các chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian “sáu năm” này là một vấn đề rất nan giải bởi những người nghiện nếu không được đưa vào cai nghiện tập trung sẽ là đối tượng có nguy cơ gây ra nhiều bất ổn về an ninh trật tự.

Công an TP Hồ Chí Minh cũng đặc biệt tập trung “chặn” nguồn cung ma túy từ địa phương khác vào thành phố. Tuy nhiên, để làm tốt công tác này, cơ quan chức năng kiến nghị thành phố cần trang bị hệ thống thiết bị hiện đại chuyên dùng trong công tác kiểm tra, kiểm soát. Tại hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy tại TP Hồ Chí Minh mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Trần Lưu Quang đã thốt lên rằng: “Chưa bao giờ mua ma túy ở bar, vũ trường, beer club… dễ như hiện nay”. Để giải quyết tình trạng này, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng: Các cơ quan chức năng phải nâng cao cảnh báo xã hội, nhất là thanh, thiếu niên, về hiểm họa ma túy. Cần có sự phối hợp tốt nhất trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về cơ chế chính sách và lực lượng phòng, chống ma túy. Đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ những đối tượng cai nghiện hòa nhập cuộc sống; nêu gương những trường hợp cai nghiện thành công;... Thiếu tướng Đinh Thanh Nhàn cũng nhấn mạnh: Thời gian tới, Công an thành phố sẽ triển khai các giải pháp mạnh để ngăn chặn nguồn cung cấp ma túy vào thành phố; nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý người nghiện; tăng cường công tác phối hợp liên ngành kiểm tra các điểm dịch vụ nhạy cảm...

Bài và ảnh: TRẦN QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/quyet-liet-voi-toi-pham-buon-ban-van-chuyen-ma-tuy-624511/