Quyết liệt xử lý doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế

Mấy năm qua, ngành Thuế đã công khai doanh nghiệp nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo công bằng, minh bạch trong quản lý thuế và thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nghĩa vụ đóng thuế. Tuy nhiên, có rất nhiều doanh nghiệp cố tình chây ỳ, nợ thuế với số tiền khủng.

Thực tế trên cho thấy, việc xử lý doanh nghiệp nợ thuế vẫn chưa quyết liệt, chưa thực sự mạnh tay.

Điểm mặt chỉ tên các “ông lớn” nợ thuế

Website của Cục Thuế TP Hà Nội, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đều đặn công khai các doanh nghiệp nợ thuế từng tháng. Tháng 8-2018, Công ty CP Công trình giao thông 118-Momota bị điểm danh đầu tiên với số thuế lên tới 54,2 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty CP Xây dựng năng lượng nợ hơn 46,8 tỷ đồng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng nợ hơn 40,79 tỷ đồng; Công ty CP Xây dựng hạ tầng sông Đà nợ hơn 40 tỷ đồng, Công ty Meinhardt (thầu chính tư vấn giám sát thi công xây dựng dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) nợ hơn 33,6 tỷ đồng…

Tháng 9-2018, các doanh nghiệp nợ thuế lại tiếp tục được Hà Nội điểm tên, đứng đầu là Công ty CP Linh gas Việt Nam với số tiền nợ lên tới hơn 41 tỷ đồng; Công ty CP Cơ khí xây dựng số 10 hơn 21,7 triệu đồng, Công ty CP Đầu tư và xây dựng số 4.2 nợ hơn 18,8 tỷ đồng…

Công tác thu hồi nợ đọng cần phải thực hiện quyết liệt. (Ảnh minh họa)

Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã đăng công khai trên website danh sách 1.293 đơn vị nợ thuế, phí, các khoản thu liên quan đến thuế đất với tổng số tiền nợ hơn 4.961 tỷ đồng. Sau khi đăng công khai đã có khoảng 368 doanh nghiệp và dự án nộp gần 150 tỷ đồng.

Riêng tháng 8, Cục Thuế TP Hà Nội công khai danh sách 272 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Tháng 9, Hà Nội điểm danh 153 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất, trong đó số tiền nợ thuế lên tới hơn 304 tỷ đồng, đứng đầu là Công ty CP Thương mại dịch vụ Bắc Qua.

Trong số 147 doanh nghiệp nợ thuế phí đăng công khai đợt này có 45 doanh nghiệp đã đăng công khai từ các năm 2015, 2016, 2017. Tuy nhiên số nợ của các doanh nghiệp này lớn nên Cục Thuế Hà Nội tiếp tục công khai.

Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp nợ thuế khủng, có doanh nghiệp còn “được” xếp hàng đầu danh sách nợ đọng thuế tại Cục thuế địa phương khác. Ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Meinhardt tiếp tục bị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh điểm danh với số nợ lãi chậm nộp và tiền phạt nợ đọng thuế lên tới khoảng 27 tỷ đồng. Đợt 2 năm 2018, Cục Thuế TP.HCM cũng đã công bố 1.258 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền lên tới hơn 1.556 tỷ đồng.

Trong hội nghị sơ kết ngành của Bộ Tài chính tháng 7 vừa qua, khi bàn về câu chuyện thuế tài sản, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, chống thất thu, nợ đọng thuế quan trọng hơn đánh thuế tài sản, đây mới là vấn đề cần ưu tiên để tăng thu ngân sách.

Với tinh thần ấy, các cơ quan thuế đang nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế. Tuy nhiên, việc thu hồi nợ thuế khá gian nan và dường như đơn vị nợ thuế có dấu hiệu “nhờn”, chây ỳ nợ thuế, thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh tay hơn nữa.

Có thể thu hồi giấy phép hành nghề nếu chây ỳ nợ thuế

Trong số các đơn vị nợ thuế khủng, khiến cơ quan thuế vất vả thu hồi nhưng chưa có hiệu quả phải kể đến Công ty Meinhardt với tổng số tiền nợ thuế lên tới khoảng 60 tỷ đồng. Tại TP Hồ Chí Minh, để thu hồi nợ đọng thuế, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã 3 lần ra văn bản tạm ngưng sử dụng hóa đơn đối với doanh nghiệp này. Mỗi lần tạm ngưng sử dụng hóa đơn như vậy kéo dài trong 1 năm. Trong thời gian bị tạm ngưng, nếu có nhu cầu sử dụng hóa đơn để xuất cho doanh nghiệp khác, Công ty Meinhardt phải nộp khoảng 18% số tiền nợ thuế.

Tại Hà Nội, công ty này là nhà thầu chính tư vấn giám sát thi công xây dựng dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Từ năm 2016, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội đã phải ký quyết định về việc “cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế” đối với Công ty Meinhardt. Sau đó, tháng 11-2017, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội lại tiếp tục ký quyết định về việc “áp dụng cưỡng chế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng”…

Thế nhưng, cho đến tháng 8-2018, số tiền nợ thuế của Meinhardt công khai trên website của Cục Thuế TP Hà Nội vẫn là hơn 33,6 tỷ đồng. Được biết mới đây, Cục Thuế TP Hà Nội đã đề nghị Cục Thuế TP Hồ Chí Minh phối hợp cung cấp các thông tin của Công ty Meinhardt để phục vụ cho việc thu hồi nợ đọng.

Luật sư Quản Văn Minh, Giám đốc Công ty Luật số 5 Quốc gia, Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho biết, trong trường hợp doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế, mặc dù đã bị cưỡng chế bằng hình thức ngưng sử dụng hóa đơn nhiều lần mà vẫn không nộp thuế, căn cứ Điều 3, Thông tư 215/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính, ngoài việc trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản… thì có thể kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuế vào ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có thể thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ. Hoặc cơ quan chức năng có thể thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Như vậy, đối với các doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế và số tiền nợ thuế lớn, cơ quan thuế và các cơ quan chức năng hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp mạnh hơn để thu hồi nợ thuế. Như trường hợp của Công ty Meinhardt (nợ thuế với số tiền lớn, từ nhiều năm nay) cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để thu hồi thuế.

Trường hợp bị thu hồi các loại giấy chứng nhận như trên thì trước mắt, cơ quan chức năng cũng ngăn chặn được tình trạng các doanh nghiệp này tiếp tục được thực hiện các dự án khác khi không đủ năng lực.

Việt Hà – Lệ Thúy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/quyet-liet-xu-ly-doanh-nghiep-chay-y-no-thue-512153/