Quyết sách đúng đắn, tạo đột phá phát triển tỉnh Quảng Nam

Phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ Mười lăm, HĐND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp

Kỳ họp lần này là sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh Quảng Nam sau 6 tháng đầu năm nhiều khó khăn, thách thức; là dịp để sơ kết, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu và bổ sung các giải pháp, các nội dung cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.

Qua theo dõi và báo cáo trình tại kỳ họp, đặc biệt là phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho thấy, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tích cực, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành nên đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến vượt và đạt kết hoạch đã đề ra. Trong bối cảnh khó khăn nhưng thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá (đạt 46,4% dự toán và bằng 60,8% so với cùng kỳ); khu vực thương mại - dịch vụ tuy chưa đáp ứng được kỳ vọng nhưng từng bước phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ và doanh thu tiêu dùng tăng 9,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định; du lịch có nhiều khởi sắc, với nhiều chương trình đa đạng, phong phú, nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc thu hút du khách, số lượt khách thăm quan, lưu trú du lịch tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, sắp xếp dân cư, ổn định đời sống cho người dân vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. An ninh chính trị, biên giới, biển đảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Quang cảnh kỳ họp

Kết quả nổi bật nêu trên có sự đóng góp tích cực, quan trọng của HĐND. HĐND tỉnh đã cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị nỗ lực phấn đấu, có nhiều đổi mới về tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; các kỳ họp được tổ chức linh hoạt, chú trọng thực chất, hiệu quả, 18 nghị quyết (trong đó có 5 nghị quyết quy phạm pháp luật) được ban hành để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật, phù hợp với thực tiễn và ngày càng đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Công tác tiếp công dân và tiếp xúc cử tri được thực hiện đảm bảo. Công tác giám sát tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức, đã tổ chức 3 cuộc giám sát chuyên đề và 11 đoàn giám sát, khảo sát, lựa chọn “đúng”, “trúng” những vấn đề bức thiết của cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân như giám sát kết quả triển khai thực hiện quy định mức hỗ trợ đối với người có công với cách mạng về nhà ở; tình hình thực hiện kế hoạch thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất; cải cách thủ tục hành chính...

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt chúc mừng, ghi nhận và biểu dương cấp ủy, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã rất cố gắng, nỗ lực để khắc phục khó khăn, thách thức và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.

Cùng với những kết quả đạt được, bức tranh kinh tế của Quảng Nam 6 tháng đầu năm có nhiều điểm cần chú ý, đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 9,2% so với cùng kỳ, trong đó khu vực công nghiệp giảm sâu ở mức 23,1%; xây dựng gặp khó khăn do giá cả và thiếu nguyên vật liệu; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 26,2%; vốn đầu tư toàn xã hội giảm 8,2%, trong đó vốn FDI giảm 36%, các doanh nghiệp trong nước giảm quy mô và hoạt động, số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ; quy mô nền kinh tế thu hẹp hơn 1,5 nghìn tỷ; chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,06%; các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,7% chưa phát huy được vai trò là động lực cho tăng trưởng. Chỉ số PCI giảm 3 bậc với điểm thành phần giảm sâu ở đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng cho thấy còn nhiều vấn đề về môi trường đầu tư; chỉ số sử dụng lao động trong doanh nghiệp giảm 9,2% so với cùng kỳ là những thách thức lớn về quản lý xã hội.

Trong báo cáo trình kỳ họp, những gam màu thiếu tươi sáng của bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm đã được các đồng chí nêu rõ những nguyên nhân khách quan và thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ quan. Đó là những bài học kinh nghiệm sâu sắc cần quán triệt và có giải pháp tháo gỡ. Tình hình chung những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Tôi cho rằng, đây là lúc cần nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, phát huy truyền thống tốt đẹp về văn hóa, say mê lao động, không ngại khó, ngại khổ, đoàn kết để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh nhà lấy lại động lực, đà tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.

Thống nhất với những phương hướng nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh đã đề ra, tôi đề nghị Quảng Nam cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tập trung cụ thể hóa, triển khai kịp thời, đồng bộ, toàn diện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp theo các mục tiêu đã được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra, đặc biệt là các nội dung đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết luận trong các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh. Phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong công tác xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật, tích cực góp ý, phản hồi, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của trung ương nhằm góp phần tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện thể chế. Chú trọng công tác xây dựng nghị quyết, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền đảm bảo đúng quy định của trung ương và phù hợp thực tiễn của địa phương.

Hai là, khẩn trương hoàn thành và trình phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để bố trí không gian phát triển chắc chắn, bền vững, làm căn cứ để triển khai hợp lý, hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư. Thực hiện tốt công tác dự báo, chuẩn bị tốt các điều kiện để ổn định, sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh theo quy định, việc sắp xếp phải đề cao tính thuận tiện cho cuộc sống của người dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sáp nhập và tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức.

Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định để doanh nghiệp có điều kiện tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh; quyết liệt chỉ đạo, điều hành và có giải pháp đột phá để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng triển khai, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công gắn liền với kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý đất đai và bảo vệ môi trường.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong công vụ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thay thế các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, nhất là người đứng đầu các đơn vị, cơ quan, tổ chức. Các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai, chỉ đạo áp dụng thống nhất các quy định về nhân thân, hộ tịch… đã được pháp luật quy định rõ, tránh tình trạng cứng nhắc, gây khó khăn, chậm trễ trong việc giải quyết hồ sơ, gây phiền hà cho Nhân dân.

Năm là, bám sát các quy định của pháp luật, xây dựng giải pháp phù hợp, kịp thời đối với công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế, cung ứng đầy đủ cho các bệnh viện, trung tâm y tế công lập; tích cực quan tâm đến đời sống, tâm tư nguyện vọng của đội ngũ y, bác sĩ; thường xuyên kiểm tra, củng cố tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng và có giải pháp phát huy vai trò của các tuyến y tế cơ sở tại vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa và chăm sóc người có công với cách mạng.

Sáu là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần chú trọng giải quyết ngọn nguồn, hiệu quả, kịp thời các ý kiến, kiến nghị, đơn, thư của cử tri, người dân. Tháo gỡ các nút thắt về đất đai, giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng, kéo dài về đền bù, hỗ trợ, bố trí tái định cư sau thu hồi đất. Chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, làm tốt công tác đại đoàn kết toàn dân để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh cần quan tâm giám sát về kết quả, chất lượng giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri.

Bảy là, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và các đại biểu HĐND cần tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp công sức, trí tuệ để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định các vấn đề quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả các quy định mới của Trung ương theo thẩm quyền được giao, trong đó có Nghị quyết số 96/2023/QH15 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh triển khai thực hiện và tham gia đạt chất lượng các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại địa phương; thực hiện tốt chức năng giám sát theo thẩm quyền. Nâng cao chất lượng chất vấn đối với thủ trưởng các cơ quan, ban ngành của tỉnh trong công tác triển khai thực hiện chính sách, pháp luật của trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh.

Mỗi đại biểu HĐND cần gần dân, sát dân hơn để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt vai trò người đại biểu dân cử. Thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn.

Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND, UBND, UBMTTQ và Đoàn ĐBQH tỉnh, cùng với việc phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu HĐND, Kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh Quảng Nam sẽ thành công tốt đẹp, có những quyết sách đúng đắn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội các tháng còn lại của năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, tạo tiền đề phát triển KT-XH của tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

* Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

Thảo Ly lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/quyet-sach-dung-dan-tao-dot-pha-phat-trien-tinh-quang-nam-i335726/