Quyết sách nào với nhà chung cư?

Dự kiến, tại Phiên họp thứ 21, ngày 17/3 tới đây, UBTVQH xem xét, thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có một nội dung quan trọng, là có nên quy định thời hạn sở hữu với nhà chung cư hay không?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khác với các phiên bản dự thảo trước đây Bộ Xây dựng nêu nhiều phương án, tại dự thảo Luật lần này, khi trình UBTVQH, tờ trình đưa ra 1 phương án duy nhất, là sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Giải thích trong tờ trình, là luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, nên các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Do đó, nhiều hộ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn. "Cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, cũng như việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư", tờ trình nêu.

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

Tại nhiều hội thảo góp ý trước đó, không ít chuyên gia không đồng ý quy định này do cho rằng can thiệp tới quyền sở hữu tài sản của người dân. Tại một hội nghị, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thời hạn sở hữu nhà chung cư tác động rất lớn đến quyền lợi của người dân và kinh doanh của DN, thị trường bất động sản. Vì thế, đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật (MTTQ Việt Nam) cũng không đồng tình quy định sở hữu chung cư có thời hạn. Bởi, nhà chung cư hiện nay được xác lập quyền sở hữu dựa trên mua bán theo cơ chế thị trường và được Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp, là khối tài sản rất lớn của người dân.

"Lẽ nào vì một điều khác hoàn toàn với thực tiễn mà đề nghị ra một mệnh lệnh chấm dứt quyền sở hữu đơn giản như thế", ông Đường nói và lưu ý, nếu không xử lý thỏa đáng, hệ quả của việc tuyên bố chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư sẽ khiến thị trường bất động sản kém sôi động, người dân không nhiệt tình với sản phẩm này. Trong lúc đó, ở nhà chung cư được xem là xu hướng sống của thế giới nhằm xóa bỏ nhà ở manh mún, nhỏ lẻ.

Trên thị trường, nhà chung cư có 3 loại chính, là các khu tập thể cũ đã tồn tại hàng chục năm, các dạng “chung cư” khác như dạng biệt thự cổ mà nhiều hộ dân sinh sống chung đã mấy đời và các chung cư mới xây khoảng trên dưới 10 năm gần đây (luật hiện hành quy định sở hữu 50 năm và sở hữu vĩnh viễn).

Luật hiện hành quy định nhà chung cư mới gắn với trách nhiệm của chủ đầu tư và chủ đầu tư này có quyền, nghĩa vụ gắn với sự tồn tại của chung cư đó để tiến hành duy tu, bảo dưỡng, kinh doanh. Cơ quan Nhà nước cũng có trách nhiệm khi giám sát trong quá trình thiết kế, thi công, xây dựng công trình.

Việc “nhiều hộ không di dời, gây khó khăn cho cải tạo, xây mới khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn” thường chỉ xảy ra với hai loại hình chung cư đầu tiên. Tuy nhiên, ở một số địa phương như Hải Phòng, đã rất thành công trong chính sách đập các chung cư xập xệ để xây mới. Vì vậy, việc có nên quy định thời hạn sở hữu với chung cư hay không, có lẽ sẽ còn được Chính phủ và Quốc hội cân nhắc tính toán cho phù hợp với thực tế, đồng bộ hệ thống pháp luật.

M.K

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/quyet-sach-nao-voi-nha-chung-cu-post469282.html