Quyết tâm chấm dứt đại dịch HIV/AIDS

Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng; sự kỳ thị, phân biệt của cộng đồng giảm rõ rệt, người nhiễm HIV tích cực tham gia các hoạt động điều trị... Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn là thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không đẩy mạnh triển khai các biện pháp can thiệp toàn diện và hiệu quả.

Thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030, tỉnh ta tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm. Qua đó, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống HIV/AIDS có chuyển biến tích cực. Việc triển khai hệ thống pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS từng bước thực hiện toàn diện; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục được triển khai quyết liệt, đổi mới, đa dạng về nội dung, hình thức. Hiện, toàn tỉnh có 716 người nhiễm HIV còn sống và quản lý; 132/193 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Theo nhận định của ngành Y tế, dịch bệnh HIV/AIDS vẫn đang trong giai đoạn tập trung ở nhóm nguy cơ cao, có xu hướng trẻ hóa và tỷ lệ người dân tộc thiểu số mắc mới cao. Đáng nói, diễn biến theo xu hướng mới khi tỷ lệ mắc ở nhóm người nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm giảm, tỷ lệ lây truyền do quan hệ tình dục không an toàn có xu hướng tăng.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn khám, xét nghiệm HIV lưu động cho người dân.

Để kiểm soát AIDS bền vững, các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng đánh giá các yếu tố liên quan để có kế hoạch triển khai hiệu quả. Các hoạt động can thiệp, dự phòng được triển khai trên quy mô toàn tỉnh. Các địa phương duy trì mạng lưới nhân viên tiếp cận cộng đồng với nhiệm vụ tiếp cận người nghiện ma túy, gái mại dâm, phát miễn phí kim tiêm, bao cao su và tư vấn, khám các bệnh lây truyền đường tình dục. Tăng cường hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại 5 cơ sở điều trị và duy trì điều trị cho 269 bệnh nhân, đạt 107,6% chỉ tiêu Chính phủ giao. Toàn tỉnh triển khai 29 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các cơ sở y tế và 1 phòng xét nghiệm khẳng định. Đẩy mạnh điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con; tỷ lệ bệnh nhân điều trị bằng thuốc ARV và chi phí phát sinh qua nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế đạt trên 98%...

Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, phòng, chống HIV/AIDS, ngành Y tế đã triển khai hiệu quả phần mềm HIV INFO 4.0. Thông qua phần mềm, cán bộ, nhân viên y tế có thể quản lý, rà soát, tạo cơ sở dữ liệu HIV tập trung; tăng cường kết nối, liên thông dữ liệu. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; 100% cơ sở điều trị ARV thực hiện quản lý trực tuyến, liên thông quản lý bệnh nhân Quốc gia cơ sở điều trị. Tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, các ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, tập huấn phòng, chống ma túy và HIV/AIDS. Thường niên, Sở Y tế triển khai phối hợp với Cục Y tế sức khỏe, huyện Malypho tỉnh Vân Nam và Cục Y tế sức khỏe Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hợp tác trao đổi thông tin trong phòng, chống bệnh dịch và HIV/AIDS tại khu vực biên giới.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và thực hiện Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh ban hành Kế hoạch số 76 về triển khai Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Tháng hành động được triển khai từ 10.11 – 10.12 với chủ đề: “Cộng đồng sáng tạo – Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”. Mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030, giảm tối đa tác động của HIV/AIDS đến sự phát triển KT – XH. Trong đó, huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm, phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS; cung cấp dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số...

Nỗ lực triển khai các giải pháp trong phòng, chống HIV/AIDS, toàn tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển đổi số trong quản lý, điều trị HIV; nâng cao chất lượng hoạt động can thiệp, dự phòng lây nhiễm trong cộng đồng…

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202311/quyet-tam-cham-dut-dai-dich-hivaids-ac96ccf/