Quyết tâm chính trị và mệnh lệnh từ trái tim (Kỳ 2)

Việc thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023 đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở, tinh thần đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân...

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện một số sở, ngành của tỉnh kiểm tra việc thực hiện Đề án xây dựng NTM trên địa bàn huyện Định Hóa (tháng 7-2023).

Trước đó, ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh (kể cả ở Định Hóa), Ban Chỉ đạo xây dựng NTM chỉ có “người của cấp huyện” tham gia. Tuy nhiên, với Định Hóa, khi thực hiện Đề án xây dựng huyện NTM vào năm 2023, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.

Trong đó, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực NTM là Trưởng Ban; Phó ban Thường trực là đồng chí Bí thư Huyện ủy Định Hóa; đồng chí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT là Phó ban; lãnh đạo 21 sở, ban, ngành của tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND huyện Định Hóa là ủy viên. Có thể nói đây là sự quan tâm đặc biệt, cũng như thể hiện quyết tâm của tỉnh để đưa Định Hóa hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch.

Có lẽ chưa khi nào các cán bộ, công chức, viên chức của huyện Định Hóa lại cùng lúc phải xử lý nhiều việc như trong 2 năm 2022-2023. Đồng chí Lê Quang Vĩnh, kế toán Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện, cho biết: Trong 2 năm, Ban làm chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư 165 công trình, dự án. Trong khi trước đó, mỗi năm, Ban chỉ có 40-50 công trình. Do số lượng cán bộ không tăng nên chúng tôi phải thường xuyên làm ngoài giờ và ngày nghỉ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy vất vả nhưng vì mục tiêu chung của huyện, chúng tôi không nề hà.

Tại các xã, thị trấn, để huy động các nguồn lực trong nhân dân vào quá trình xây dựng NTM một cách phù hợp, các địa phương cũng đã linh hoạt thực hiện các giải pháp theo tình hình thực tế. Đồng chí Ma Thanh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh cho hay: Do có nhiều công trình cần huy động đóng góp từ người dân, nên để giảm bớt gánh nặng cùng lúc, xã chỉ đạo các xóm chia làm nhiều đợt, nhà nào có điều kiện, có thể đóng một lần. Với cách làm như vậy, người dân rất đồng thuận và ủng hộ.

Chợ Quy Kỳ (Định Hóa) được đầu tư sửa chữa, cải tạo, đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân trong khu vực. Ảnh: T.L

Ngược trở lại năm 2022, đã giữa tháng 9 nhưng vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện việc tài trợ cho huyện Định Hóa theo cam kết. Do đó, trực tiếp đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với đại diện các đơn vị có liên quan để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp tháo gỡ. Tại đây, nhiều nội dung đã được thống nhất lại và các đơn vị cũng đã đưa ra lộ trình tài trợ cụ thể. Vì thế, việc triển khai sau đó đã trở nên rốt ráo, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Cũng từ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện nên bắt đầu từ tháng 10-2022, UBND tỉnh chính thức đưa vấn đề thực hiện Đề án NTM huyện Định Hóa là một trong những nội dung báo cáo tại Phiên họp thường kỳ hàng tháng. Hễ vướng ở đâu, mắc ở chỗ nào thì sở, ngành có liên quan phải có trách nhiệm giải trình và giải quyết. Chính vì thế, có không ít vấn đề trước đây không thể giải quyết thì nay cơ bản đều có cách tháo gỡ. Trường hợp của gia đình ông Ma Văn Hội, ở xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ, là một ví dụ.

Gia đình ông Hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngôi nhà mà gia đình ông đang ở nằm trên lưng núi và chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên để xóa được nhà dột nát cho gia đình ông, có 2 việc xã phải “xắn tay” giải quyết. Một là làm thủ tục chuyển đổi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông ở vị trí mới thuận lợi hơn. Hai là vận động thêm nguồn hỗ trợ ngoài số tiền 50 triệu đồng của nhà hảo tâm giúp đỡ.

Theo đó, đích thân đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Lam Vỹ đã cho cán bộ đến tận nhà để đưa ông Hội ra xã làm các thủ tục liên quan. Xã cũng đã trích 20 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo và vận động cán bộ, công chức xã ủng hộ được 10 triệu đồng. Đối với phần xây dựng, xã cũng đứng ra lo toàn bộ theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Bà con trong xóm hỗ trợ ngày công lao động để san gạt mặt bằng. Hội đồng ngũ địa phương cũng đã quyên góp mua 1 con bò giống tặng gia đình ông lấy vốn làm ăn.

Ông Ma Văn Hội không giấu được xúc động khi chia sẻ: Tôi biết ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và bà con nhiều lắm!

Đồng chí Trần Doãn Khánh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Định Hóa: "Việc thực hiện Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn NTM đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, người dân trên địa bàn. Mọi người đều rất phấn khởi trước những kết quả đã đạt được. Dù vậy, nhiều người vẫn mong muốn bên cạnh sự nỗ lực của địa phương thì các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ huyện nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí, để NTM thực sự giúp cuộc sống của người dân đổi mới".

Làm đường bê tông nông thôn ở xã Tân Dương (Định Hóa).

Theo ước tính, trong năm 2022 và 2023, huyện Định Hóa đã huy động được gần 1.288 tỷ đồng, bằng 43% so với tổng nguồn lực đã thực hiện trong cả giai đoạn 10 năm (2012-2021). Trong đó: Ngân sách Nhà nước trên 635 tỷ đồng; vốn vận động các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty và nhân dân đóng góp trên 402 tỷ đồng; nguồn vốn vay tín dụng 250 tỷ đồng.

Theo đó, hàng loạt công trình đã được triển khai xây dựng. Nổi bật là Nhà khám chữa bệnh (Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa) với quy mô 150 giường bệnh, có tổng mức đầu tư gần 55 tỷ đồng do Tập đoàn Sun Group tài trợ. Đây cũng là công trình “cán đích” đầu tiên được bàn giao, đưa vào sử dụng theo đúng cam kết.

Các đơn vị tài trợ khác như Tập đoàn Vingroup hỗ trợ 48 tỷ đồng để “xóa” 800 căn nhà dột nát cho bà con; Tổng Công ty Xi măng Việt Nam hỗ trợ 9.640 tấn xi măng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ triển khai dự án lưới điện 110KV. Ngoài ra, trên 70 tỷ đồng xây dựng các công trình trường, lớp học từ nguồn tài trợ của các ngân hàng như: Agribank, Vietinbank, BIDV, Techcombank, Vietcombank. Tập đoàn VNPT hỗ trợ xây dựng, triển khai Đề án nâng cấp, cải tạo phát triển về hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thái Hoài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group: "Việc hoàn thành công trình tài trợ là Nhà khám chữa bệnh (Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa) không chỉ thể hiện cam kết, trách nhiệm của chúng tôi với đồng chí Chủ tịch Quốc hội và địa phương, mà còn là tấm lòng của Tập đoàn tri ân vùng đất cách mạng - “Thủ đô kháng chiến” năm xưa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn".

Công trình Nhà khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa do Tập đoàn Sun Group tài trợ.

Bên cạnh đó, các xã Trung Lương, Bình Yên, Đồng Thịnh, Định Biên và một phần của xã Sơn Phú được đầu tư công trình cấp nước sinh hoạt tập trung thuộc Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu để hỗ trợ sản xuất cho đồng bào các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc, tỉnh Thái Nguyên” sử dụng vốn vay Nhật Bản...

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn tài trợ của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, thì việc huy động sức dân cũng là yếu tố quan trọng làm nên kết quả xây dựng NTM của Định Hóa hôm nay. Theo đó, người dân đã tham gia hiến gần 23ha đất để thực hiện các công trình hạ tầng nông thôn.

Có thể thấy, với sự chỉ đạo tâm huyết, sát sao của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền tỉnh, sự chung sức đầy trách nhiệm của các bộ, ban, ngành Trung ương và nhà tài trợ, đặc biệt là những nỗ lực bền bỉ của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, đến thời điểm này, quá trình xây dựng huyện NTM Định Hóa đã cơ bản hoàn thành. Không chỉ làm thay đổi rõ rệt diện mạo của huyện miền núi phía Tây Bắc của tỉnh, thành quả hôm nay còn giúp thay đổi cả tư duy, nhận thức của cán bộ và nhân dân, khơi dậy ý chí, quyết tâm để mở ra một thời kỳ mới trên vùng đất chiến khu xưa…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202311/quyet-tam-chinh-tri-va-menh-lenh-tu-trai-tim-ky-2-b151784/