Quyết tâm của ngành Nông nghiệp

Luật ATTP năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã giao 3 bộ chịu trách nhiệm quản lý về ATTP, bao gồm: Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT. Ngành Nông nghiệp Quảng Ninh quản lý 18 nhóm sản phẩm (nhiều gấp 3 lần so với ngành Y tế và 2 lần so với ngành Công Thương); trên 45.000 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao gây mất ATTP và rất khó trong công tác quản lý cũng như xử lý vi phạm.

Các sản phẩm tham gia OCOP sản xuất tại cơ sở 188 Green Farm Mạo Khê (TX Đông Triều) đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Các sản phẩm tham gia OCOP sản xuất tại cơ sở 188 Green Farm Mạo Khê (TX Đông Triều) đều được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Phát huy sức mạnh tổng hợp

Với phạm vi và số đơn vị quản lý lớn nhất trong 3 ngành, có thể nói sức ép và khối lượng công việc trong lĩnh vực ATTP của ngành Nông nghiệp là hết sức nặng nề. Do đó, việc phát huy tính chủ động của các địa phương và tăng cường công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể đã giúp ngành Nông nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai Kế hoạch số 72 ngày 20/3/2019 của UBND tỉnh về Hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019.

Sáng kiến nổi bật có thể kể đến là năm 2018, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kết quả chấm điểm xếp hạng các địa phương về công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản. Theo đó, việc đánh giá, xếp hạng các địa phương sẽ dựa trên 16 tiêu chí với tổng số 100 điểm, mỗi một tiêu chí có một số điểm nhất định. Căn cứ vào bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng, các địa phương tự tổ chức đánh giá, chấm điểm. Sau đó Sở NN&PTNT sẽ thành lập Hội đồng cấp tỉnh để thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kết quả xếp hạng.

Thanh long Uông Bí là một trong 14 vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Sau 2 năm triển khai, sáng kiến này đang mang lại những chuyển động rất tích cực từ phía các địa phương. Cụ thể, năm 2018, còn một số địa phương nằm trong nhóm triển khai chưa đạt yêu cầu thì năm 2019, tỷ lệ các địa phương nằm trong nhóm triển khai tốt và đạt yêu cầu đã cao hơn, không có địa phương chưa đạt.

Để đạt được kết quả này, công tác quản lý nhà nước ở các địa phương có chuyển biến từ hoạt động chỉ đạo cho đến xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, kiện toàn ban chỉ đạo, kiểm đếm nội dung tuyên truyền. Đặc biệt, năm 2019, việc ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn của các cơ sở nhỏ lẻ yêu cầu phải có sự xác nhận của chính quyền cấp xã, thay vì các cơ sở sản xuất chỉ ký cam kết và nộp về xã như năm 2018.

Mặc dù quy trình phức tạp hơn trước, số lượng các cơ sở nhỏ lẻ rất lớn (trên 45.000 cơ sở), thế nhưng tỷ lệ các cơ sở ký cam kết đạt khá cao, có địa phương đạt 100%. Sự vào cuộc của các địa phương còn thể hiện rõ ở công tác hậu kiểm khi đã có sự kiểm tra việc thực hiện cam kết của các cơ sở sản xuất.

Nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân, năm 2019, công tác phổ biến pháp luật, truyền thông về chất lượng ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp đã được các đơn vị đổi mới cả về nội dung và hình thức.

Theo đó, các đơn vị đã tổ chức 252 hội nghị, tập huấn, tập trung vào các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn. Đồng thời, nhiều sở, ngành đã triển khai cách làm mới, sáng tạo để đảm bảo mục tiêu của Kế hoạch hành động.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở NN&PTNT làm trưởng đoàn tiến hành lấy mẫu, kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ Ba Chẽ, ngày 8/1/2020.

Khắc phục những lỗ hổng

Những giải pháp đúng và trúng nói trên đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc đảm bảo ATTP của lĩnh vực nông nghiệp. Rõ nét nhất là trong 949 mẫu sản phẩm nông sản, mẫu vật tư nông nghiệp chỉ có 8 mẫu không đạt yêu cầu (chiếm 0,84% và giảm 4 mẫu so với năm 2018); 100% sản phẩm OCOP được dán tem QR truy xuất nguồn gốc; 31 cơ sở được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; từ 4 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn đã nhân rộng lên 14 chuỗi; 14 vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói, 9 doanh nghiệp sản xuất thủy sản được phía Trung Quốc cấp mã cho xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc...

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, việc đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Đó chính là dư lượng thuốc trừ sâu ở trong lĩnh vực trồng trọt và những vi sinh vật gây nhiễm khuẩn trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn cao, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP vẫn còn thấp so với các ngành khác, chất lượng của một số sản phẩm OCOP còn chưa đảm bảo theo đăng ký và cam kết... Do đó, trong năm 2020, ngành sẽ tập trung các giải pháp để khắc phục những tồn tại trên.

Được biết, trong Kế hoạch hành động đảm bảo ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2020, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh đưa chỉ tiêu đảm bảo ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, coi đây là một chỉ tiêu cần được ưu tiên thực hiện và kiểm điểm đánh giá định kỳ, gắn công tác đảm bảo ATTP nông, lâm, thủy sản là một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị thu hút đầu tư trong xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo các địa phương ít nhất phải có một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, từ đó tiến tới dẹp bỏ các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Đối với những sản phẩm OCOP không đạt chuẩn, Sở cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, giám sát chất lượng, phối hợp cùng với đơn vị liên quan để tiến hành thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động. Đối với tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, ngoài danh mục, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương quyết liệt và có giải pháp để chấn chỉnh kịp thời...

Hoàng Nga

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202001/trien-khai-ke-hoach-hanh-dong-dam-bao-attp-trong-linh-vuc-nong-nghiep-quyet-tam-cua-nganh-nong-nghiep-2468545/