Quyết tâm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống

LÊ HỒNG HẠNH - Phó Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội HĐND Thị xã Hồng Lĩnh, Hà TĩnhLần đầu tiên được tổ chức, Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu dân cử và cử tri ở mọi miền Tổ quốc. Đổi mới này thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong thực hiện quy trình đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống bài bản, toàn diện, đồng bộ, có sự thống nhất từ Trung ương, là tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện. Đông đảo đại biểu dân cử và cử tri kỳ vọng, những vướng mắc đã được thẳng thắn nhìn nhận, gắn trách nhiệm cụ thể sẽ sớm được tháo gỡ, góp phần kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồ Long

Theo cảm nhận chung của cử tri, Hội nghị được tổ chức chặt chẽ, bài bản, thu hút sự quan tâm từ nội dung các báo cáo do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình đến quy mô được trực tuyến tại 62 điểm cầu, truyền hình trực tiếp trên truyền hình; hàng loạt cơ quan báo chí truyền thông của Trung ương và địa phương đưa tin. Đúng như khẳng định trong phát biểu khai mạc của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Hội nghị hôm nay chính là thực hiện yêu cầu “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng là thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh Lê Văn Dũng, lần đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một Hội nghị toàn quốc triển khai các luật, nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã thông qua là đổi mới, thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong thực hiện quy trình đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống bài bản, toàn diện, đồng bộ, có sự thống nhất từ Trung ương, sẽ là tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện. Điều này tránh được tình trạng mỗi địa phương, đơn vị triển khai một kiểu; đồng thời, cũng thể hiện tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện pháp luật - khâu được đánh giá là “yếu” trong quy trình đưa pháp luật vào cuộc sống.

“Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày tại Hội nghị đã đánh giá đủ đầy, trọn vẹn bức tranh gắn kết giữa hai trụ cột chính xây dựng và thực hiện pháp luật, hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Đặc biệt, các vướng mắc trong quá trình thực thi, qua giám sát, báo cáo đã thẳng thắn nhìn nhận, điểm mặt chỉ tên cụ thể, có gắn trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Hội nghị đã bàn và đưa ra được các giải pháp sát thực để con đường luật, nghị quyết đi vào cuộc sống ngắn lại, rõ ràng, minh bạch như mục đích, ý nghĩa đã đề ra” - ông Lê Văn Dũng bày tỏ.

Bà Hà Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch HĐND phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chia sẻ: sau mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn phối hợp với Thường trực HĐND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các huyện, thành, thị trong tỉnh tổ chức cho ĐBQH TXCT để tuyên truyền, phổ biến luật, pháp lệnh. Tuy quy mô, số điểm chưa nhiều nhưng cử tri đánh giá ĐBQH đã thực hiện khá tốt trách nhiệm của mình trong phổ biến luật, nghị quyết, góp phần đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống. Tuy nhiên, do phạm vi rộng, số lượng điểm TXCT chưa nhiều nên để luật, nghị quyết được phổ biến tới các bậc cử tri, các tầng lớp Nhân dân rộng rãi là điều khó khăn. Theo dõi diễn biến Hội nghị qua các phương tiện thông tin đại chúng và kênh truyền hình hôm qua, 6.9, đa số đại biểu và cử tri đều nhận thấy rõ quyết tâm của Quốc hội trong việc đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống.

Theo nhiều cử tri, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một hội nghị toàn quốc để triển khai luật, nghị quyết là việc làm cần thiết và nên duy trì. Đây cũng chính là hội nghị điểm, tiền đề để Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND các địa phương triển khai tại các địa phương hoặc lồng ghép để triển khai quy mô của địa phương là cách làm hay. Bởi suy cho cùng, đối tượng trực tiếp, “cánh tay nối dài” để luật, nghị quyết đi vào cuộc sống chính là chính quyền trung gian, là cán bộ cơ sở. Nếu cử tri là cán bộ cơ sở tiếp thu được đầy đủ sẽ là “cánh tay nối dài” để luật, nghị quyết đi vào cuộc sống đồng bộ, bài bản, chính thống.

Kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, câu chuyện thi hành pháp luật một lần nữa được nhiều ĐBQH đặt ra trên bàn nghị sự với nhiều ý kiến chất vấn, tranh luận sôi nổi. Trong số đó là tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm chưa được khắc phục.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về một số giải pháp khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác xây dựng văn bản pháp luật, trong đó có các quy định bảo đảm tính kỷ luật hành chính trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về lâu dài, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong xây dựng pháp luật, cần quy định rõ nhiều vấn đề cụ thể trong luật, không nên dựa vào việc xây dựng văn bản giải thích, hướng dẫn.

Nội dung này lại một lần nữa được nêu bật tại Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV. ““Tính đến ngày 23.8.2023, đối với các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ Tư vẫn còn 11/50 văn bản (22%) thuộc trách nhiệm quy định chi tiết của Chính phủ, các Bộ chưa được ban hành, trong đó một số văn bản đã chậm từ 8 tháng đến 1,5 năm. Chính phủ vẫn đang “nợ” 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã có hiệu lực pháp luật; đồng thời, đối với 2 luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2024 (Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Khám bệnh, chữa bệnh), phải ban hành 39 văn bản quy định chi tiết nhưng đến nay chưa có văn bản nào được ban hành” - Đây thực sự là những con số biết nói, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra, cử tri chúng tôi mong muốn sau Hội nghị này, các giải pháp đưa ra sẽ thực sự kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết”.Bà Nguyễn Thị Hoan - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Đức Thọ kỳ vọng.

“Cùng với giải pháp Bộ trưởng Bộ Tư pháp đưa ra tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai thi hành luật, Nghị quyết Khóa XV là một giải pháp đột phá, thể hiện quyết tâm đồng hành, hành động cùng Chính phủ và các ngành đưa luật, nghị quyết đi vào cuộc sống. Hội nghị cũng đánh giá tình hình thực hiện luật, nghị quyết được Quốc hội Khóa XV thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Cử tri chúng tôi rất kỳ vọng những khó khăn, vướng mắc trong triển khai, thi hành luật, nghị quyết thời gian qua sẽ được tháo gỡ, bảo đảm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” - cử tri Trịnh Thị Lục, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An chia sẻ.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/quyet-tam-dua-luat-nghi-quyet-vao-cuoc-song-i342212/