Quyết tâm loại bỏ vũ khí Mỹ, Iran tự sản xuất vận tải cơ khổng lồ

Mặc dù chịu nhiều cấm vận và khó khăn, nhưng ngành công nghiệp quốc phòng Iran vẫn chứng tỏ được trình độ của mình khi tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới.

Máy bay cánh quạt Simorgh của Công ty Sản xuất Máy bay Iran (HESA) đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 31/5 vừa qua, chiếc máy bay này dự kiến sẽ thay thế cho những chiếc máy bay vận tải C-130 mua từ Mỹ trong thế kỉ trước, hiện C-130 vẫn đang là phương tiện vận chuyển chính của Không quân Iran.

Iran từng là khách hàng quan trọng của máy bay quân sự Mỹ trong những năm 1970, nhưng kể từ khi nổ ra cuộc cách mạng Hồi giáo, nước này đã bắt đầu loại bỏ dần các khung máy bay của Mỹ và thay vào đó họ chọn mua các loại máy bay của Nga.

Chuyến bay đầu tiên của vận tải cơ Iran

Chuyến bay đầu tiên của Simorgh diễn ra tại thành phố Isfahan và được giám sát bởi Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Iran Mohammad Bagheri. Simorgh được đặt tên theo một loài chim cổ đại trong thần thoại Ba Tư, chiếc máy bay này được giới thiệu lần đầu tiên vào giữa năm 2022.

Theo các báo cáo, Simorgh được đánh giá là chiếc máy bay vận tải hiệu quả bởi sự linh hoạt, trọng lượng nhẹ và sức chứa hàng hóa lớn cũng như khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của Iran.

Máy bay C-130 của Iran.

Được phát triển trong khoảng sáu năm, Simorgh là phiên bản chuyển thể của An-140, là một dòng máy bay vận tải sử dụng động cơ cánh quạt chở khách do Antonov thiết kế vào cuối những năm 1990.

An-140 là một trong những loại máy bay vận tải được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và phục vụ không chỉ với lực lượng không quân mà còn với hải quân và quân đội của nhiều quốc gia, một số phiên bản của dòng máy bay này gần như không có khả năng chiến đấu trên không.

HESA đã có giấy phép sản xuất động cơ phản lực cánh quạt và cho ra mắt phiên bản IrAn-140 trong nước với 15 chiếc được chế tạo. Tuy nhiên, chiếc Simorgh đã được sửa đổi để chiếc máy bay này có các tính năng dành cho mục đích quân sự, chẳng hạn như cửa chở hàng phía sau có đường dốc để vận chuyển các thiết bị quân sự và hàng hóa.

Máy bay được Iran thiết kế lại, sử dụng động cơ phản lực cánh quạt Klimov TV3-117 nhập khẩu từ Nga. Theo HESA, Simorgh có tải trọng 6 tấn và tầm bay khoảng 900 km (khi đầy tải).

Chuẩn tướng Mohammadreza Ashtiani trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn Iran Meher, Simorgh có đặc điểm “nhẹ, khả năng vận chuyển cao, bán kính hoạt động phù hợp, tương thích với điều kiện khí hậu của đất nước, khả năng hạ cánh và cất cánh trên đường băng ngắn, cũng như cũng như sự nhanh nhẹn và tốc độ trong việc cung cấp các dịch vụ khẩn cấp, bao gồm cả dịch vụ cứu thương trên không”.

HESA không nêu chi tiết ước tính số lượng máy bay sẽ được sản xuất hoặc các đơn đặt hàng có thể có từ quân đội Iran.

Máy bay vận tải Simorgh.

Sự phát triển của ngành công nghiệp hàng không Iran

Sự phát triển của Simorgh diễn ra sau khi Liên hợp quốc dỡ bỏ các lệnh cấm buôn bán vũ khí cuối cùng đối với Iran năm 2015. Điều này đã mở đường cho vũ khí của Iran cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Sự phát triển của máy bay Simorgh dựa trên nhiều thành tựu quan trọng trong ngành hàng không quân sự của Iran, bao gồm sự thành công của chương trình máy bay chiến đấu hạng nhẹ Kowsar được đưa vào sản xuất hàng loạt từ cuối năm 2018 để thay thế máy bay phản lực F-5 từng mua từ Mỹ. Bên cạnh đó là sự hiệu quả của các dòng máy bay không người lái Iran được lực lượng Nga sử dụng tại chiến trường Ukraine.

Một số chuyên gia còn chỉ ra thành công lớn nhất của ngành công nghiệp hàng không quân sự Iran, là sự phát triển của máy bay không người lái tàng hình với độ bền cao (loại máy bay này chỉ có Mỹ và Trung Quốc chế tạo), nó cung cấp khả năng tấn công và trinh sát mạnh mẽ.

Máy bay chiến đấu Kowsar.

Mặc dù không được thử nghiệm chiến đấu ở Ukraine, nhưng những chiếc máy bay này đã chứng tỏ khả năng hoạt động trong các chuyến bay do thám trên lãnh thổ Israel, theo các báo cáo của Israel loại máy bay này khó bị phát hiện và có khả năng sống sót cao.

Là một tài sản phi chiến đấu, Simorgh cũng có thể dễ dàng xuất khẩu hơn các loại thiết bị quân sự khác, bất chấp các mối đe dọa trừng phạt từ Washington theo Đạo luật Chống kẻ thù của Mỹ để nhắm vào các khách hàng tiềm năng muốn mua vũ khí của Iran, vì có thể lập luận rằng máy bay Simorgh không phải là phương tiện gây sát thương.

Simorgh cũng có thể được sử dụng cho mục đích dân sự ở chính Iran cũng như ở nước ngoài, giống như C-130 đã có hơn mười quốc gia khai thác cho mục đích dân sự. Vẫn chưa rõ máy bay sẽ được sản xuất ở quy mô nào, mức độ cạnh tranh của nó về chi phí vận hành so với các đối thủ nước ngoài ra sao và liệu nó có được phép phục vụ ngoài Lực lượng Không quân Iran hay không.

Tuy nhiên sự xuất hiện của Simorgh đã cho thấy sức mạnh của nền công nghiệp quốc phòng Iran, mặc dù chịu nhiều cấm vận và khó khăn nhưng họ vẫn có thể làm nên những điều bất ngờ.

Theo VTC News

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/quyet-tam-loai-bo-vu-khi-my-iran-tu-san-xuat-van-tai-co-khong-lo/20230612102528778