Quyết thu phí không dừng để chặn nạn tiền lẻ

Tổng Cục trưởng Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Huyện khẳng định, tới hết năm 2019, tất cả các trạm thu giá sử dụng đường bộ (trước đây là phí) sẽ thu tự động, không dừng. Đây là giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí xã hội và ngăn chặn việc sử dụng tiền lẻ gây rối tại các trạm này.

Chủ xe thử độ bám dính của thẻ thu phí không dừng dán trên đèn xe. Ảnh: PT.

Thêm tài khoản giao thông

Sáng 16/3, Tổng cục Đường bộ tổ chức hội nghị triển khai thu giá sử dụng đường bộ tự động không dừng tới các hiệp hội, doanh nghiệp vận tải. Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Chính phủ đề ra lộ trình: Hết năm 2018, tất cả trạm thu giá sử dụng đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ thu phí không dừng; Hết năm 2019, áp dụng cho tất cả các trạm thu còn lại. Tuy nhiên, tới nay cả nước mới có khoảng 500.000 ô tô dán thẻ thu tự động không dừng, trên tổng số ô tô cả nước hơn 2,8 triệu xe.

“Đây là hình thức thu mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có đơn vị cản trở, chống đối, nên tới nay triển khai vẫn chậm. Hiện việc dán thẻ thu giá sử dụng đường bộ tự động chưa bắt buộc, nhưng phải có giải pháp để trong năm nay tất cả các ô tô đều dán thẻ”, ông Huyện nói.

Ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho rằng, việc thu giá đường bộ tự động sẽ loại bỏ tình trạng tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm BTO để gây rối như thời gian qua. Ngoài ra, thu tự động cũng giúp tiết kiệm chi phí về in ấn vé, nhân viên thu, thời gian xe qua trạm...

Hiện duy nhất Cty TNHH Thu phí tự động VETC được Bộ GTVT cấp phép triển khai cung cấp thiết bị và thực hiện thu giá sử dụng đường bộ. Mỗi xe được dán một thẻ trên kính lái hoặc kính đèn pha trước. “Mỗi xe chỉ được dùng một tài khoản để thanh toán giá sử dụng đường bộ, gọi là tài khoản giao thông, nhưng một tài khoản có thể sử dụng trả cho nhiều xe”, ông Toàn nói. Theo ông Toàn, thẻ thu tự động dán lần đầu sẽ được miễn phí, các lần dán lại chủ xe sẽ mất phí 120.000 đồng/lần.

Tuy vậy, ông Toàn thừa nhận, hiện tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng của chủ sở hữu ô tô chưa thể kết nối với nhau, do khác nhau về tốc độ xử lý. Do đó, mỗi chủ xe phải nộp một khoản tiền trước vào tài khoản giao thông để trừ dần cho các lần sử dụng đường bộ. Người dân có thể nộp tiền bằng hình thức chuyển khoản ngân hàng, nộp tiền qua điểm thu, qua điện thoại, ví điện tử... Trước mắt, nếu tài khoản giao thông không đủ số tiền chi trả cho lần sử dụng đường bộ, lái xe phải dừng lại trạm để trả tiền mặt. Nhưng giai đoạn 2019-2020, Bộ GTVT sẽ có giải pháp để ghi nợ và thu hồi nợ trong 10 ngày sau.

Đại diện Tổng cục Đường bộ cũng lưu ý, hiện có một số ô tô dán thêm kính chống nắng, loại kính này có phủ lớp kim loại, nên gây cản trở quá trình truyền tín hiệu. Vì vậy, với những xe này sẽ dán ở kính đèn pha trước, do dán phía ngoài nên phải lưu ý khi đi bảo dưỡng, hay rửa xe để không bị hư hỏng.

Còn nhiều vướng mắc

Là một lái xe, ông Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Nội) đặt vấn đề, do tài khoản giao thông và tài khoản ngân hàng chưa tích hợp, dẫn tới chủ xe muốn sử dụng thu phí không dừng phải nộp trước 1 khoản tiền vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi, như thế chưa sử dụng dịch vụ đã phải nộp tiền. “Với gần 3 triệu xe, số tiền nộp trước sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, số tiền đó ai hưởng lợi?”, ông Thắng đặt nghi vấn.

Đại diện một số doanh nghiệp vận tải phía Bắc cũng đặt vấn đề: Bộ GTVT khuyến khích chủ xe dán thẻ thu phí không dừng, nhưng lại không có chính sách ưu đãi về giá; Doanh nghiệp có nhiều đầu xe, đặc biệt là xe tải, xe khách sẽ phải nộp số tiền rất lớn vào tài khoản trước, nhưng không được tính lãi suất…Vậy khi tài khoản giao thông chưa liên thông tài khoản ngân hàng, khách hàng chuyển khoản phải mất phí, phí này ai chịu? Nếu chủ xe bán xe sẽ xử lý thẻ thu phí ra sao?...
Giải đáp các khúc mắc trên, ông Tô Nam Toàn cho hay, hiện không phải không kết nối được tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông, vấn đề là còn vướng về kỹ thuật nên chưa kết nối. Trường hợp sang nhượng xe, theo đại diện Tổng cục Đường bộ, chủ xe cũ phải chủ động báo về nhà cung cấp để chuyển đổi tài khoản, nếu không số tiền trong tài khoản của chủ cũ sẽ bị trừ khi chủ mới sử dụng xe. Tuy vậy, vấn đề trả lãi với số dư tài khoản, phí chuyển tiền, ông Toàn vẫn chưa đưa ra giải đáp.

Về xử lý số dư trong tài khoản chủ xe trong trường hợp công ty cung cấp dịch vụ (Cty VETC) phá sản, Tổng Cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện khẳng định, tài khoản chủ xe vẫn được đảm bảo để trả lại. “Chúng tôi đã và đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước để sớm có giải pháp kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản giao thông”, ông Huyện nói.

Theo ông Huyện, trong năm nay sẽ phải dán xong thẻ thu tự động cho 1,3 triệu ô tô còn lại, không còn điểm lùi nữa. “Nếu tới hạn, trạm thu BOT nào chưa lắp đặt hệ thống thu giá sử dụng đường bộ không dừng sẽ phải dừng thu, khi nào lắp đặt xong mới được thu tiếp”, ông Huyện nói. Theo vị lãnh đạo này, toàn bộ dữ liệu về số lượng xe qua trạm thu BOT, số tiền thu được... ngoài lưu trữ tại công ty cung cấp dịch vụ, chủ đầu tư đường BOT còn được chuyển về Tổng cục Đường bộ, và ngân hàng để giám sát.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/quyet-thu-phi-khong-dung-de-chan-nan-tien-le-1251155.tpo