Quýt hồng Lai Vung - Bài 1: Thăng trầm cây quýt hồng Lai Vung

Ông Võ Hoàng Cương, Bí thư huyện ủy Lai Vung cho biết: 'Thời hoàng kim của cây quýt hồng toàn huyện có khoảng 1.000ha. Tuy nhiên, hiện nay toàn huyện có khoảng 250ha, trong đó có hơn 200ha quýt hồng đang cho trái'.

Cũng theo ông Võ Hoàng Cương, quýt hồng là trái cây có múi đặc sản trồng chủ yếu tại huyện Lai Vung, Đồng Tháp. Loại trái này là một trong những đặc sản trái cây nổi tiếng ở khu vực ĐBSCL. Do đặc điểm thổ nhưỡng, quýt hồng có trái to hơn quýt đường, có vị ngon, ngọt và màu sắc rất đẹp. Với những đặc điểm này, quýt hồng ngày nay trở nên nổi tiếng khắp toàn quốc và được xuất khẩu sang một số quốc gia.

Hiện tại, quýt hồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, công nhận và cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền. Ngoài giá trị là trái cây chứa nhiều dinh dưỡng, quýt hồng còn có nhiều giá trị về mặt du lịch, văn hóa, kinh tế - thương mại.

Thời hoàng kim, cây quýt hồng - đặc sản trứ danh của đất Lai Vung được trồng với diện tích trên 1.000ha. Mỗi năm, 1 ha quýt hồng đang cho trái nhà vườn có thể lãi 500 triệu đồng. Tuy nhiên, có nhiều lý do từ lũ lụt, về cách chăm bón, về kỹ thuật canh tác, do bệnh cây có múi… mà hiện nay diện tích trồng quýt hồng giảm nhiều so với thời hoàng kim.

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lai Vung cho biết, theo những người có kinh nghiệm về trồng quýt hồng, cây này có mặt tại Lai Vung khoảng 50 năm trước, có thể đây là một giống cây ngoại nhập. Nếu trồng bằng hạt, cây mất 3-4 năm mới có trái, do đó nhiều nhà vườn đã chọn cách trồng chiết nhánh, thời gian cho trái giảm còn phân nửa. Tuy nhiên, cây trồng từ nhánh chiết có trái không bền. Quýt hồng mỗi năm thu hoạch vào tháng 1 và rộ nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Là một người gắn bó với cây quýt hồng, ông Huỳnh Văn Tồn cho rằng, trong qua trình phát triển, cây quýt hồng có nhiều giai đoạn thăng trầm. Thời hoàng kim, Lai Vung có hơn 1.000ha quýt hồng nhưng nay diện tích giảm đến 3/4 và huyện Lai Vung cũng như tỉnh Đồng Tháp có kế hoạch vực dậy cây quýt hồng.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn, có nhiều nguyên nhân làm cho diện tích cây quýt hồng giảm xuống rất nhanh. Cụ thể do các đợt ngập lũ lẫn hiện tượng héo xanh, vàng lá thối rễ do hai chủng nấm gây ra, cộng với tình trạng nông dân lạm dụng thuốc hóa học, chú trọng năng suất nên qua thời gian đất bạc màu, sức sống cây giảm, khiến quýt hồng giảm diện tích. Hiện nay huyện Lai Vung còn khoảng 250ha, trong đó diện tích quýt hồng đang cho trái khoảng hơn 200ha. Nhờ áp dụng các biện canh tác hữu cơ và hướng hữu cơ, diện tích quýt trên địa bàn đã tăng trở lại.

Cây quýt hồng cũng mang các loại bệnh của cây có múi - Ảnh: BTN

Anh Trần Thanh Phong, một chủ vườn quýt hồng ở xã Long Hậu - Lai Vung cho biết: "Tôi trồng 7 công quýt hồng (1 công = 1.000m2) theo kiểu hướng hữu cơ. Rút kinh nghiệm những vườn quýt hồng bị vàng lá, thối rễ do bị ngập úng, sử dụng nhiều phân bón hóa học. Tôi nuôi dê dễ lấy phân bón cho cây quýt hồng. Chính vì những cải tiến như vậy nên năm 2022 mỗi công quýt hồng của tôi trừ chi phí lời hơn 100 triệu đồng".

Ông Nguyễn Văn Ðồng, một nông dân trồng quýt hồng ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung, kiến nghị: "Các cấp chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần nghiên cứu, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng quy trình trồng quýt theo hướng hữu cơ… Từ đó, giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Làm sao để nông dân trồng quýt hồng chủ động phòng, tránh các loại dịch bệnh trên quýt như bệnh vàng lá thối rễ, chết xanh, đốm trái… để quýt hồng phát triển sản xuất bền vững".

Huyện Lai Vung đang có kế hoạch vực dậy cây quýt hồng - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Lai Vungcho biết, thời gian qua, việc bảo tồn và phát triển cây quýt hồng tại địa phương đã mang lại những kết quả rất tích cực. Một số vườn cây bệnh nặng bị đốn bỏ, nay đã được trồng lại và cây sinh trưởng tốt. Các giá trị mang lại từ cây quýt hồng chưa được khai thác đúng mức, sản phẩm chế biến còn hạn chế, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng… Năm 2023, huyện mong muốn thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác giữa nông dân với doanh nghiệp và các bên liên quan để cùng nhau chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để phát triển bền vững và gia tăng giá trị cho cây quýt hồng.

PGS.TS Nhan Minh Trí, Giảng viên Trường đại học Cần Thơ nhận định: "Để cây quýt hồng tỉnh Ðồng Tháp giữ vững thương hiệu, vị thế trong thời kỳ kinh tế hội nhập, cần có những định hướng, chiến lược lâu dài trong việc quy hoạch, tổ chức sản xuất cho nông dân. Định hướng phát triển cây trồng theo hướng hữu cơ, tránh những bệnh xảy ra trong quá khứ. Nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm để hỗ trợ đầu ra, từng bước xây dựng thị trường tiêu thụ quýt ổn định và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh Đồng Tháp và Lai Vung phải quan tâm công nghệ sau thu hoạch và chế biến các sản phẩm từ quýt hồng. Mở rộng và đa dạng thị trường trong và ngoài nước giúp cây quýt hồng phát triển bền vững".

Văn Kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/quyt-hong-lai-vung-bai-1-thang-tram-cay-quyt-hong-lai-vung-197592.html