Quýt Phú Thượng mất mùa, nông dân thất thu

Xã Phú Thượng (Võ Nhai) hiện có trên 15ha quýt đặc sản, tập trung ở một số xóm: Đồng Mới, Na Phài, Mỏ Gà, Phượng Hoàng… Vụ thu hoạch năm nay, toàn bộ diện tích trồng quýt trên địa bàn xã mất mùa nghiêm trọng, sản lượng ước tính chỉ đạt khoảng 25% so với năm trước.

Năm nay, sản lượng quýt ở xã Phú Thượng (Võ Nhai) chỉ đạt khoảng 25% so với năm trước. Trong ảnh: Anh Lê Văn Hảo, ở xóm Đồng Mới, thu hái quýt chín đầu mùa tại khu vực lân Sen.

Phải mất tới gần 2 giờ đồng hồ đi bộ ngược núi, chúng tôi mới đến được lân Sen - một thung lũng nhỏ rộng chừng hơn 2ha trồng quýt đặc sản trên đỉnh núi Phượng Hoàng, xã Phú Thượng. Anh Lê Văn Hảo, 54 tuổi, dân tộc Tày, là 1 trong 3 người trồng quýt ở lân Sen đưa chúng tôi đi “khám phá” vùng đất này. Ở đây, gia đình anh có chừng 1ha trồng 400 cây quýt, hai hộ còn lại chia nhau phần đất còn lại với khoảng 300 gốc mỗi hộ.

Thời điểm này, cây quýt ở lân Sen chuẩn bị cho thu hoạch, khoảng 40% quả đã ngả vàng, một lượng nhỏ quả đạt độ chín tiêu chuẩn có hình tròn dẹt, màu vàng tươi, sáng bóng, tép vàng, vị ngọt đậm kèm chua nhẹ. Đáng tiếc là cây quýt năm nay mất mùa nghiêm trọng, mỗi cây quýt chỉ cho trung bình khoảng 15kg quả thay vì 60kg như năm trước. Anh Hảo chia sẻ: Với giá bán dự kiến từ 10-12 nghìn đồng/kg, toàn bộ vườn quýt chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng tiền lãi trong khi năm 2019, tôi thu về khoảng 150 triệu đồng tiền lãi. Cùng trồng quýt ở lân Sen, anh Lê Văn Cát, 57 tuổi, có 300 gốc quýt năm nay cũng chỉ cho thu hoạch chừng 4,5 tấn quả. Anh cho biết: Sau khi trừ chi phí, diện tích quýt còn đem về cho tôi khoảng 20 triệu đồng trong khi năm 2019, tôi thu về khoảng 100 triệu đồng.

Tình trạng quýt mất mùa xảy ra trên toàn bộ diện tích trồng quýt của xã Phú Thượng. Ước tính, sản lượng quýt toàn xã năm nay chỉ đạt khoảng 90 tấn quả trong khi năm 2019, toàn xã thu hoạch đạt hơn 300 tấn. Theo kinh nghiệm của các hộ trồng quýt ở Phú Thượng, thường thì sau một năm được mùa, sản lượng quýt mùa sau sẽ sụt giảm khoảng 30%. Tuy nhiên, năm nay sản lượng quýt sụt giảm tới 75% khiến bà con không khỏi lo lắng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lương Trung Thành, Trưởng xóm Đồng Mới cho biết: Chúng tôi thấy rằng tình trạng quýt mất mùa nghiêm trọng là rất bất thường và cần phải đánh giá nguyên nhân cụ thể để từ đó rút kinh nghiệm cho những vụ sau.

Được biết, năm 1993, anh Lê Văn Hảo là người đầu tiên đem giống quýt đặc sản Bắc Sơn (Lạng Sơn) về trồng tại xã Phú Thượng. Quả quýt thu từ vườn cây của anh Hảo không chỉ đẹp, ngon mà chứa nhiều hàm lượng đường và vi-ta-min nên được thị trường đánh giá cao, tiêu thụ rất thuận lợi.

Nhờ cây quýt, anh Hảo thoát nghèo, dựng được nhà mới và vươn lên thành hộ khá. Thấy hiệu quả, hàng chục hộ dân trong xã Phú Thượng đem quýt về trồng ở các lân trên núi Phượng Hoàng. Cao điểm vào những năm 2014-2015, toàn xã Phú Thượng có hơn 30 hộ trồng quýt với trên 20ha quýt tại các lân thuộc khu vực các xóm Đồng Mới, Na Phài, Mỏ Gà, Phượng Hoàng… Nhiều hộ dân thu lợi từ quýt, thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá như các hộ ông: Lê Văn Cát, La Văn Hoàng, Chu Văn Đăng, Trần Văn Phú, Trần Văn Ba…

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Nhằm xây dựng nông thôn mới ở Phú Thượng, xã chú trọng mở rộng diện tích cây ăn quả, khuyến khích người dân tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Nhãn, quýt, ổi, na... trên những diện tích đất vườn, đồi. Chính vì vậy, diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn đã tăng từ 22ha (năm 2011) lên hơn 140ha như hiện nay và cơ bản phát huy tốt hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình phát triển, nhiều hộ dân chưa nắm vững kỹ thuật nên có những thất bại nhất định. Riêng hiện tượng cây quýt mất mùa trong năm nay, chúng tôi sẽ kết nối với chuyên gia để đánh giá nguyên nhân đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ trồng quýt để nâng cao kỹ thuật, tránh các tác động không tốt tới năng suất, sản lượng cây trồng trong những vụ sau.

Hoàng Hà

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/quyt-phu-thuong-mat-mua-nong-dan-that-thu-276696-108.html