Ra lệnh công ty Mỹ rời Trung Quốc, TT Trump không chỉ dọa suông

Nhà lãnh đạo Mỹ vừa yêu cầu các công ty nước này lập tức tìm phương án chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Giới chuyên gia đánh giá Tổng thống Trump không chỉ dọa suông.

Trong đợt trút giận gần nhất trên Twitter, Tổng thống Donald Trump chiều tối 23/8 chỉ đạo các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc.

"Chúng ta không cần Trung Quốc, và nói thật là sẽ tốt hơn nhiều nếu không có họ", ông Trump viết. "Các công ty Mỹ tuyệt vời được ra lệnh ngay lập tức tìm phương án khác thay Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa công ty VỀ NƯỚC và sản xuất hàng hóa ở Mỹ".

Theo Washington Post, hàng loạt ngành nghề tại Mỹ loay hoay tìm cách giải mã sắc lệnh lạ thường của ông Trump. Họ không biết yêu cầu trên mạng nghiêm túc đến mức nào và Nhà Trắng sẽ thực thi thông báo đó ra sao.

Các công ty từ bán lẻ, hàng điện tử đến đồ gia dụng đã lập tức liên hệ với những hiệp hội ngành nghề có liên quan để xin tư vấn, đồng thời chờ những thông báo với nội dung rõ ràng hơn từ Nhà Trắng.

Chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang bất chấp các nỗ lực nối lại đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung ở Osaka, Nhật. Ảnh: Getty.

Chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang bất chấp các nỗ lực nối lại đàm phán tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung ở Osaka, Nhật. Ảnh: Getty.

Tranh cãi về chỉ đạo qua mạng xã hội

“Tôi đang cố giữ bình tĩnh, không lo lắng hay buồn phiền nhiều. Dù vậy, đúng là tình hình đang quá khó khăn”, Magi Raible, nhà sáng lập hãng vali LiteGear Bags, trụ sở ở California, chia sẻ.

Raible dự kiến có cuộc họp với một doanh nhân làm cùng lĩnh vực trong tuần sau. Họ sẽ thảo luận việc chuyển thêm hoạt động sản xuất chế tạo từ Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc Nam Phi.

“Tôi không biết mình có thể làm nhanh hơn nữa không và tình hình đang khẩn cấp đến mức nào”, Raible chia sẻ.

Theo chuyên gia luật và thương mại Jennifer Hillman tại đại học Georgetown, Tổng thống Trump về lý thuyết không có quyền “ra lệnh” cho các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc.

Đạo luật Các quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế cho phép ông Trump ngăn các hoạt động chuyển tiền sang Trung Quốc, nhưng chỉ với điều kiện ông trước đó đưa ra tuyên bố hợp pháp rằng có tồn tại tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Ngay cả khi ông Trump có động thái như trên, Hạ viện Mỹ vẫn có quyền hủy tuyên bố của ông Trump nếu cảm thấy nó không phù hợp.

“Bên cạnh đó, dù tất cả những kịch bản trên xảy ra, ông Trump cũng không có quyền lực tác động lên toàn bộ những đầu tư đã có tại Trung Quốc từ trước”, bà Hillman nhận định.

Một số chuyên gia thương mại lại cho rằng Tổng thống Trump có nhiều công cụ mạnh khác trong tay, đủ sức buộc các công ty Mỹ phải chia tay Trung Quốc.

Trong số đó là phương án tiếp tục nâng hàng rào thuế quan đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ tăng mức thuế đang áp dụng lẫn dự kiến lên thêm 5%.

Nhà Trắng cũng có thể trừng phạt các công ty không nghe lời bằng cách loại họ khỏi danh sách đấu thầu liên bang.

“Những dòng tweet đó không hoàn toàn là dọa suông”, Derek Scissors, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, chia sẻ.

Trong buổi vận động cử tri ngày 15/8 ở New Hampshire, ông Trump đe dọa sẽ trả đũa nhanh chóng nếu Trung Quốc áp thuế lên hàng hóa Mỹ. Ảnh: AFP.

Không dễ chia tay với Trung Quốc

Màn đe dọa trên Twitter của ông Trump diễn ra sau khi Trung Quốc công bố áp thuế bổ sung lên 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Theo William Reinsch, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Chiến lược và Nguyên cứu Quốc tế (CSIS), thông điệp vừa qua của tổng thống Mỹ chỉ là cách công khai những gì ông đã và đang nói riêng với các công ty Mỹ suốt hai năm qua.

“Thực tế là nhiều công ty đã nghĩ đến việc ra đi. Giá lao động tại Trung Quốc đang tăng, chính quyền gây áp lực, còn các công ty liên tục bị phân biệt đối xử vì họ đến từ Mỹ”, Reinsch nói.

Một số nhà sản xuất hàng may mặc và đồ điện tử đã bắt đầu chuyển cơ sở khỏi Trung Quốc. Quá trình này được thúc đẩy sau khi Mỹ gia tăng hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, không nhiều công ty chọn đưa việc làm trở về quê nhà. Họ chọn chuyển cơ sở sang những nước có giá thành sản xuất thấp hơn trong khu vực.

“Các công ty cũng muốn tìm kiếm những phương án thay thế, nhưng điều đó không thể xảy ra một sớm một chiều”, Jonathan Gold, Phó chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia, cho biết.

“Khi họ tìm thấy phương án khác, phần lớn hoạt động chế tạo sản xuất đó cũng không quay về Mỹ. Chúng ta đều đồng ý rằng Trung Quốc không chơi đẹp, nhưng các bên cần sớm quay trở lại bàn đàm phán và hoàn tất một thỏa thuận thương mại sớm”. Gold nói việc tìm kiếm địa điểm sản xuất với chất lượng và giá thành tương tự Trung Quốc là việc rất khó khăn cho nhiều ngành nghề.

Một số chuyên gia cho rằng những dòng tweet của ông Trump thật ra nhắm vào Apple và các công ty công nghệ, vốn sản xuất phần lớn mặt hàng tại Trung Quốc. Theo chuyên gia Dan Ives tại hãng tư vấn tài chính Wedbush Securities, mệnh lệnh của Tổng thống Trump là “mũi tên bắn sượt ngang cây cung của Apple” và ngành chế tạo thiết bị bán dẫn.

CEO Apple Tim Cook là một trong những người có quan hệ tốt nhất với Tổng thống Trump trong nhóm CEO các gã khổng lồ công nghệ của Mỹ, thường xuyên gặp nhà lãnh đạo để thảo luận về chính sách thương mại. Ông còn có chân trong Ủy ban Cố vấn Chính sách Nhân lực, chủ trì bởi Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và con gái tổng thống Ivanka Trump.

Ông Trump hồi đầu tuần còn dành những lời có cánh cho Tim Cook trước truyền thông. “Những người khác phải thuê chuyên viên tư vấn đắt đỏ, Tim Cook chỉ cần gọi trực tiếp cho Donald Trump”, tổng thống Mỹ cho biết.

Trong nhiều thập niên qua, Apple đã gắn kết sâu với cơ sở hạ tầng Trung Quốc tới mức việc chia tách và đảo ngược quá trình này trở nên vô cùng khó khăn. Trong kịch bản tối ưu, Apple có thể mất đến 5 năm chỉ để dời 1/2 hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Sự trỗi dậy của Apple từ một công ty máy tính rồi bước vào hàng ngũ những công ty trị giá cao nhất thế giới phần lớn nhờ vào mối quan hệ hợp tác với Foxconn, công ty Đài Loan có cơ sở sản xuất chế tạo đặt tại Trung Quốc.

Apple có thể là bên đưa ra ý tưởng độc đáo, nhưng chính nhà sáng lập Foxconn Terry Gou mới là người biến các ý tưởng đó thành hiện thực. Bắt đầu từ những năm đầu 2000, Apple thông qua Foxconn đã tận dụng được sức mạnh sản xuất chế tạo của Trung Quốc để làm những thiết bị công nghệ hiện đại với chi phí thấp và lợi nhuận cao.

Apple cũng từng thử nghiệm lắp ráp sản phẩm bên ngoài Trung Quốc. Công ty cho chế tạo máy tính bàn ở Mỹ và nghiên cứu đưa hoạt động sản xuất đến Ấn Độ hoặc Đông Nam Á.

Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Đây cũng là thị trường quan trọng của iPhone. Chỉ trong quý I, Apple mang về 9,19 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi toàn khu vực châu Mỹ là 25 tỷ USD.

Sự trỗi dậy của Apple phụ thuộc rất lớn vào Foxconn và dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Muốn về Mỹ cũng khó

Nhiều mặt ngành hàng khác cũng phụ thuộc vào Trung Quốc. Delta Children, hãng đồ nội thất dành cho trẻ em, sản xuất 80% hàng hóa tại Trung Quốc. Chủ tịch Joe Shamie của công ty đã tìm cách chuyển sản xuất đến nhiều nước khác những tháng qua nhưng mọi nhà máy đã quá tải đơn đặt hàng.

Ông cũng cân nhắc sản xuất nệm tại Mỹ, nhưng phải tốn gần 1 triệu USD mua máy móc từ Trung Quốc. Bài toán thêm khó khi mặt hàng này nằm trong diện bị Tổng thống Trump ra lệnh áp thuế 25%.

“Tôi đang cố hết sức, còn họ thì muốn đánh thuế những máy móc tôi cần để mang sản xuất về Mỹ. Thật quá thông minh. Đúng là thảm họa”, Shamie mỉa mai.

Colombia Sportswear thông báo đã bắt đầu chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc gần 15 năm trước, khi các phương án với chi phí thấp hơn xuất hiện ở châu Á và châu Phi. Hoạt động sản xuất của công ty được phân tán ra 19 quốc gia, nhưng vẫn có 10% hàng hóa làm ở Trung Quốc.

“Trung Quốc không còn là nơi chi phí rẻ nhất thế giới, nhưng những mặt hàng chúng tôi làm tại Trung Quốc có tính chuyên môn rất cao và không thể di chuyển dễ dàng”, Timothy Boyle, Giám đốc điều hành của công ty, cho biết.

Bản thân ông Trump và tập đoàn của mình từ lâu cũng hưởng lợi từ dây chuyền sản xuất đặt bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là tại Trung Quốc. Tại cửa hàng bán lẻ phía sau khách sạn của Tập đoàn Trump tại Washington DC, nón golf và tách cà phê du lịch với tên của vị tổng thống vẫn gắn mác làm từ Trung Quốc và được bày bán bình thường.

Người phát ngôn của tập đoàn, Amanda Miller, từ chối bình luận liệu công ty có dừng bán hàng Trung Quốc hay chấm dứt sản xuất hàng hóa tại nước này theo chỉ đạo của ông Trump.

Ông Trump vẫn nắm quyền sở hữu tập đoàn và giao cho hai người con trai Donald Trump Jr. cùng Eric Trump điều hành. Giữa cơn bão chỉ trích, tập đoàn bắt đầu đưa ra nhiều mặt hàng dán nhãn “Sản xuất tại Mỹ” hơn. Trang bán lẻ TrumpStore cũng có mục riêng dành cho hàng hóa sản xuất tại Mỹ,

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump cũng từng bị gặng hỏi về việc tập đoàn nhập khẩu hàng nước ngoài.

Ông chỉ trả lời qua loa: “Chúng ta được phép làm điều đó. Tuy nhiên, chỉ có tôi là người biết cách để thay đổi điều này”.

Trong một loạt tweet viết chiều 23/8, ông Trump nói thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc hiện hành sẽ tăng lên 30% kể từ 1/10. Mức thuế dự kiến 10% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc khác sẽ tăng lên 15%.

Thanh Danh

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ra-lenh-cong-ty-my-roi-trung-quoc-tt-trump-khong-chi-doa-suong-post982179.html