Ra mắt điểm vui chơi an toàn, thân thiện, bình đẳng cho trẻ em tại Hà Nội

Sáng nay (21/5), Tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị (TRAMOC), Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh và tổ chức Viện trợ Ánh sáng LIGHT tổ chức Lễ ra mắt điểm vui chơi an toàn, thân thiện và bình đẳng tại trường THCS Kim Chung, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Công trình nằm trong khuôn khổ dự án “Thành phố An toàn và Thân thiện với trẻ em gái”, nhằm mục tiêu xây dựng một môi trường sinh hoạt an toàn và lành mạnh cho các em tại cộng đồng.

Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội, trong đó có Việt Nam. Các em gái sống trong các khu vực đô thị thường đối mặt với những nguy cơ không an toàn, đặc biệt và vấn đề quấy rối, xâm hại tình dục trên đường phố, chợ, sân chơi công cộng, các ngõ tối, trên phương tiện giao thông công cộng và khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng .

Theo kết quả khảo sát của Plan International Việt Nam thực hiện vào tháng 6 năm 2013 cho thấy 31% trong số 1.128 các em gái được hỏi đã từng bị quấy rối tình dục khi đi xe buýt và chỉ có 13% em gái và 8% em trai cho rằng các em gái luôn luôn cảm thấy an toàn nơi công cộng. Thực tế này có ảnh hưởng lớn đến cách thức phụ nữ và trẻ em gái tiếp cận và nhìn nhận không gian công cộng, vi phạm quyền và sự tự do của họ; làm giảm đi các cơ hội đi lại, học tập, làm việc và thụ hưởng cuộc sống của phụ nữ và em gái; cản trở việc tiếp cận tới các dịch vụ văn hóa và giải trí; ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của họ và làm giảm khả năng duy trì các hoạt động kinh tế và xã hội của các thành phố và quốc gia .

Từ năm 2014, tổ chức Plan International Việt Nam bắt đầu hợp tác với UBND huyện Đông Anh triển khai dự án Thành phố An toàn và Thân thiện với trẻ em gái. Các hoạt động của dự án hướng tới mục tiêu tăng cường an toàn cho trẻ em gái ở nơi công cộng và khi di chuyển bằng phương tiện công cộng thông, tập trung và các hoạt động nâng cao nhận thức của các cơ quan ban nghành địa phương về sự an toàn của em gái, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho các em trai, em gái, cha mẹ và thầy về ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới tại nơi công cộng, đặc biệt, dự án đã thí điểm xây dựng cộng đồng an toàn tại hai xã Kim Chung, Hải Bối và đang hỗ trợ nhân rộng hoạt động trên toàn địa bàn huyện.

Tổ chức Plan International đã cùng với chính quyền địa phương, trường học, tổ chức hoạt động tham vấn với các em trai, em gái, sử dụng bộ công cụ “Trải nghiệm đi bộ an toàn” để đánh giá các điểm công cộng thông qua 7 tiêu chí (1) Thấy và được thấy; (2) Nghe và được lắng nghe; (3) Có khả năng thoát hiểm và tìm kiếm sự giúp đỡ; (4) Sống trong một môi trường trong sạch và thân thiện; (5) Biết mình đang ở đâu và đi đâu; (6) Làm việc cùng nhau; và (7) Sự thân thiện.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 130 em trai và em gái tham gia vào hoạt động trải nhiệm đi bộ an toàn tại 9 xã và 3 trường học trên địa bàn huyện Đông Anh. Sau hoạt động đi bộ này, các em đã cùng nhau tổng hợp và tổ chức các buổi đối thoại với người lớn và các cơ quan ban ngành cấp xã và huyện để chia sẻ về vấn đề an toàn của em gái ở nơi công cộng, cũng như chủ động đưa ra các kiến nghị, đề xuất để làm cho các không gian công cộng thực sự an toàn hơn cho các em.

Dựa trên các khuyến nghị đó, Tổ chức Plan International Việt Nam đã phối hợp cùng với UBND huyện Đông Anh, các phòng ban của huyện và UBND các xã, Ban giám hiệu các nhà trường thực hiện:

Cải tạo ba hầm chui dân sinh tại xã Kim Chung với hệ thống đèn chiếu sáng 24/24h, trang trí tường bằng các bức tranh do chính các em trai em gái vẽ về chủ đề bình đẳng giới và thành phố an toàn cho trẻ em gái.

Cải tạo một sân trống trong khu dân cư Thăng Long, xã Hải Bối thành một địa điểm công cộng an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của khoảng 500 trẻ em trong thôn, đặc biệt là con của những phụ nữ nhập cư, đang lao động tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Thiết lập 02 sân chơi An toàn, thân thiện và bình đẳng tại 2 trường THPT Bắc Thăng Long (khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 18/5/2018) và tại trường THCS Kim Chung (khánh thành và đưa vào sử dụng ngày 21/5/2018); tạo cơ hội cho 1900 học sinh nam, nữ đang theo học tại 2 trường có một không gian vui chơi, nghỉ ngơi giữa các giờ học cũng như tăng cường sự đoàn kết, tự tin cho các em, đặc biệt là các em gái tham gia vui chơi ở nơi công cộng.

Trong tháng 6/2018, Tổ chức Plan International Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với Ủy ban nhân dân huyện Đông Anh và 7 xã Xuân Canh, Thụy Lâm, Đông Hội, Nguyên Khê, Cổ Loa, Kim Nỗ và Bắc Hồng thành lập thêm 07 địa điểm công cộng an toàn cho trẻ em và người dân, dự kiến sẽ tạo cơ hôi chọ khoảng gần 4500 em trai, em gái có được các địa điểm vui chơi an toàn, bình đẳng và thân thiện trong dịp hè này. Hoạt động xây dựng các điểm công cộng an toàn là sự trao quyền cho các em gái, nâng cao năng lực, tạo điều kiện và thu hút sự tham gia của các em vào các chương trình, hoạt động, kế hoạch liên quan đến chính các em. Hoạt động này cũng củng cố cam kết của Tổ chức Plan International Việt Nam trong việc tạo cơ hội và tăng cường sự tham gia của các em gái và người dân địa phương vào việc giải quyết các vấn đề an toàn của các em ở nơi công cộng.

Sự kiện Lễ ra mắt điểm vui chơi An toàn, thân thiện và bình đẳng ngày hôm nay tại trường THCS Kim Chung là kết quả của sự cam kết của nhà trường, của thầy cô, của cha mẹ, của các cơ quan ban ngành Huyện và xã trong việc đáp ứng Quyền được vui chơi an toàn, lành mạnh cho trẻ em, đặc biệt, giúp các em, đặc biệt là trẻ em gái được tự do di chuyển, tự do vui chơi, tự do tham gia vào các hoạt động cộng đồng mà không phải lo lắng về vấn đề an toàn của mình. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục phối hợp với UBND huyện Đông Anh và các xã, các thôn, cùng người dân, trẻ em trai và trẻ em gái trên địa bàn huyện để tiếp tục các nỗ lực nhằm xây dựng các cộng đồng, các điểm công cộng an toàn hơn cho trẻ em gái, và từ đó sẽ an toàn hơn cho tất cả mọi người.

MINH CHÂU

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/ra-mat-diem-vui-choi-an-toan-than-thien-binh-dang-cho-tre-em-tai-ha-noi-d74233.html