Ra mắt hai tập thơ 'Cùng nhau nhân từ' và 'Thức cùng tưởng tượng'

Chiều 7/9/2019, tại Trụ sở Hội Nhà văn Hà Nội, 19 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã diễn ra buổi ra mắt hai tập thơ 'Cùng nhau nhân từ' của Khúc Hồng Thiện và 'Thức cùng tưởng tượng' của Nguyễn Thị Kim Nhung.

Từ trái qua, nhà thơ Đặng Thiên Sơn (dẫn chương trình), nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung, nhà thơ Khúc Hồng Thiện, nhà phê bình Nguyễn Phượng.

Từ trái qua, nhà thơ Đặng Thiên Sơn (dẫn chương trình), nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung, nhà thơ Khúc Hồng Thiện, nhà phê bình Nguyễn Phượng.

Đến dự buổi ra mắt sách có nhà phê bình Văn Giá, nhà phê bình Nguyễn Phượng, nhà thơ Trần Quang Quý, nhà thơ Trương Đăng Dung, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, nhà văn Ngô Tự Lập, nhà thơ Lê Tiến Vượng, nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhà phê bình Mai Anh Tuấn... Nhà thơ Đặng Thiên Sơn dẫn chương trình.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.

Khúc Hồng Thiện và Nguyễn Thị Kim Nhung từng là sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du, nhà phê bình Văn Giá, nhà phê bình Nguyễn Phượng, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Trương Đăng Dung là thầy của họ, nên buổi ra mắt sách thu hút được nhiều sinh viên của ngôi trường này, cũng như được coi là “Buổi trả bài công khai của trường Viết văn Nguyễn Du".

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm.

Nhà thơ Khúc Hồng Thiện lý giải về tên tập thơ “Cùng nhau nhân từ”: Trong bối cảnh đời sống có nhiều nỗi niềm, bản thân là người làm báo thấy có những góc khuất không chia sẻ được bằng báo chí nên thể hiện bằng thơ, cái tên “Cùng nhau nhân từ” ra đời từ nỗi niềm đó. Khúc Hồng Thiện cũng nói rằng, tác phẩm khi đã in ra thì đã nằm ngoài tầm kiểm soát của tác giả.

Nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung cho rằng, thơ là thứ bên trong sâu thẳm của con người, là câu chuyện của cá nhân, nói lên nỗi niềm của cá nhân. Tuy nhiên, Nhung lại không thấy rằng, nỗi niềm cá nhân đó không thể giấu kín khi nó được nói thành lời.

Nhà phê bình Văn Giá (ngoài cùng bên phải).

Trước khi đánh giá về hai tập thơ, nhà phê bình Văn Giá giải thích, tuy là thầy và từng giảng dạy hai học trò, nhưng giờ đây họ là những tác giả độc lập, nên ông sẽ nói với tư cách của người phê bình văn học, không phải trả bài như trước đây:

“Tôi đã đọc nhiều bài trong tập “Thức cùng tưởng tượng” rải rác 5 năm qua, hồi Nhung còn là sinh viên. Thơ Nhung có vẻ đẹp bỡ ngỡ. Đây là tập thơ sẽ tạo đà cho thơ Nhung cất cánh sau này.

Thơ lục bát của Khúc Hồng Thiện nghĩ lại cái nghĩ của người xưa, suy tư lại những cái cũ. Có sự tinh nghịch, chơi giỡn, chứ không nghiêm trang, chìm đắm vào ca dao như tập “Chênh chao tích chèo”. Lục bát của Thiện tinh tỉnh chứ không phải tưng tửng. Thơ tự do so với lục bát thì không bằng. Người đọc có quyền hy vọng ở Thiện sau này.

Nhung đi theo chất hơn lượng. Tự ý thức, kỷ luật tốt. Thơ Nhung có hai nguồn mạch chính là vùng trung du và tiếng nói bên trong của người nữ. Thơ Nhung hướng đến sự tinh mỹ, nó là cái Đẹp tinh diệu, tinh lặng. Câu kết hầu hết trong các bài thơ đủ mạnh để tạo ra bất ngờ”

Còn nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đánh giá: Thơ Thiện có 2 mạch chính: Tình đời và thế sự; tình ái và riêng tư. Chỉn chu, chừng mực.

Nguyễn Thanh Tâm cũng khơi gợi: Nhà thơ phải luôn kháng cự lại cái cũ, cái đã trở thành cổ điển. Nguyễn Thanh Tâm đặt ra vấn đề có nên viết hay lại những cái cũ mà cha ông đã làm được, như Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy... Nhưng nếu làm thì tôi cho đó là hỏng. Về thơ Nguyễn Thị Kim Nhung, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm đã có bài viết đăng tải trên báo trước đó: "Tưởng tượng cùng Kim Nhung".

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khuyên hai học trò: Thiện và Nhung có giọng thơ đặc biệt và hãy là chính mình. Không cần phá phách. Thiện hướng ngoại, Nhung thì hướng nội.

Nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa đánh giá: "Nhung có khả năng liên tưởng và suy tưởng rất mạnh. Nhung là người cầu toàn từng từ, câu. Thơ Nhung vừa thực vừa siêu thực. Thơ lục bát của Thiện cật vấn, đối thoại lại với những cái cũ, không thỏa thuận với cái cũ.

Ngô Tự Lập cho rằng, Nhung chọn cuộc sống để đưa vào thơ, và đó là sự khôn ngoan, vì cuộc sống giàu có và bất ngờ hơn.

Nhà phê bình Nguyễn Phượng nói: Phải đào sâu chính mình, mình không biết mình là ai, nhưng người khác sẽ biết. Thơ nghiêm túc quá thì chán phèo. Nhà phê bình Nguyễn Phượng đánh giá thơ Nguyễn Thị Kim Nhung đi theo dòng thơ suy tưởng.

Nhà thơ Trần Quang Quý: Các bạn hãy cứ là mình. Như tôi, tôi không bao giờ đi theo ai cả.

Một số hình ảnh khác:

Ảnh: Face Kim Nhung.

Vũ Gia Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ra-mat-hai-tap-tho-%E2%80%9Ccung-nhau-nhan-tu%E2%80%9D-va-%E2%80%9Cthuc-cung-tuong-tuong%E2%80%9D-71653