Ra mắt sách 'American pilots in Viet Nam'

Ngày 12-7, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Nhà xuất bản Thế giới và Nhóm cựu chiến binh 'Trái tim Người lính' tổ chức buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử 'American Pilots in Vietnam' ('Phi công Mỹ ở Việt Nam' - phiên bản tiếng Anh) và công bố Cuộc vận động sưu tầm và hiến tặng các kỷ vật, di vật và tư liệu liên quan đến các cựu binh Mỹ và Việt Nam.

Tham dự chương trình có các nhân chứng tiêu biểu: Một số Tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang đã trực tiếp chiến đấu với lính bộ binh Mỹ trên chiến trường, cựu Trại trưởng, cựu Quản giáo Tù binh Mỹ tại Hỏa Lò, một số cựu Phi công MIG 21 đã trực tiếp không chiến với Phi công Mỹ trên bầu trời miền bắc; một số cựu cán bộ Ngoại giao…

Khởi thủy mối quan hệ Việt - Mỹ

Mối quan hệ Việt - Mỹ đã được thiết lập từ khi Việt Minh cứu hộ thành công trung úy William Shaw - phi công Mỹ lái máy bay B-25 bị quân Nhật bắn rơi tại Cao Bằng (tháng 11-1944). Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trực tiếp đưa Trung úy William Shaw từ Pắc Bó (Việt Nam) tới Côn Minh (Trung Quốc) trao trả viên phi công cho phía Mỹ. Tại Côn Minh, với tư cách là đại điện của tổ chức Việt Minh, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, hội đàm với Tướng không quân Claire Lee Chennault (1893 - 1958) - Tư lệnh Không đoàn 14 (Mỹ), đại diện cao nhất của quân Đồng minh tại khu vực.

Hai bên đã thỏa thuận: Phía Việt Minh sẽ tăng cường phối hợp các hoạt động chống Nhật, cung cấp những thông tin tình báo và khí tượng cho Không quân Mỹ hoạt động trên chiến trường miền bắc Đông Dương..., phía quân Đồng Minh sẽ đưa các chuyên gia sang giúp đỡ Việt Minh huấn luyện quân sự cùng với trang bị vũ khí, điện đài và các thiết bị khác. Tướng Chennault đã tặng Lãnh tụ Hồ Chí Minh tấm ảnh chân dung của mình với dòng chữ ghi đằng sau: "Bạn chân thành của tôi".

Ngày 16-7-1945, một đơn vị đặc nhiệm mang bí danh “Con Nai” (The Deer Team) thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược OSS, đã nhảy dù xuống Tân Trào. Nhóm “Con Nai” đã tích cực huấn luyện quân sự cho lực lượng của Việt Minh, tổ chức tiếp tế một số vũ khí hạng nhẹ, hàng quân sự cho Việt Minh. “Đại đội Việt - Mỹ” khoảng 200 người được thành lập do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy, thiếu tá A. Thomas làm cố vấn. Đó là lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.Trước khi trở về nước, những thành viên của nhóm “Con Nai” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi gắm sứ mệnh đặc biệt: Chuyển giúp thư của Người đến Chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Truman công nhận độc lập và giúp đỡ cách mạng Việt Nam. Nhưng tiếc là lịch sử đã đi theo hướng khác…

Nỗ lực hàn gắn những vết thương

Năm 1973, Việt Nam đã trao trả cho phía Hoa Kỳ toàn bộ số tù binh. Sau tháng 4-1975, với truyền thống nhân đạo, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tích cực hợp tác với phía Hoa Kỳ tổ chức các cuộc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Theo thông tin được Đại sứ quán Hoa Kỳ đưa ra trong thông báo ngày 25-6-2019: Kể từ năm 1985 tới nay, Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam cùng Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA) đã tìm được 727 bộ hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam. Chính phủ Mỹ và một số tổ chức nhân đạo cũng đã tích cực hỗ trợ Việt Nam xử lý vấn đề ô nhiễm bom mìn và chất độc hóa học.

“Phi công Mỹ ở Việt Nam” (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2013) là cuốn sách được tác giả Đặng Vương Hưng sưu tầm tư liệu và thực hiện trong 16 năm (1997 - 2013). Bản tiếng Việt được xuất bản lần đầu năm 2010. Năm 2013, cuốn sách được chỉnh sửa, bổ sung thêm tư liệu để in chính thức và đã được tái bản nhiều lần.

Phiên bản tiếng Anh “American Pilots in Vietnam” (rút gọn) của “Phi công Mỹ ở Việt Nam” được chuyển ngữ và được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản với mong muốn góp phần giải mã lịch sử, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp trong quan hệ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Cuốn sách ra mắt đúng dịp kỷ niệm 75 năm lịch sử quan hệ Việt - Mỹ, 24 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Vận động sưu tầm hiến tặng kỷ vật, di vật và tư liệu liên quan đến các cựu binh Mỹ và Việt Nam

Tại lễ ra mắt cuốn sách (tiếng Anh) “American Pilots in Vietnam”, theo sự khởi xướng đề xuất của nhà văn Đặng Vương Hưng, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam và Nhóm “Trái tim người lính” cùng phối hợp phát động cuộc vận động sưu tầm và hiến tặng kỷ vật, di vật và tư liệu liên quan đến những cựu binh Mỹ và Việt Nam với ý tưởng chung tay làm lành những vết thương chiến tranh, vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người vẫn còn mang chịu nỗi đau chiến tranh giữa thời bình.

Các kỷ vật, di vật và tư liệu sau khi được hiến tặng sẽ được Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) hỗ trợ bảo quản trong điều kiện tiêu chuẩn. Đồng thời, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III sẽ phối hợp với các cơ quan, cá nhân liên quan tìm kiếm và kết nối thông tin để trao trả lại kỷ vật của những người lính Việt Nam hiện đang được lưu trữ tại Mỹ và trao trả kỷ vật của những người lính Mỹ hiện đang lưu trữ tại Việt Nam.

VƯƠNG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/40844202-ra-mat-sach-%E2%80%9Camerican-pilots-in-viet-nam%E2%80%9D.html