Ra mắt Trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản

Sáng 8-5, tại Hà Nội, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức lễ ra mắt Trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản; xuất bản Chuyên trang điện tử Tài chính nông thôn (Etime.danviet.vn) nhân 35 năm Ngày thành lập Báo Nông thôn Ngày nay (7-5-1984 - 7-5-2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba (lần 2).

Diễn tập phòng, chống cháy rừng tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.Ảnh: VĂN SỰ

Trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản có địa chỉ tại 13 Thụy Khuê, Tây Hồ (Hà Nội) được thành lập nhằm xây dựng chuỗi gian hàng giới thiệu sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền tại địa chỉ trên và tại trang Web điện tử Chợ nông sản Dân Việt; tổ chức gói dịch vụ kết nối hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; tổ chức các sự kiện, tạo diễn đàn mở, tạo môi trường gặp gỡ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách với nông dân; trực tiếp kết nối và bán sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Chuyên trang tài chính nông nghiệp (Etime.danviet.vn) ra đời nhằm đưa tới bạn đọc, nhà đầu tư, doanh nghiệp, nông dân những thông tin thiết thực, nhanh, chính xác về tình hình kinh tế, tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp, hoạt động đầu tư, chính sách nông nghiệp, thị trường xuất khẩu… trong nước và thế giới.

* Nắng gay gắt và khô hanh đang diễn ra trên diện rộng, nguy cơ cháy rừng rất cao. Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có chỉ thị chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp PCCCR. Theo đó, UBND xã, thị trấn, chủ rừng tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện sớm cháy rừng và huy động lực lượng dập tắt khi đám cháy phát sinh.

* UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành phương án tổ chức, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra trên địa bàn, thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”, duy trì chế độ trực 24 giờ trong ngày suốt thời gian cao điểm nắng nóng. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, nếu không triển khai thực hiện, thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy rừng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật.

* UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 2398/UBND-KTN yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1258/UBND-KTN nhằm tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác PCCCR; chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND cấp xã bố trí lực lượng ứng trực suốt 24 giờ, xử lý kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.

* Ngày 8-5, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai (PCTT) năm 2019. Tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát, xây dựng phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất; theo dõi sát thời tiết để kịp thời thông báo cho các cơ quan và người dân chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra...

* Hai ngày qua, mưa to, dông lốc tại Lào Cai và Thừa Thiên - Huế đã gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Lào Cai, tại xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng đã xảy ra mưa kèm theo dông, lốc làm sáu nhà bị tốc mái, hư hỏng; hai héc-ta ngô, hoa màu bị thiệt hại, 90 cây ăn quả bị gãy đổ. Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, mưa lớn kèm theo dông lốc ở TP Huế và các huyện Phú Lộc, Phong Điền, Hương Thủy, Hương Trà đã làm bốn nhà bị tốc mái và một số cây xanh bị gãy.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vừa xuất hiện tại hộ gia đình ông Nguyễn Đức Thuận ở khu phố 5, phường 3, TP Đông Hà, làm 28 con lợn chết. UBND thành phố Đông Hà đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chủ hộ chăn nuôi tiêu hủy số lợn nhiễm dịch nêu trên.

* Ngày 8-5, Sở NN và PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức họp với các ngành và địa phương để có phương án hữu hiệu ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi. Sở đã yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi…

Chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp

Ngày 8-5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tổ chức công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Hiệp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT bắt đầu hoạt động. Khi đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với giấy phép. EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU… Hiệp định VPA/FLEGT chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2019.

PV

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40123302-ra-mat-trung-tam-ket-noi-tieu-thu-nong-san.html