Ra mắt Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam

Lễ ra mắt Trung tâm tri thức về kinh tế tuần hoàn và hội thảo về kinh tế tuần hoàn được tổ chức trong hai ngày 2-3/12, tại Hà Nội.

PGS Huỳnh Đăng Chính phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm tri thức về kinh tế tuần hoàn.

PGS Huỳnh Đăng Chính phát biểu tại lễ ra mắt Trung tâm tri thức về kinh tế tuần hoàn.

Những đòi hỏi cấp thiết từ môi trường

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ của dự án “Trung tâm tri thức về kinh tế tuần hoàn: Thúc đẩy nghiên cứu đa ngành, nâng cao năng lực và khả năng lãnh đạo”. Theo PGS Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dự án này là sáng kiến hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (thuộc ĐH Đà Nẵng) và ĐH Aston (Vương quốc Anh).

Mục tiêu của dự án là xây dựng Trung tâm tri thức về kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam (đặt tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), nhằm tăng cường quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, các trường ĐH và viện nghiên cứu trong nước và quốc tế. Đây sẽ là tiền đề để các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, và phát triển năng lực thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tăng trưởng và công nghiệp hóa nhanh đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn về quản lý chất thải và xử lý ô nhiễm.

Theo số liệu từ Bộ Tài nguyên và môi trường năm 2018, Việt Nam chỉ xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa. Theo ước tính, chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi 5.64% GDP của năm 2019. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát triển kinh tế của đất nước.

"Hiện tại Việt Nam vẫn đang sử dụng mô hình kinh tế truyền thống, ưu tiên khai thác tài nguyên, sản xuất và tiêu dùng mà xem nhẹ việc xử lý lượng phế thải khổng lồ phát sinh. Để hướng tới một nền kinh tế bền vững, các chuyên gia khuyến nghị cần chuyển đổi hướng tiếp cận sang mô hình “kinh tế tuần hoàn”, được vận hành theo chu trình khép kín, hướng tới giảm thiểu và tái sử dụng tài nguyên. Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm lượng rác thải, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người" - PGS Huỳnh Đăng Chính chia sẻ.

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội).

Trang bị kỹ năng và kiến thức

Một trong những rào cản cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là sự thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm của lực lượng lao động về kinh tế tuần hoàn, dẫn tới thiếu các chiến lược và hành động cần thiết để từng bước áp dụng mô hình kinh tế này vào Việt Nam.

Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội), cho rằng, Trung tâm tri thức đầu tiên về kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp (tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ) của Việt Nam; giúp họ nâng cao khả năng áp dụng, chuyển đổi mô hình kinh tế này cho phù hợp với điều kiện thực tế thông qua tái thiết kế quy trình kinh doanh, chuyển đổi tổ chức, đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu...

Trung tâm tri thức cũng sẽ là nơi kết nối, tạo cầu nối cho việc trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan Chính phủ trong áp dụng kinh tế tuần hoàn. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể từng bước nâng cao năng lực, xây dựng chiến lược phát triển (hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường) và khả năng lãnh đạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong thị trường trong nước và quốc tế.

Những kết quả đạt được của dự án và Trung tâm tri thức về Kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng sẽ gián tiếp đóng góp các sáng kiến và các công cụ hữu ích cho chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và cho các chiến lược của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu phục hồi kinh tế và đảm bảo tăng trưởng bền vững.

"Kinh tế tuần hoàn là khái niệm về một hệ thống kinh tế hoạt động dựa trên nguyên tắc thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” của vật liệu/sản phẩm bằng việc thu hồi, tái chế, tái sử dụng chúng làm nguyên liệu thứ cấp trong các quá trình sản xuất/phân phối và tiêu dùng. Như vậy, khác với mô hình kinh tế tuyến tính (chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất, tiêu dùng; không quan tâm nhiều đến việc thải bỏ ra môi trường), kinh tế tuần hoàn chú trọng vào việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhờ đó kéo dài tuổi thọ của nguyên vật liệu/sản phẩm, tránh tạo ra chất thải nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững".

PGS.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ra-mat-trung-tam-tri-thuc-ve-kinh-te-tuan-hoan-dau-tien-tai-viet-nam-5QWUKa0Gg.html