Ra mắt trường ca 'Từ hai phía mặt trời' của nhà thơ Trúc Phương

Ngày 18/8/2023, tại trụ sở Liên hiệp Các hội Văn học - Nghệ thuật TPHCM, Hội Nhà văn TPHCM phối hợp cùng nhà văn Trúc Phương tổ chức buổi tọa đàm và ra mắt tập trường ca 'Từ hai phía mặt trời' dày hơn ngàn trang.

Đến dự buổi ra mắt, về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: nhà thơ Phan Hoàng, UVBCH Hội Nhà văn VN, Giám đốc Website Vanvn.vn.

Về phía Hội Nhà văn TPHCM có sự tham dự của: nhà văn Bích Ngân, UVBTV Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM; nhà văn Bùi Anh Tấn và Nhà văn Trầm Hương - Phó chủ tịch Hội cùng các UVBCH...

Các đại biểu tặng hoa chúc mừng nhà văn Trúc Phương trong buổi tọa đàm và ra mắt tập trường ca "Từ hai phía mặt trời"

Trường ca được viết khi nhà văn Trúc Phương đã ngoài 70 tuổi và đang mang trọng bệnh. Trường ca được tác giả chú thích là “sử thi trái đất và loài người”. Cho nên hai phía của mặt trời cũng chia đôi sự chiếu rọi: bóng tối và ánh sáng, thực sử và huyền sử, hành trình tiền nhân và tâm trạng hậu thế. Tác phẩm thông qua những triều đại, những thần thoại, những học thuyết, những câu chuyện để lý giải sự thịnh suy của thế giới chúng ta đang sinh tồn.

Phát biểu mở màn cho buổi ra mắt, nhà văn Bích Ngân nhận định: “Đọc trường ca “Từ hai phía mặt trời” là hành trình khám phá cả hai yếu tố tự sự và trữ tình được tác giả gửi gắm tâm huyết một cách chân thành: “Những vạ gió tai bay cứ kéo đến lộng hành/ Trái Đất vẫn nhân từ chịu đựng/ Mất anh em xa, mong gặp láng giềng gần”.

Trường ca “Từ hai phía mặt trời” đề cập sự hình thành của thế giới chúng ta đang sống. Từ phương Tây đến phương Đông, từ các vùng đất Ai Cập, Babylon, Ba Tư, Hy Lạp, Ấn Độ đến các triều đại Xuân Thu, Chiến Quốc của Trung Quốc; từ những câu chuyện nhuốm màu thần thoại Apollo, Achilles, Hercules, Tất Đạt Đa... đến những mối tình bi thương của Đắc Kỷ - Trụ Vương, Bao Tự - Chu Vương, Tây Thi – Phạm Lãi.…

Thu nạp một lượng kiến thức cổ kim vào trường ca “Từ hai phía mặt trời”, nhưng giá trị cốt lõi mà tác giả nương tựa để cắt nghĩa sự tồn tại của nhân loại, chính là “Lấy ý chí làm Người để vượt qua thảm họa”. Cho nên, những sự kiện, những dữ liệu, những nhân vật trong trường ca “Từ hai phía mặt trời” vẫn lưu lại bằng những cảm xúc mềm mại…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại buổi ra mắt

Trường ca “Từ hai phía mặt trời” là một nỗ lực lớn lao của nhà văn Trúc Phương với bút danh Nhất Phương. Khao khát viết nên “sử thi trái đất và loài người” của tác giả, thực sự không nhằm phô diễn hiểu biết cá nhân, mà mong muốn cảnh tỉnh “Trái Đất dày thêm nỗi đau bên những nấm mồ/ Sấm sét cuộc thành những dòng bia khắc” nếu con người không biết nghĩ về nhau, không biết trân trọng nhau”.

Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông mang đến buổi ra mắt với nhiều cảm xúc bằng sự nhiệt tình, sự ủng hộ, sự sẻ chia và những nhận định, đánh giá cao về tập trường ca này của nhà văn Trúc Phương: “Để viết được một trường ca về sử thi loài người với khối lượng con chữ đồ sộ lên đến mấy nghìn trang thì nó như một bức tường thành và để làm được điều đó, ngoài sức viết mạnh mẽ, nhà thơ phải thấu hiểu về chính trị, về lịch sử, về văn hóa, về triết học, về nghệ thuật và những thăng trầm của nhân loại.

“Trường ca “Từ hai phía mặt trời” hứa hẹn sẽ lập kỷ lục về thể loại trường ca của Việt Nam, vì tập 1 đã có dung lượng 1100 trang. Dài hơn trường thiên thơ và lịch sử “Một người thơ tên gọi” của Nguyễn Thế Kỷ với 12.668 câu thơ lục bát và dài hơn cả trường ca “Mẹ, đất nước và lưu dân” mà nhà văn Trúc Phương công bố cách đây gần 10 năm.

Trang bìa trường ca "Từ hai phía mặt trời"

Dù muốn thâu tóm bao nhiêu không gian và gom nhặt bao nhiêu dữ liệu, thì trường ca cũng phải hướng đến cái đích bền vững là có được những câu thơ trình bày buồn vui của số phận con người trên trái đất. Trong trường ca “Từ hai phía mặt trời”, tác giả cũng có những mơ ước chìm đắm: “Bài hát dân gian đổi lấy đêm ngủ trọ qua đường/ Ba câu thơ đổi lấy nụ cười và hai ly rượu” và những khoảng lặng ân tình: “Chiều nao cô gái ngày xưa khóc/ Phương ấy tìm đâu một bóng người.

Cần khẳng định, dám thử sức viết sử thi trái đất và loài người là một kế hoạch táo bạo của nhà văn Trúc Phương. Sự can đảm vượt lên chính mình và vượt qua chính mình, đã có thể xem như một sự thắng lợi bước đầu”, nhà thơ, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn nhận xét.

Nhà văn Trúc Phương tên thật là Nguyễn Minh Nghiệp. Các bút danh khác: Sorya Phương, Nguyễn Trúc, Minh Khuê, Trần Phương Anh, Nhất Phương. Ông sinh ngày 12/01/1951 tại xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; là Hội viên Hội Nhà văn VN, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM.

Nhà văn Trúc Phương tham gia cách mạng từ năm 1965 và từng là: Đội trưởng đội trinh sát vũ trang an ninh thị xã Vĩnh Long (1970); Ủy viên ủy ban khởi nghĩa Vĩnh Long 1975; Phó ban Tuyên huấn thị xã Vĩnh Long từ 1973. Từ 1975-1983, ông học trường Tuyên huấn Trung ương, trường Viết văn Nguyễn Du. Từ 1988-1997: ông giữ chức Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Cửu Long và Vĩnh Long. Từ 1997, nhà văn về Sở Văn hóa Thông tin TPHCM và từng làm Trưởng phòng quản lý thông tin Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch TPHCM.

Nhà văn Trúc Phương có 20 tác phẩm đã xuất bản và đã đạt được một số giải thưởng danh giá trong nước.

Phùng Hiệu

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/ra-mat-truong-ca-tu-hai-phia-mat-troi-cua-nha-tho-truc-phuong_151455.html