Rà soát, hoàn thiện dự án Luật Biên phòng

Thẩm tra Dự luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cần đánh giá bổ sung các tác động có tính định lượng của các chính sách trong dự thảo Luật.

Trong chương trình phiên họp thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng, được xây dựng với 07 chương, 34 điều, 9 nội dung cụ thể.

Thẩm tra Dự luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cần đánh giá bổ sung các tác động có tính định lượng của các chính sách trong dự thảo Luật; cung cấp thêm thông tin về pháp luật có liên quan, kinh nghiệm của một số nước về biên giới quốc gia.

Cho ý kiến vào Dự luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung nêu trong Tờ trình và Dự thảo của Chính phủ; đồng tình với các ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng - An ninh và một số ý kiến phát biểu.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh thấy rằng, việc xác định đúng tên gọi của luật có ý nghĩa quyết định đến phạm vi điều chỉnh và bố cục, nội dung của dự thảo Luật. Nếu giữ tên luật là “Luật Biên phòng Việt Nam” thì cần phải rà soát, đánh giá kỹ các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới, tránh chồng chéo với các quy định có liên quan của các luật khác, nhất là Luật Biên giới quốc gia năm 2003, đồng thời góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để xây dựng bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng (ảnh: Quốc hội)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng (ảnh: Quốc hội)

Nhiều ý kiến cho rằng, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, đây là vấn đề lớn quyết định tới kết cấu và toàn bộ nội dung của dự thảo cần phải được nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, nội dung này được nhiều ý kiến quan tâm và cũng có ý kiến khác nhau.

Việc xây dựng dự án luật với tên gọi “Luật Biên phòng Việt Nam” và mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Pháp lệnh Bộ đội biên phòng là phù hợp với tên gọi được nêu trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và tên trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, với tên gọi và phạm vi điều chỉnh đã được xác định, luật cần quy định tổng thể các vấn đề có liên quan đến biên phòng. Công tác biên phòng là bộ phận trong công tác quốc phòng, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia, nhiệm vụ có sự tham gia của nhiều lực lượng khác tại khu vực biên giới và được quy định ở nhiều luật khác nhau. Do đó, vấn đề này cần được nghiên cứu, rà soát thật kỹ.

Bên cạnh đó, ngoài Luật Biên giới quốc gia, hiện nay có tới 10 đạo luật có các quy định liên quan tới hoạt động biên phòng, do đó các quy định của dự án luật cần phải được rà soát thật kỹ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định có liên quan, xác định rõ mối quan hệ giữa luật này với các luật khác, nhất là với Luật Biên giới quốc gia.

Về giải thích từ ngữ, dự thảo luật giải thích hai cụm từ “Biên phòng” và “thực thi nhiệm vụ biên phòng”, trong đó có khái nhiệm “Biên phòng” là vấn đề cơ bản bởi sẽ quyết định đến kết cấu, nội dung, bố cục của luật. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các nội dung giải thích từ ngữ để đảm bảo tính hợp lý.

Đồng thời, quy định rành mạch các nội dung về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng, biện pháp thực thi nhiệm vụ biên phòng, chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát kỹ về tính khả thi, hợp lý đối với các quy định bảo đảm chế độ chính sách của Bộ đội biên phòng, trách nhiệm các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, cần rà soát thật kỹ về bố cục, kỹ thuật văn bản để hoàn chỉnh thêm.

Trên cơ sở các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến hoàn thiện dự án luật, chỉnh lý nội dung để chính thức trình Quốc hội xem xét.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ra-soat-hoan-thien-du-an-luat-bien-phong-185382.html