Rắc rối phân loại rác ở chung cư

Nếu như ở các ngôi nhà mặt đất, rác thải được thu gom theo giờ và có công nhân vệ sinh môi trường đi thu gom tận nhà thì ở các khu chung cư cao tầng, việc quản lý phân loại rác còn nhiều khó khăn.

Mỗi ngày cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (thường gọi là rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025 tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%. Có thể thấy rằng, lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý là khá nhiều, là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực, chúng tác động đến cả môi trường đất, nước và không khí, cũng là nguyên nhân gây ra nhiều dịch bệnh cho con người.

Vì vậy, việc tổ chức phân loại, thu gom rác thải sinh hoạt tại nguồn rất quan trọng, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Thế nhưng, có rất nhiều các dự án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được các tỉnh, thành phố triển khai kết quả thu lại không được bao nhiêu vì hàng loạt nguyên nhân, nhất là đối với những khu vực đô thị tập trung nhiều khu chung cư.

Lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý hiện nay rất lớn gây hại cho môi trường và sức khỏe.

Lượng rác thải sinh hoạt chưa được xử lý hiện nay rất lớn gây hại cho môi trường và sức khỏe.

Trao đổi tại do Tạp chí Gia đình Việt Nam phối hợp với Công ty CP Acecook Việt Nam tổ chức, TS. Hoàng Dương Tùng - Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết, phân loại rác ở chung cư, đặc biệt là các chung cư cũ hiện còn gặp nhiều khó khăn.

“Các chung cư được xây dựng từ nhiều năm trước thường có thiết kế những ống xả để thu gom rác thải. Người dân chỉ cần mang túi rác trong nhà đến thẳng phòng đổ rác của tầng. Rác rơi xuống phòng chứa chung, ngày hôm sau sẽ có người đổ. Đây là điểm thoải mái không thể phủ nhận với cư dân ở nhà chung cư. Tuy nhiên đây cũng trở thành điểm nghẽn trong phân loại rác tại nguồn.” - TS. Hoàng Dương Tùng chia sẻ.

Với kết cấu dạng đường ống đổ rác tại chung cư hiện nay, việc phân loại rác là không thể. Số lượng rác thải đổ xuống từ các tầng là rất lớn cộng với việc không được phân loại từ hộ gia đình cho nên các nhân viên thu gom chỉ có thể sắp xếp vào từng xe chứa rác, nếu xe này đầy thì đến xe khác. Kể cả khi các gia đình có phân loại các loại rác thải tại nhà nhưng khi cho vào một ống rác chung xuống lại tung tóe, lẫn lộn trong hầm chứa rác.

Với các chung cư có hệ thống đổ rác dạng đường ống, việc phân loại rác gặp nhiều khó khăn.

Với các chung cư có hệ thống đổ rác dạng đường ống, việc phân loại rác gặp nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn trong quá trình phân loại rác, TS. Hoàng Dương Tùng nhận định bên cạnh vấn đề cải thiện hệ thống xử lý thu gom rác tại các chung cư thì vấn đề tư duy, cách quản lý rác cần được xem xét. Việc ứng xử với rác phải được xem là văn hóa để bảo vệ cộng đồng cư dân văn minh.

Hiện nay dù nhiều chung cư đã xây dựng phòng chứa rác nằm cạnh cầu thang bộ của mỗi tầng có cửa đóng kín, bên trong có hai thùng rác riêng biệt nhằm phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ. Tuy nhiên nhiều người không quan tâm đến việc phân loại hoặc không biết phân loại sao cho đúng.

Để ngăn chặn những hành vi thiếu ý thức, xây dựng được văn hóa chung cư, các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan quản lý ở địa phương, nên quan tâm tuyên truyền, động viên người dân tổ chức, xây dựng lối sống văn hóa - văn minh.

Nhiều chung cư đã xây dựng phòng chứa rác có thùng phân loại rác nhưng người dân không quan tâm đến việc phân loại.

Nhiều chung cư đã xây dựng phòng chứa rác có thùng phân loại rác nhưng người dân không quan tâm đến việc phân loại.

Ban quản lý các khu chung cư cần xây dựng một khuôn mẫu ứng xử phù hợp, hướng người dân thực hiện theo khuôn mẫu đó để xử lý những hành vi xả rác, thiếu văn hóa, làm ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe người khác và ô nhiễm môi trường công cộng.

Vị chuyên gia cũng khuyến nghị, có nhiều loại chung cư thì có nhiều cách giám sát. Tùy chung cư, tùy cách quản lý có cách giám sát khác nhau như lắp camera. Tại một số nước, các chung cư xây dựng khu, điểm tập kết ở dưới hầm rất sạch sẽ, lắp camera và có người đứng giám sát để đảm bảo việc thực hiện quy định của người dân.

Phương Anh

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/rac-roi-phan-loai-rac-o-chung-cu-d194152.html