Rắc rối thẩm định hợp đồng

Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Malaysia của VN phó mặc việc quản lý lao động cho công ty môi giới nước này...

Pháp luật hiện hành về đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài quy định rõ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) phải báo cáo hợp đồng với cơ quan quản lý Nhà nước về lao động VN tại quốc gia và vùng lãnh thổ có đưa lao động đến. Chỉ khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan này, Cục Quản lý Lao động ngoài nước mới cấp phiếu thẩm định, cho phép DN triển khai hợp đồng. Ông Vũ Đình Toàn thăm hỏi lao động nữ đang làm việc tại Nhà máy Điện tử Renesas ở Penang – Malaysia Có tự làm khó nhau? Về pháp lý thì không có gì đáng bàn. Nhưng theo phản ánh của một số DN, rắc rối phát sinh khi gần đây, từ chủ trương của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia cụ thể hóa bằng yêu cầu mang tính bắt buộc: Chỉ cho phép thực hiện đơn hàng nếu hợp đồng ký kết bảo đảm lương tối thiểu cho NLĐ 21 ringgit – RM (1 RM khoảng 5.000 đồng)/ngày. Giám đốc một DN xin giấu tên cho biết ở Malaysia, mức lương cơ bản tối thiểu mà chủ sử dụng lao động phải trả cho lao động nước ngoài làm việc ở lĩnh vực nhà máy hiện nay là 18,5 RM/ngày. Nếu áp dụng theo quy định nói trên, DN chỉ có nước... chết. Bởi lẽ rất nhiều nhà máy cùng lúc sử dụng lao động của nhiều nước và không có lý do gì để buộc họ phải trả lương cho lao động VN 21 RM/ngày, trong khi lao động các nước khác 18,5 RM/ngày. Ngoài ra, DN XKLĐ sẽ phải trả lời thế nào đối với số lao động cũ khi lương cơ bản họ nhận thấp hơn lao động mới sang?... Việc làm cùng nhà máy, cùng một công việc nhưng lương hưởng khác nhau chắc chắn khó tránh khỏi phản ứng, thậm chí lãn công, đình công đòi quyền lợi trái pháp luật của NLĐ. Liên quan đến cách trả lương, một số công ty môi giới của Malaysia như Wimbond, HouseProud... xác nhận rằng việc trả lương tối thiểu là không cứng nhắc, có thể cao thấp khác nhau trên nền tối thiểu 18,5 RM/ngày. Đó là lý do mà phần đông nhà máy, nhất là các nhà máy liên doanh với Nhật Bản, áp dụng mức lương cơ bản chung cho lao động nước ngoài mới vào chỉ là 18,5 RM/ngày, sau đó được điều chỉnh lên 21, 24, 25, 26 RM/ngày, tùy vào số năm làm việc. Thêm nữa, thu nhập của đa số lao động VN ở Malaysia cao hay thấp phụ thuộc vào cái gọi là “ô ti”, tức giờ làm thêm (overtime). Khoản tiền làm thêm hằng tháng luôn bằng hoặc cao hơn lương cơ bản mà người lao động nhận được. Do vậy, việc quy định DN phải bảo đảm lương tối thiểu 21 RM/ngày là cần nhưng chưa đủ, không phù hợp thực tiễn; chỉ làm khó DN và làm giảm cạnh tranh của XKLĐ ở thị trường này. Không thể ngồi bàn giấy thẩm định hợp đồng Vấn đề là Ban Quản lý lao động VN có lợi dụng chủ trương để hành DN hay không? Đúng là hiện tại khi xem xét hồ sơ đăng của DN, Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia “soi” rất kỹ chi tiết này, gây ra những bức xúc cho DN. Nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, việc “soi” này xuất phát từ tình trạng buông lỏng quản lý, ký vội hợp đồng, thậm chí đem con bỏ chợ của chính DN XKLĐ. Được biết, ở thời điểm tháng 8-2008 về trước, có khoảng 80 DN mở văn phòng ở Malaysia và cử cán bộ đại diện sang quản lý lao động. Nhưng hiện nay, con số này chỉ còn vài ba DN và hầu hết còn lại đều đóng cửa văn phòng, rút cán bộ về và giao hẳn việc quản lý cho công ty môi giới. Bên cạnh đó, nhiều DN vi phạm quy định hiện hành về XKLĐ, không báo cáo hợp đồng hoặc tổ chức lao động xuất cảnh theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô” – tức đưa lao động sang trước rồi báo cáo sau. Trong chuyến đi kiểm tra tình hình lao động ở 7 nhà máy sử dụng đông lao động VN vào cuối tháng 6 vừa qua, Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia phát hiện hầu hết họ được DN đưa đi “chui” không qua báo cáo hợp đồng. Trực tiếp đi kiểm tra, ông Vũ Đình Toàn, Trưởng Ban Quản lý lao động VN tại Malaysia, nói rằng nếu rơi vào nhà máy không tốt, không bảo đảm việc làm, thu nhập thì rủi ro, thiệt thòi của NLĐ là khó tránh khỏi. Đó cũng là lý do mà theo ông Vũ Đình Toàn, không thể ngồi bàn giấy thẩm định hợp đồng do các công ty môi giới đến đăng ký hộ DN trong tình hình DN không có cán bộ đại diện. Ông Toàn cho rằng ban chỉ cho phép DN triển khai đơn hàng nào có mức lương cơ bản 18,5 RM/ngày nếu được đi kiểm tra, biết rõ nhà máy hoạt động ra sao, tình hình việc làm, thu nhập, ăn ở của NLĐ có bảo đảm hay không... Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước: Không thể áp dụng cứng nhắc Việc yêu cầu hay khuyến khích DN tìm kiếm, khai thác những đơn hàng có lương cơ bản 21 RM/ngày là chủ trương tốt, có lợi cho NLĐ. Chúng tôi cũng xem đây là biện pháp để DN làm tốt hơn nữa trong việc tìm kiếm, khai thác hợp đồng nhưng không thể áp dụng cứng nhắc mà phải linh động xem xét tùy từng trường hợp cụ thể. Nếu những nhà máy nào trả lương cơ bản cho NLĐ 18,5 RM/ngày nhưng bố trí việc làm đầy đủ, có nhiều giờ làm thêm, bảo đảm nơi ăn chốn ở cho NLĐ thì vẫn cứ cho thực hiện.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090817114317980p0c1051/rac-roi-tham-dinh-hop-dong.htm