Rắc rối việc giải quyết con chung khi ly hôn

Trong các vụ án ly hôn, việc xác định quyền nuôi con sau khi ly hôn không hề đơn giản, bởi lẽ ngoài cái lý còn có cái tình. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết con chung khi ly hôn còn nhiều điều cần quan tâm.

Luật sư Cao Sơn Hà, Hội Luật gia tỉnh phát tài liệu tuyên tuyền về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho người dân xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ảnh minh họa: Đ.Phú

Luật sư Cao Sơn Hà, Hội Luật gia tỉnh phát tài liệu tuyên tuyền về Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cho người dân xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc). Ảnh minh họa: Đ.Phú

Luật sư Cao Sơn Hà, Hội Luật gia tỉnh cho hay, để được giành quyền nuôi con, cha mẹ phải chứng minh mình có đủ các điều kiện kinh tế và tinh thần để tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất về mọi mặt như: trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục…

* Giành quyền nuôi con

Trên thực tế vì nhiều lý do, trong đó có lý do “cái tôi” của vợ hoặc chồng quá lớn, dù biết mình không đủ điều kiện nuôi dưỡng con theo quy định nhưng vẫn cố tranh chấp quyền nuôi con.

Cụ thể như trường hợp của chị H.H. (ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu), dù chị không có khả năng nuôi con (10 tuổi) khi ly hôn với chồng là anh B. nhưng chị vẫn quyết tâm giành cho bằng được quyền nuôi con. Trước Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Cửu, anh B. chấp nhận giao con cho chị nuôi dưỡng và chịu trách nhiệm cấp dưỡng nuôi con hằng tháng. Ly hôn được hơn 1 năm, chị H.H. lập gia đình nên muốn giao con lại cho anh B. Lúc này anh B. cũng chuẩn bị lấy vợ nên không đồng ý việc nhận nuôi con, dẫn đến giữa anh B. và chị H.H. lại xảy ra tranh chấp quyền nuôi con.

Việc khởi kiện ra tòa để tranh chấp quyền nuôi con trước và sau khi ly hôn là quyền của mỗi người vợ hoặc chồng. Tuy nhiên, vấn đề nhiều cặp vợ chồng khi ly hôn băn khoăn đó chính là việc tòa hỏi nguyện vọng của con chưa thành niên, từ đủ 7 tuổi trở lên. Ngay cả khi việc vợ chồng đồng thuận ly hôn và tự thỏa thuận việc nuôi con thì tòa vẫn xem xét nguyện vọng của con chưa thành niên. Nhiều ý kiến cho rằng, việc này không cần thiết và lo lắng ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Chị K.L. (ngụ xã Phú An, huyện Tân Phú) chia sẻ, lý do khiến chị không đưa con đến tòa để làm việc vì sợ con bị tổn thương, ảnh hưởng xấu đến tâm lý của con sau này. Vì chị đã nhiều lần hỏi con thì con trả lời không nhất quán, lúc thì muốn ở với cha, lúc thì muốn ở với mẹ, thậm chí muốn ở với cả cha và mẹ. Khi bị mẹ nhiều lần gặng hỏi cháu đã òa khóc nức nở, từ đó tính tình cháu thường hay nóng giận khiến chị lo lắng.

* Vẫn còn bất cập

Khoản 2, Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con; nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Tại Khoản 3, Điều 208 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định, đối với vụ án tranh chấp về nuôi con khi ly hôn hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, thẩm phán phải lấy ý kiến của con chưa thành niên từ đủ 7 tuổi trở lên.

Về vấn đề này, luật sư Cao Sơn Hà cho biết, vấn đề quan trọng trong các vụ án tranh chấp quyền nuôi con của cặp vợ chồng ly hôn là việc thẩm phán phải trực tiếp lấy ý kiến nguyện vọng của trẻ chưa thành niên làm sao bảo đảm được tính chất khách quan của vụ án, phương pháp lấy ý kiến phải bảo đảm thân thiện với trẻ em; tránh trường hợp lấy ý kiến của trẻ thông qua các bản tự khai là chưa đảm bảo tính khách quan. Bởi các bản tự khai này có thể có sự chi phối của cha, mẹ và người thân trong gia đình làm ảnh hưởng đến ý chí cũng như nguyện vọng chính đáng của trẻ, dẫn đến sai sót khi quyết định giao cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng.

Tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 do Bộ Tư pháp tổ chức trong năm 2019, đại diện Tòa án nhân dân tối cao cũng cho rằng, việc vợ chồng đồng thuận ly hôn và tự thỏa thuận việc nuôi con thì quy định phải xem xét nguyện vọng của con trên 7 tuổi là không cần thiết. Vì theo công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 5-1-2018 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, quy định phải xem xét nguyện vọng của con chưa thành niên chỉ là một trong những yếu tố tòa án phải xem xét trong quá trình giải quyết vụ án, không phải là căn cứ để tòa án quyết định sẽ giao con chung cho cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dưỡng.

Ngoài ra, luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh còn cho biết, trong thực tế đối với các vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, việc thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp phải thực hiện thông qua tham khảo ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình tại địa phương, UBND cấp xã nơi vợ chồng chung sống, nơi con chưa thành niên cư trú.

Theo luật sư Đức, việc làm này sẽ mang tính hình thức bởi các cơ quan rất khó nắm được cụ thể chuyện cá nhân của từng gia đình nên khó đảm bảo tính xác thực để sử dụng làm căn cứ trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, đây cũng là một trong những quy định cần được cụ thể hơn để tăng tính khả thi trong thực hiện pháp luật về dân sự và hôn nhân, gia đình trong thời gian tới.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202002/rac-roi-viec-giai-quyet-con-chung-khi-ly-hon-2987084/