Rác thải nông thôn: Lời giải ở chính chúng ta

Các địa phương đang đẩy mạnh việc triển khai xây dựng môi trường 'xanh - sạch - đẹp'. Bên cạnh rác thải sinh hoạt ở thành phố, thị xã cơ bản được thu gom, xử lý thì vấn đề rác thải sinh hoạt nông thôn, rác thải nhựa vẫn là bài toán khó giải.

Để Việt Nam không còn là một trong những quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, các chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ, cộng đồng, xã hội, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân cần phải có sự thay đổi.

Thay túi nhựa bằng sản phẩm tự nhiên

Mới đây, nhiều siêu thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng như Co.op mart Việt Nam; Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op); các siêu thị: Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối được người dân hưởng ứng và ủng hộ.

Tại siêu thị Big C Thăng Long hay Co.opmart Thanh Xuân (Hà Nội), lá chuối được sử dụng để gói các mặt hàng như rau mùi, rau diếp cá, măng tây… thay cho việc sử dụng màng bọc thực phẩm để gói. Sử dụng lá chuối sẽ giảm bớt lượng rác thải và túi nylon sử dụng hàng ngày ra môi trường bên ngoài, đặc biệt việc sử dụng lá chuối sẽ tạo cho người dùng cảm giác an toàn và đảm bảo hơn.

Bà Vũ Hương Giang, đại diện siêu thị Big C Đà Nẵng, cho biết: Từ ngày 3/4, Big C Đà Nẵng chuyển việc gói thực phẩm là các loại rau từ túi nylon sang sử dụng lá chuối. Trong đợt đầu thực hiện, có khoảng 20 loại rau quả được bọc bằng lá chuối, hạn chế tối đa sử dụng túi nylon. Việc triển khai thay thế túi nylon bằng lá chuối nhằm chung sức hạn chế rác thải nhựa (túi nylon), bảo vệ môi trường. Hoạt động này sẽ được triển khai thí điểm sau đó rút kinh nghiệm để hoàn thiện và nhân rộng. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đang cân nhắc việc nguồn cung lá chuối sẽ do đơn vị cung cấp rau phụ trách hay do đơn vị tự tìm nguồn.

Mỗi gia đình xây dựng một hố rác

Có dịp về thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), đi dọc theo các trục đường vào trung tâm các xã giờ đây đã không còn hiện tượng vứt rác bừa bãi, thay vào đó là khung cảnh xanh - sạch - đẹp.

Xác định tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện, do đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Ngã Bảy đã triển khai chủ trương mỗi gia đình, khu dân cư phải xây dựng 1 hố rác để thu gom, tập kết và xử lý. Theo đó, ấp Ba Ngàn, xã Đại Thành được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngã Bảy chọn làm điểm xây dựng. Mẫu mô hình hố rác được thiết kế sẵn với kích thước, kinh phí cho phù hợp với từng hộ. Để xây được hố rác thải, mỗi hộ gia đình chỉ cần bỏ ra một khoản kinh phí 200.000 đồng để mua vật liệu cát, xi măng,… Hố đốt rác cao khoảng 1m, lại có thể di động được. Sau khi đốt xong, hộ dân tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Ông Cao Thanh Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị xã Ngã Bảy, cho biết: Mặc dù là thị xã nhưng vẫn còn nhiều vùng nông thôn chưa có điều kiện thực hiện thu gom rác thải tập trung. Do đó, việc xây dựng các mô hình đốt rác thải sinh hoạt là những giải pháp để xử lý rác nông thôn. Đây là mô hình hay, không chỉ góp phần tích cực trong công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt mà còn nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác vệ sinh môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Học sinh làm gạch polyme từ rác nhựa

Theo dự báo của các nhà khoa học, khối lượng rác thải nhựa đến năm 2050 ở các đại dương sẽ nặng hơn khối lượng của cá. Báo cáo mới đây của Liên Hiệp quốc cũng nhấn mạnh, cứ một phút sẽ có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ 27% trong số chúng được xử lý.

“Thực sự là những con số ấn tượng khiến nhóm chúng tôi quyết định tìm giải pháp nào đó để thực hiện ý tưởng mà mình theo đuổi lâu nay là gắn cho rác thải nhựa một danh phận mới nhưng phải đảm bảo được hai vấn đề: bảo vệ môi trường và tính hữu hiệu trong đời sống”, em Nguyễn Trần Tiến, Trưởng nhóm của 6 học sinh lớp 11 Trường THPT Cao Thắng (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ.

Nhóm 6 học sinh lớp 11 Trường THPT Cao Thắng trong phòng thực hành. Ảnh: C.T.

Nhóm 6 học sinh lớp 11 Trường THPT Cao Thắng trong phòng thực hành. Ảnh: C.T.

Bắt tay vào làm ngay, sau giờ học, cả nhóm chia nhau tiến hành thu gom tất cả các loại rác thải được làm từ nhựa. Lục tung bãi rác, thùng rác, rồi các bạn gõ cửa từng nhà, từng hàng quán để xin về.

Lượng rác thải nhựa thu về khá lớn trở thành nguyên liệu chính để làm gạch polyme. Rác thải được rửa sạch, cắt nhỏ, trộn cùng ximăng, cát sạn và nước, cho vào khuôn đúc (dùng để đúc gạch bêtông thủ công), ép tạo hình từng viên.

Quá trình thử nghiệm gặp không ít khó khăn khi 6 thành viên đều là học sinh, không có nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc sản xuất. Gạch polyme là loại gạch làm từ 4 nguyên liệu là ximăng, cát sạn, nhựa xay và nước.

Điều đặc biệt của loại gạch này chính là ở chỗ không cần nung. Sau khi đúc tạo hình cho viên gạch, chúng sẽ được phơi ngoài trời trong vòng 1 tháng. Đo chất lượng sản phẩm là công đoạn bắt buộc cuối cùng trước khi đưa sản phẩm vào tiêu dùng.

“Những viên gạch không nung giúp hạn chế lượng khí thải ra môi trường. Sử dụng nguyên liệu hạt nhựa giúp giảm rác thải nhựa. Ngoài ra, cách này cũng hạn chế đáng kể lượng cát sạn sử dụng cho việc sản xuất gạch, từ đó giảm luôn lượng khai thác cát trên các sông, tránh gây sạt lở, xói mòn. Dù vậy chi phí, giá thành không tăng, chất lượng sản phẩm vẫn hoàn hảo”, Tiến chia sẻ.

Thủ tướng chỉ đạo: Không để rác thải tồn đọng

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bức xúc và nhấn mạnh: “13 triệu tấn rác thải nông thôn giải quyết thế nào? Rác bây giờ rất lớn nhưng nhà đầu tư xử lý rác không có rác để làm việc này, trách nhiệm xử lý thuộc về ai? Các container nằm đầy ở các cảng trách nhiệm thế nào?”.

Để giải quyết vấn đề đặt ra, Thủ tướng yêu cầu cần làm rõ thực trạng vấn đề thu gom, xử lý và tái chế rác, đặc biệt là các loại túi nylon, chai nhựa hiện nay, để tập trung giải quyết, có bước chuyển biến trong thời gian tới. Nhất là hơn 13 triệu tấn rác thải hiện đang còn tồn đọng ở khu vực nông thôn, Thủ tướng yêu cầu, tới đây, các bộ trưởng phải phối hợp làm rõ trách nhiệm thuộc về bộ nào: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, để xử lý dứt điểm, không để tình trạng rác thải tồn đọng ở nông thôn, ngoài cảng biển, trong khi nhà máy chế biến xử lý lại không có nguồn nguyên liệu.

Đáng báo động là vấn đề rác thải nhựa, Thủ tướng đã có thư kêu gọi chung tay hành động vì một “Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra”.

Trong thư, Thủ tướng nêu rõ, hiện rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu, mỗi năm lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín bốn lần diện tích bề mặt Trái Đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Nhiều quốc gia đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường, đồng thời tăng tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa.

Chính phủ Việt Nam đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp kiểm soát hiệu quả ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; chú trọng giảm thiểu việc sử dụng, tăng cường tái chế, tái sử dụng, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Thủ tướng kêu gọi mọi người dân Việt Nam hãy chung tay hành động giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cần làm tốt cồng tác thông tin tuyên truyền, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát động các phong trào, xây dựng nhân rộng các mô hình, đề xuất các sáng kiến và tích cực tham gia bằng các hành động cụ thể như thay đổi thói quen sử dụng, giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa; tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích sử dụng bao bì, túi đựng nhiều lần; kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các điển hình tiên tiến, mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị.

Ngay bây giờ, chính mỗi người chúng ta hãy chung tay hành động vì một Việt Nam với môi trường sống trong lành, an toàn và phát triển bền vững.

Mỗi hành động nhỏ của chúng ta hôm nay sẽ góp phần thay đổi, mang đến kết quả tốt đẹp cho môi trường mai sau.

Trước hết, mỗi người hãy thải ra ít rác hơn. Để làm được nghĩa là ta phải chọn cuộc sống hạn chế vật dụng một lần như túi nylon, ống hút nhựa,...

Dựa vào một dự báo từ nghiên cứu năm 2018, các nhà khoa học cho biết, phải tốn 7,2 ngàn tỉ chiếc túi gia dụng mới có thể thu gom hết số lượng rác thải nhựa trên toàn cầu.

Ước tính 1 chiếc túi thu gom chứa khoảng 30-31 chai nhựa, mỗi túi có giá khoảng 1 USD. 7,2 ngàn tỷ túi tương đương với số tiền khổng lồ 7,2 ngàn tỷ USD.

Theo Business Insider, con số này dư sức mua lại hàng loạt tập đoàn sừng sỏ trên thế giới như Apple (375 tỷ USD), Google (131 tỷ USD), Microsoft (241 tỷ USD), Facebook (65 tỷ),… Nói cách khác, nếu ai đó có thể thu gom và tái chế tất cả lượng rác thải nhựa toàn cầu thì chắc chắn sẽ giàu hơn bất kỳ ai trên thế giới.

Bài 4. Cách làm hiệu quả ở Hà Tĩnh

Vân Nhi

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/rac-thai-nong-thon-loi-giai-o-chinh-chung-ta-post28115.html