Rải hơn 3,7 tấn chất chống phát tán thủy ngân Rạng Đông

Bộ Tư lệnh Hóa học đang thực hiện rải hóa chất chống phát tán thủy ngân, đồng thơi thu gom 12 tấn phế thải ở Rạng Đông chờ xử lý.

Ngày 13/9/2019, theo báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, đơn vị đang thực hiện việc chống phát tán thủy ngân tại Công ty Rạng Đông ra môi trường bằng hóa chất và phun sương.

Hiện 3,7 tấn chất hóa học được rải tại 2.500m2 nhà kho để chống lan tỏa thủy ngân ra bên ngoài. Bên cạnh đó, 12 tấn phế thải nhiễm thủy ngân đã được thu gom, để ở nhà máy chờ xử lý.

Trong thời gian tới, lực lượng tiếp tục rải hóa chất chống phát tấn thủy ngân trên 6.000m2 của nhà kho Công ty Rạng Đông.

Chất thải nhiễm độc thủy ngân trong nhà máy Công ty Rạng Đông đang được dọn dẹp.

Chất thải nhiễm độc thủy ngân trong nhà máy Công ty Rạng Đông đang được dọn dẹp.

Được biết, do lượng chất thải nguy hại trong vụ cháy Công ty Rạng Đông lớn hơn dự kiến nên cần thêm thời gian cho quá trình thu gom nhằm đảm bảo an toàn, thu gom đúng theo quy trình xử lý chất thải nguy hại, do đó không thể hoàn thành kế hoạch thu gom chất thải trước ngày 15/9 như kế hoạch ban đầu.

Về thời điểm chính thức tiêu tẩy ô nhiễm ở Công ty Rạng Đông, mặc dù Binh chủng hóa học đã triển khai đầy đủ thiết bị, máy móc, lực lượng sẵn sàng cho việc tiêu tẩy ô nhiễm trong phạm vi nhà máy, nhưng thời điểm tiêu tẩy cũng phải lùi lại, chậm hơn so với kế hoạch ban đầu do phải chờ thu gom xong chất thải.

Nhiệm vụ tiếp theo được xác định trong thời gian tới là tiếp tục duy trì quan trắc, cảnh báo môi trường tại hiện trường, tổ chức trinh sát môi trường các khu vực lân cận; triển khai các biện pháp chống sự lan tỏa của hóa chất; tổ chức thu gom, tiêu tẩy các khu vực sau khi Công ty Urenco dọn mặt bằng.

GS.TSKH Lưu Văn Bôi (nguyên chủ nhiệm khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, thủy ngân là một dạng chất thải nguy hại, rất độc đối với con người, đòi hỏi đơn vị xử lý phải có trình độ, kỹ thuật cao và có trang thiết bị hiện đại.

Vài chục kg thủy ngân thì không phải là chuyện đơn giản nữa, lượng thủy ngân này đã thành bụi, phát tán vào không khí, đất, nước rồi nước ngầm. Vì vậy, người ta phải quan trắc, đánh giá liên tục, chứ đánh giá 5 hay 10 mẫu rồi bảo an toàn thì không khách quan về mặt khoa học.

Toàn cảnh nhà máy Công ty Rạng Đông sau khi vụ cháy xảy ra.

"Để định ra được phương pháp xử lý cụ thể, vấn đề hiện nay phải xác định được mức độ ô nhiễm thủy ngân tập trung ở một khu vực hay rải rác" - GS.TSKH Lưu Văn Bôi nói.

Trong khi đó,TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng người dân không nên quá lo lắng với sự xuất hiện của lực lượng Binh chủng Hóa học. Nếu lượng tồn dư trong đất vẫn còn lớn, các cơ quan chuyên môn không chỉ dọn dẹp tro trên bề mặt, mà còn xúc ở dưới đất để mang đi tiêu hủy.

Ngọc Thanh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/rai-hon-37-tan-chat-chong-phat-tan-thuy-ngan-rang-dong-3387565/