Rằm tháng 7 âm lịch: Gợi ý chuẩn bị mâm cơm cúng

Vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch (ÂL), người Việt thường làm cơm để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên và làm cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát. Dưới đây là cách làm gợi ý chuẩn bị mâm cơm tươm tất cúng Rằm tháng 7.

Đối với những gia đình theo đạo Phật, Rằm tháng 7 âm lịch (ÂL) là một lễ lớn. Lễ cúng không cần mâm cao cỗ đầy mà quan trọng ở tấm lòng Phật tử (Theo: Kinh tế Môi trường)

Rằm tháng 7 cũng chính là lễ Vu lan (báo hiếu cha mẹ) bắt nguồn từ truyền thuyết Mục Kiền Liên xả thân cứu mẹ khỏi kiếp đọa đày nơi địa ngục

Vào ngày này, bạn chỉ cần sắp một mâm cơm chay thanh tịnh hoặc mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc ở nhà

Những món nên có vào ngày này như: Xôi đỗ, xôi vò, xôi gấc, gà chay, giò lụa chay, canh rau củ, gỏi nộm chay..

Lúc làm lễ thì nên đọc kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho người đã khuất trong gia đình và bản thân mình. Theo quan niệm lâu đời, mâm cơm cúng Phật nên tổ chức vào buổi sáng (Ảnh minh họa)

Đối với mâm cỗ gia tiên, bạn nên làm cơm mặn với thực phẩm được chọn lọc tươi ngon, vị mát, tính hàn vì thời tiết mùa này khá nóng

Các gia đình nên làm mâm cỗ mặn với đầy đủ các món không thể thiếu như: Xôi đỗ, gà luộc, canh, miến nấu lòng gà, cá kho…. (Ảnh: Zing)

Đối với món xôi đỗ, bạn nên ngâm gạo từ 4-5 tiếng (tốt nhất là nên ngâm từ đêm hôm trước) rồi để ráo nước

Sau đó cho một chút muối, đường, mật ong (tùy khẩu vị từng người) xóc đều cho ngấm và để vào chõ đồ xôi. Khi xôi đã chín, bạn nên cho cốt dừa vào đảo đều và hâm tiếp 15 phút trước khi tắt bếp. Có thể thêm một số nước lá như: Lá dứa, lá nếp… để tạo màu cho xôi

Với món gà luộc, bạn đặt gà vào nồi rồi đổ nước lạnh xâm xấp, sau đó cho 1 thìa muối, gừng và hành tím, đun lửa to trong vòng 5 - 10 phút, đến khi nước sôi thì vặn lửa nhỏ để khỏi rách da gà

Cuối cùng cho mỡ gà vào chảo rán cùng nghệ (đập dập) cho đến khi thấy hỗn hợp màu vàng đẹp mắt. Rưới hỗn hợp đó lên con gà sau khi đã luộc xong (khi vớt ra nên để vào chậu có đá lạnh để da gà căng giòn)

Theo tín ngưỡng dân gian, ngày Rằm tháng 7 ÂL cũng được gọi là ngày “Xá tội vong nhân”. Vì thế vào ngày này, người dân cũng làm một mâm cúng cô hồn để họ không quấy nhiễu dương gian (Ảnh: Người Lao động)

Lễ này thường được làm vào chiều tối 14-7 và được hoàn tất vào ngày 15-7. Đây là khoảng thời gian các vong linh quay trở về địa ngục nên cũng là lúc cúng cô hồn hợp lý nhất

Trên mâm cúng thường có: Muối gạo, cháo trắng nấu loãng, hoa quả, bánh kẹo, ngô, khoai, sắn (cắt nhỏ thành khúc), 3 chén nước, 2 ngọn nến nhỏ...

Món cháo loãng là đặc biệt không thể thiếu bởi vì người ta tin rằng nó sẽ tốt cho linh hồn bị đày đọa không thể nuốt được thức ăn thông thường (Nguồn: Vietnamnet)

Một lưu ý quan trọng của lễ cúng cô hồn là không cúng xôi, thịt gà, thịt lợn, chỉ cúng món chay, không cúng đồ mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si nơi chúng sinh

Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính của nhà mình. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện

Kết thúc lễ cúng cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, ra đường, hoa quả, bánh kẹo được phân phát thụ lộc (Theo: VOH)

Thu Trà (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/anh-ram-thang-7-am-lich-goi-y-chuan-bi-mam-com-cung/821588.antd